Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày 28/3, Báo Người lao động tổ chức Hội thảo "Đột phá nhà ở xã hội" (NOXH) dành cho công nhân, lao động, người có thu nhập thấp trên địa bàn TP.HCM và một số tỉnh lân cận.
Có mặt tại hội thảo, anh Nguyễn Trọng Nhân, văn phòng KCN Đông Nam (Củ Chi, TP.HCM) chia sẻ, anh rời quê vào TP.HCM lập nghiệp đã 22 năm, mức lương hiện nay là khoảng 10 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, anh Nhân cho biết chỉ đủ để chi tiêu sinh hoạt hàng ngày, việc mua một căn hộ để sinh sống là điều xa xỉ, khó với tới.
"Mức lương công nhân cũng chỉ đủ chi trả thuê nhà, ăn uống sinh hoạt, điện nước... Tôi lại đang ở độ tuổi lao động, cũng cần khoản tiền để học tập, nâng cao trình độ, đồng thời gửi về quê phụ giúp gia đình. Do đó, mua nhà ở là một ước mơ, nói đúng hơn là một giấc mơ. Bởi ước mơ có thể thực hiện được, còn giấc mơ thì rất khó", anh Nhân nói.
Theo anh Nhân, thời gian qua anh cũng tìm hiểu về NOXH dành cho người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, giá nhà ở ngày càng cao, các thông tin về dự án đến với người lao động nghèo lại hạn chế. Nhiều người biết đến dự án NOXH thì đã muộn, đã được sang tay với mức giá cao hơn.
Anh Nhân rất hy vọng sẽ có sự đột phá trong xây dựng NOXH để người lao động, công nhân có thể tiếp cận, mua được nhà để an cư, lạc nghiệp. Có như vậy, người lao động mới đỡ cực nhọc, yên tâm làm việc, góp phần cho sự phát triển của thành phố.
Đồng quan điểm, chị Lê Thị Hằng, công nhân tại KCN Tân Thuận (quận 7, TP.HCM) cho biết, chị làm công nhân tại TP.HCM đã 20 năm nhưng hiện tại vẫn đang ở nhà trọ với nhiều bất tiện. Chị Hằng cũng thường xuyên tìm hiểu NOXH, nhưng để có thể tiếp cận là một vấn đề lớn.
Chị Hằng chia sẻ, các thông tin đều cho rằng NOXH là dành cho công nhân, lao động có thu nhập thấp, nhưng tiếp cận được lại là một điều xa vời. Người lao động rất mong các thông tin NOXH được đến với người lao động một cách nhanh nhất; có các gói ưu đãi cho công nhân, người lao động để họ có thể tiếp cận.
Bên cạnh đó, nếu được, chị mong rằng giá của NOXH có thể giảm hơn nhưng thời gian vay kéo dài hơn, lãi suất thấp hơn, thu tục vay dễ hơn... để hỗ trợ, chia sẻ với người lao động. Có như vậy, công nhân, người lao động mới tiếp cận nổi với mức lương rất hạn chế như hiện nay.
Chị Hằng cũng cho biết, mong muốn của công nhân là có căn nhà khoảng 40-50 mét vuông, giá khoảng 1 tỷ đồng. Công nhân có thể trả trước 20% và trả góp trong thời gian khoảng 20 năm.
Theo số liệu báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2022, nhu cầu nhà ở xã hội (NOXH) cho người thu nhập thấp, công nhân ở khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030 là khoảng 2,6 triệu căn hộ. Trong đó, từ năm 2021-2025 là khoảng 1,3 triệu căn.
Việc phát triển NOXH, nhà ở công nhân đến nay đạt kết quả rất thấp so với mục tiêu đề ra. Cụ thể, hiện mới đạt 5,2/12,5 triệu m2, tương đương khoảng 41,6% của "Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/11/2011. Dù có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng việc phát triển NOXH, nhà ở cho công nhân vẫn gặp không ít khó khăn; đặc biệt nhiều doanh nghiệp có tâm huyết thực hiện dự án NOXH nhưng gặp trở ngại về thủ tục, chính sách, nguồn vốn, quỹ đất...
Liên quan đến NOXH, Bộ Xây dựng vừa trình Thủ tướng phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NOXH cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030" (đáp ứng khoảng 85% nhu cầu).
Tại TP.HCM, vấn đề phát triển nhà ở, nhất là NOXH là công việc lớn của thành phố. Đến năm 2030, TPHCM dự kiến phát triển khoảng 6,58 triệu m2 sàn NOXH, tương ứng khoảng 93.000 căn nhà, trong đó giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ phát triển 2,5 triệu m2 sàn (khoảng 35.000 căn nhà).
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho biết, có 7 khó khăn, vướng mắc về vấn đề xây dựng NOXH. Trong đó, đầu tiên là chưa có sự nhất quán về quan điểm, cách hiểu, cách tiếp cận NOXH, hầu hết đều cho rằng NOXH dành cho đối tượng chính sách, người có công với cách mạng; hoạt động mang tính "từ thiện".
Thứ hai, là vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục và thực thi. Hiện chưa có một cơ chế, chính sách rõ ràng, bài bản, dài hơi trong phát triển NOXH. Vai trò, quyền lợi và trách nhiệm của các chủ thể liên quan (Nhà nước, người dân và DN...) chưa rõ ràng, thiếu nhất quán, nên mỗi địa phương tiến hành một kiểu. Bên cạnh đó, quy trình, thủ tục phức tạp hơn nhiều so với dự án nhà ở thương mại (việc hoàn thành dự án NOXH phải mất đến 4-5 năm).
Kế đó là các vướng mắc liên quan đến quỹ đất, hiện tình trạng vừa thiếu, vừa thừa quỹ đất phát triển NOXH còn xảy ra tại nhiều tỉnh, thành (chủ yếu do quy hoạch, thực thi); nhận thức và trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa thực sự đồng bộ, thống nhất; khâu đền bù, giải phóng mặt bằng luôn khó khăn, thậm chí bế tắc.
Thứ tư là vướng mắc về nguồn vốn, thiếu nguồn vốn tài trợ bền vững cho phân khúc này. Đa số các dự án NOXH tính đến thời điểm hiện nay được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn công, một số dự án do tư nhân thực hiện; khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân sách do được bố trí cho các dự án NOXH là rất ít và luôn thiếu.
Khó khăn thứ 5 là giới hạn về lợi nhuận của các dự án NOXH, hiện quy định tối đa 10% trên tổng mức đầu tư.
Thứ 6, vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục mua, thuê NOXH: Thủ tục mua bán NOXH tương đối phức tạp, các đối tượng được mua NOXH thỏa mãn nhiều tiêu chí, điều kiện (nhà ở, nơi cư trú, và thu nhập..); tốn nhiều công sức, thời gian để có được các giấy tờ xác nhận thỏa mãn các điều kiện trên; kiểm soát hồ sơ giao cho chủ đầu tư dẫn tới rủi ro trục lợi chính sách; quy định sau 5 năm mới được bán, chuyển nhượng NOXH hay không cho phép doanh nghiệp hoạt động tại các khu công nghiệp được mua NOXH. Ngoài ra, vấn đề phê duyệt giá bán trần mất nhiều thời gian, làm chậm thời gian mở bán.
Cuối cùng, theo TS Cấn Văn Lực, khó khăn khác là về hoạt động thanh tra, kiểm tra phức tạp; doanh nghiệp chưa đầu tư vào công nghệ xây dựng do chủ trương, chính sách chưa rõ ràng; thông tin, dữ liệu, phân tích còn hạn chế; không biết, không dự báo được cung – cầu như thế nào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.