Chuyện về “Hai ông Hổ bạch và Hổ mun tranh hùng”

Thứ tư, ngày 21/05/2014 12:31 PM (GMT+7)
Chuyện kể không thể không gây thắc mắc người nghe. Nhưng người ta bảo nhau, nếu không tin và muốn biết rõ thêm, xin cứ hỏi cụ Phan Văn Hượt, bởi cụ, với tư cách của một “già làng” và một người đạo cao đức cả.
Bình luận 0
Theo các miêu duệ của nhân vật lịch sử “Tổng trấn”, Huỳnh Công Trí là Hai Kiết và Chín Săn, sở dĩ “Lăng Tổng trấn” (ở xã Mỹ Hội Đông, huyện Chợ Mới, An Giang) có thờ Sơn quân là vì ngày trước, khi đất đai đã được khai khẩn nhưng chưa hoàn toàn khoáng đãng, góc này bãi kia vẫn còn nhiều lùm bụi rậm rạp, thú dữ nhất là cọp, thỉnh thoảng vẫn thấy xuất hiện.
img

Đáng kể nhất là hai “ông” Hổ Bạch và Hổ Mun. Hai “ông” nhất định không nhường nhau nửa bước, thường giao chiến gầm rú vang động cả một góc trời! Có lần hai “ông” quần thảo nhau ngay trên một miếng đất trống rộng khoảng một công tầm cắt, làm bầm dập nát hết cỏ cây trên bãi chiến trường, be bét máu, vung vãi nhiều chùm lông trắng lẫn đen.

img

Trận ác chiến một mất một còn hôm ấy đã ngã ngũ. Ông Bạch thắng, nghiễm nhiên trở thành chúa sơn lâm trong vùng. Thừa cơ hội ấy, ông Tiền hiền ở địa phương đứng ra kêu gọi dân làng xúm nhau đuổi hổ. Tiếng người la ó hòa lẫn tiếng trống, tiếng mõ, tiếng chiêng làm náo động cả một góc trời.

Ông Hạm (dân làng gọi hổ Mun – đang ê ẩm vì thương tích, lúc nào cũng uể oải) sợ quá bỏ chạy qua cù lao Mỹ Hòa Hưng (nên sau gọi Cù lao Ông Hổ), biệt dạng.

Theo lời kể của ông Mười (đã qua đời) thân phụ ông Lâm Văn Trung thì, tuy đã “bỏ xứ” nhưng thỉnh thoảng dân làng vẫn thấy ông Hạm lén về thăm quê cũ với dáng vẻ rất buồn bã. Mỗi lần như vậy dân làng thương xót, làm ngay một con heo sống, gọi là “cúng Ông”. Tất nhiên ông Hạm không phụ lòng tốt ấy. Xơi xong rồi đi, tuyệt nhiên không hề có một hành động quấy phá, nhiễu hại nào.

img

Trong khi đó, cứ mỗi lần đáo lệ tưởng niệm Huỳnh Công, dân làng cũng tự động “kiếng” cho “ông Bạch” một con heo, đem để ở giồng Xoài Một (nay đã bị lở sụp, không còn). Nội dung việc làm này, theo các cụ, không phải để “lo lót” chúa sơn lâm, mà là một hình thức “thân mật” (trong tâm tưởng dù sao họ vẫn rất sợ oai hùm) như một niềm tin tự tạo đượm đầy tính ma thuật, dưới hình thức mặc nhiên công cử “ông Bạch” là Sơn quân.

Lệ hàng năm, kiếng một con heo sống như vậy được xem như “đổi tờ cử”, mang ý nghĩa xác nhận rằng, Sơn quân vẫn được dân làng tôn trọng, hãy hộ độ dân làng, đừng gây hại!

img

Theo cụ ông Phạm Văn Hượt, điều rất đặc biệt và khá lạ là mỗi lần “kiếng” đều không thấy có dấu vết ông Bạch (cũng như của bất kỳ con vật nào, kể cả con người) nhưng thịt heo thì không còn! Dân làng và Ban Quý tế tổ chức rình xem cũng không ghi nhận được gì cụ thể.

Chuyện kể không thể không gây thắc mắc người nghe, nhưng người ta bảo nhau, nếu không tin và muốn biết rõ thêm, xin cứ hỏi cụ Phan Văn Hượt, bởi cụ, với tư cách của một “già làng” và với tư cách của một người đạo cao đức cả, cụ sẽ kể cho nghe (tuy nhiên ta vẫn biết cụ cũng chỉ là người được nghe các ông già bà cả lớp trước kể lại mà thôi).

img
Từ ngày giồng Xoài Một bị lở sụp, dân làng cũng bỏ lệ kiếng heo cho ông Bạch, nhưng miếu Sơn quân thì vẫn được duy trì như một hình thức ghi lại dấu ấn gợi nhớ cảnh quan ngay từ thời mới khai phá.

Miếu Sơn quân như mọi người đều đã biết, đó là một mô thức nhất định trong cơ cấu kiến trúc cổ, được dựng lập ngay trong khuôn viên các ngôi đền, đình, miếu, mộ...
Nguyễn Hữu Hiệp (Nguyễn Hữu Hiệp)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem