Cố hương nhạc sĩ Cao Văn Lầu là một làng ở Long An

Thứ hai, ngày 17/06/2024 06:05 AM (GMT+7)
Nhạc sĩ Cao Văn Lầu sinh sống và sáng tác chủ yếu ở tỉnh Bạc Liêu, tuy nhiên, nơi ông sinh ra là làng Thuận Lễ (nay là xã Thuận Mỹ) thuộc vùng hạ huyện Châu Thành, tỉnh Long An.
Bình luận 0

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu là người có công rất lớn trong việc làm thay đổi diện mạo của nghệ thuật đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. 

Bài Dạ cổ hoài lang do ông sáng tác được xem là bước ngoặt quan trọng thay đổi diện mạo của cải lương. 

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu sinh sống và sáng tác chủ yếu ở tỉnh Bạc Liêu, tuy nhiên, nơi ông sinh ra là làng Thuận Lễ (nay là xã Thuận Mỹ) thuộc vùng hạ huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Ngược dòng lịch sử, khoảng đầu thế kỷ XVIII, theo trào lưu Nam tiến, Cao Tổ họ Cao đưa gia đình đến vùng đất Gia Định (thuộc Cần Giuộc ngày nay) lập nghiệp. Các thế hệ con cháu lần lượt ra đời và định cư ở đất Cần Giuộc. 

Sau đó, gia đình ông Cao Văn Mới và bà Nguyễn Thị Điêu (thế hệ thứ 3 cũng là ông bà nội của nhạc sĩ Cao Văn Lầu) theo sông Soài Rạp đến làng Thuận Lễ (xưa) để định cư. 

Ông bà có nhiều người con, trong đó có 2 người con trai là Cao Văn Soi và Cao Văn Giỏi (thân phụ nhạc sĩ Cao Văn Lầu).

Thông tin từ Bảo tàng - Thư viện tỉnh, ông Cao Văn Giỏi, nghề nghiệp làm ruộng nhưng rất am hiểu về bộ môn nghệ thuật truyền thống, các bài bản cổ nhạc và sử dụng thành thạo các nhạc cụ truyền thống như bộ gõ, kèn hơi và đàn dây. 

Đó là cơ sở kiến thức để ông truyền nghề cho các con trai của mình khi làm hương nhạc ở Long An. Ông còn thường dịch sách Tàu để viết thành kịch bản hát bộ mà ông vừa là thầy tuồng, vừa là người dàn dựng và là nhạc trưởng của gánh hát.

Cố hương nhạc sĩ Cao Văn Lầu là một làng ở Long An- Ảnh 2.

Mộ ông Cao Văn Mới, ông nội của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, ở ấp Bình An, xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Nhắc chuyện xưa

Năm nhạc sĩ Cao Văn Lầu 4 tuổi, không chịu nổi sự áp bức của thực dân Pháp trên quê hương, gia đình ông cùng một số gia đình nông dân khác rời bỏ quê hương, theo đường thủy xuôi về phía nam sông Hậu và dừng chân ở vùng đất Bạc Liêu.

Giờ đây, ở xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành vẫn còn người thân của nhạc sĩ Cao Văn Lầu sinh sống. Nền nhà cũ của gia đình ông ở ngày trước được gia đình người thân của ông gìn giữ. Ngôi mộ ông nội nhạc sĩ là ông Cao Văn Mới thuộc khu vực mộ gia đình ở ấp Bình An.

Theo sử sách, làng Thuận Lễ xưa là vùng đất được khai phá sớm ở Nam bộ, nhân dân có truyền thống yêu nước chống xâm lược, trọng nghĩa khí, mộ nhân tài. 

Đây cũng là nơi có sự giao lưu và phát triển văn hóa mạnh mẽ do nằm ở khu vực giao thông đường thủy thuận lợi lại giáp thành Gia Định - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của Nam kỳ nên đời sống người dân có phần ổn định.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước, xã Thuận Mỹ là vùng căn cứ cách mạng, nhân dân nơi đây một lòng một dạ với cách mạng. Địa bàn xã là nơi bám trụ của lực lượng cách mạng, giữ vững vùng căn cứ tạo thời cơ giải phóng quê hương, đất nước(*).

Xã Thuận Mỹ ngày nay

Ngày nay, Thuận Mỹ là xã thuần nông với cây trồng, vật nuôi chính là cây thanh long và con tôm. Việc sản xuất nông nghiệp tại xã Thuận Mỹ cũng như toàn huyện Châu Thành từng bước phát triển theo định hướng ứng dụng công nghệ cao nhằm mang lại hiệu quả kinh tế và lợi ích bền vững cho người dân. Bên cạnh đó, người dân nơi đây còn làm nghề đánh bắt cá, làm mắm,...

Cố hương nhạc sĩ Cao Văn Lầu là một làng ở Long An- Ảnh 4.

Dự kiến Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu sẽ được xây dựng trong khuôn viên Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Chủ tịch UBND xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành - Nguyễn Thanh Tùng cho biết: Xã đặt mục tiêu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2024. 

Thay đổi lớn nhất của địa phương từ khi được công nhận xã nông thôn mới nâng cao chính là thu nhập của người dân từng bước được tăng lên. Hệ thống giao thông, thủy lợi ngày càng phát triển, đáp ứng tốt nhu cầu vận chuyển hàng hóa, nông sản và tưới tiêu của người dân trong quá trình sản xuất nông nghiệp.

Hầu hết đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã đều có mặt đường từ 3,5m trở lên. Người dân sử dụng nước sạch đạt chuẩn 01 của Bộ Y tế. 

Nhà văn hóa ấp có sân chơi, được trang bị dụng cụ tập thể thao, ngày càng phát huy hiệu quả và thu hút người dân. Đặc biệt, xã duy trì tốt hoạt động của câu lạc bộ đờn ca tài tử, mỗi ấp đều có câu lạc bộ đờn ca tài tử riêng.

Nhằm lưu giữ và gợi nhớ về cuộc đời, sự nghiệp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, UBND tỉnh có kế hoạch xây dựng Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành. 

Theo dự kiến, khu lưu niệm sẽ được xây dựng tại khuôn viên Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng xã, cách nền nhà cũ khoảng 150m, bằng nguồn kinh phí ngân sách tỉnh, huyện và xã hội hóa.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, việc xây dựng Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu nhận được sự ủng hộ của người dân. Đây cũng là cơ hội để Thuận Mỹ phát huy các giá trị sẵn có, từng bước xây dựng kế hoạch và phát triển du lịch tại địa phương./.

(*) Thông tin dựa theo tài liệu từ Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Quế Lâm (Báo Long An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem