Công khai dự án cầm cố để loại trừ chủ đầu tư “sâu mọt”

Nguyễn Tường Thứ ba, ngày 14/06/2016 15:21 PM (GMT+7)
Phải có luật quy định việc công khai các dự án đã cầm cố ngân hàng để người dân chủ động tránh né rủi ro khi chọn mua nhà. Đó là ý kiến của các chuyên gia và quản lý sau khi hàng loạt dự án bị chủ đầu tư mang đi cầm.
Bình luận 0

Đừng đẩy đau khổ cho dân!

Đó là câu nói cảm thán của một hộ dân tại hội thảo “Bảo vệ quyền lợi người mua nhà” được tổ chức ngày 14.6. Ông Vũ, một hộ dân mua nhà ở dự án Sài Gòn Mới do công ty Vạn Phát Hưng làm chủ đầu tư nhưng 7 năm qua chưa được cấp sổ hồng, không giao dịch không làm gì được, lâm cảnh ở trọ trong chính căn nhà mình. Ông đến hội thảo gặp Giám đốc Sở TNMT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng xin đối thoại. Ông Thắng do bận rộn, phát biểu xong xin về sớm. “Chúng tôi đau khổ vô cùng, không biết kêu ai nên tìm đến hội thảo. Có lẽ các vị không khổ như dân nên không biết người mua nhà cơ cực như thế nào” - ông Vũ bức xúc nói.

Là một người dân, nhưng ông chỉ rõ, hoạt động mua bán bất động sản hiện tại rất “hỗn tạp”, mỗi chủ đầu tư làm hợp đồng một kiểu và hợp đồng nào cũng có lợi cho bên bán. Ông Vũ phân tích, mua nhà ở ngoài thì không bị lừa, trong khi mua trong dự án lại dễ bị lừa vì hợp đồng không có công chứng, chẳng có chế tài gì. Người mua nhà ký xong, bị trói số phận hợp đồng cho chủ đầu tư, gặp phải doanh nghiệp làm ăn chụp giật, coi như mất trắng đồng tiền mồ hôi nước mắt.

Ông Vũ dẫn dụ, có trường hợp một căn hộ, chủ đầu tư bán cho vài chục người. Dân mất trắng, khóc ròng. “Tôi hỏi cơ quan nhà nước ở đâu mà không can thiệp? Sao để dân giơ đầu chịu bang? Tại sao nhà nước không ra một hợp đồng mẫu sẵn để chủ đầu tư không có cơ hội lừa dân. Tôi nói thật, luật lệ của chúng ta chẳng giống ai”-ông Vũ bức xúc.

img

Tranh chấp tại chung cư Ruby Land từng khiến người mua nhà nhiều lần đổ máu.

img

Chung cư Bảy Hiền Tower

Giám đốc Sở TNMT TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng thông báo trước hội thảo rằng Sở đang có kế hoạch rà soát lại các dự án đã cầm cố để có hướng xử lý. “Về lâu dài, có lẽ phải có chính sách bắt buộc công khai các dự án cầm cố”, ông Thắng nói. Đáp lời, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu nói: “Lãnh đạo sở nói vậy chúng tôi rất mừng. Nhưng làm sao để công khai là chuyện khác?”

Theo ông Châu, việc này bắt buộc phải có quy định hẳn hoi chứ không phải thích thì công khai, không thích thì thôi. Phải công khai không chỉ ở ngân hàng mà trên cả phương tiện thông tin đại chúng để dân biết, dân tránh né các chủ đầu tư làm ăn chụp giật.

Siết!

 Ông Châu cũng đề nghị các cơ quan quản lý siết chặt quy định bắt buộc chủ đầu tư phải làm sổ hồng cho dân. Ví dụ như ở chung cư The Hamorna, dân đã đóng 95% tiền mua nhà nhưng vẫn không được làm sổ hồng là không thể chấp nhận được. Theo ông, phải quy định thời hạn làm sổ hồng là bao nhiêu ngày sau khi dân đã đóng đủ 90% tiền nhà. Chủ đầu tư nào không chấp hành, phải phạt ở mức tối thiểu là 1 tỷ đồng.

“Từ vụ The Harmona đến Bảy Hiền Tower, trước đây là hàng loạt dự án làm ăn chụp giật như 584, Ruby Land… chưa bao giờ khách hàng, người mua nhà phải chịu rủi ro như hiện nay”- Tiến sĩ Bùi Quang Tín, ĐH Ngân Hàng TP.HCM nói. Theo ông, dự án làm ăn không đàng hoàng, ngân hàng không thể nói là vô can. Hệ thống pháp luật rất đầy đủ, kiểm soát được quan hệ giữa chủ đầu tư và ngân hàng, khách hàng nhưng vẫn xảy ra những việc đáng tiếc, lỗi lớn thuộc về việc quản lý của các ngân hàng. Nhiều ngân hàng thương mại rất “ẩu” khi cho vay xong, không hề giám sát tài sản thế chấp, mặc chủ đầu tư làm gì thì làm.

Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, việc những dự án làm ăn không đàng hoàng cũng là hậu quả của trào lưu “nhà nhà làm bất động sản, người người làm bất động sản”. Rất nhiều chủ đầu tư “tay không bắt giặc”, thiếu vốn, thiếu chuyên nghiệp, thiếu hiểu biết pháp luật dẫn đến việc làm ăn tùy tiện, đánh quả một hai dự án. Theo ông, doanh nghiệp bất động sản đa phần làm ăn bài bản, có chiều sâu, chỉ tầm 15-20% là chụp giật nhưng gây hoang mang lớn cho thị trường.

“Cái này cũng có kẽ hở của quản lý nhà nước, có nhiều sơ hở và thiếu sâu sát. Sắp tới, cũng nên rà soát lại, không thể để những “con sâu” bất động sản “làm rầu” người mua nhà được”-ông Tuấn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem