Covid-19: Lao động nghèo ngóng gói hỗ trợ an sinh

Nguyệt Tạ Thứ hai, ngày 06/04/2020 06:00 AM (GMT+7)
Do tác động của dịch bệnh Covid-19, hàng triệu lao động và hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Điều mong mỏi nhất lúc này với họ là sớm nhận được gói hỗ trợ thu nhập của Chính phủ để có thể duy trì mức sống tối thiểu.
Bình luận 0

Doanh nghiệp, người lao động lao đao

Dù đã cắt giảm chi phí sinh hoạt xuống mức thấp có thể, nhưng gia đình chị Vũ Thị Tám, lao công dọn vệ sinh, kiêm nấu ăn cho một trường mầm non tư thục ở Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) vẫn không thể cân đối chi tiêu trong gia đình. Chồng chị làm công nhân công ty xây dựng tư nhân cũng đang phải tạm giãn việc, thu nhập chỉ tầm 3-4 triệu đồng/tháng. "Công việc khó khăn, tôi nghỉ việc không lương còn công việc của chồng cũng bấp bênh, không biết một hai tháng nữa lấy gì sinh sống, nuôi hai con ăn học" - chị Tám nói.

Cũng may, hiện tại vợ chồng chị đang được phía nhà trường cho ở nhờ, vừa ở vừa là trông coi cơ sở vật chất cho nhà trường. Nếu tới đây trường giải thể, đóng cửa, không còn chỗ ở chắc anh chị cũng phải chuyển về quê sinh sống.

img

Lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: Minh Nguyệt

Là lao động tự do, gánh hàng hoa là công cụ mưu sinh của chị Trần Thị Hương (Ninh Giang, Hải Dương) nhiều năm qua. Từ khi có dịch, ngày nào hoa của chị cũng bị ế vì đường phố vắng tanh, không có người mua. Chị Hương cho biết, ít ngày nữa, chị sẽ phải về quê vì không thể kiếm đủ tiền để trả tiền nhà trọ tháng này.

Anh Hoàng Đình Phúc (ở tỉnh Hưng Yên) đang làm trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) cũng vừa phải nghỉ việc không lương. Anh Phúc cho biết: "Công nhân đều phải chờ vào lương, giờ nghỉ không lương chẳng có tiền trang trải sinh hoạt phí. Mua gì cũng phải dè dặt, mọi thứ đều giảm bớt đi vì thu nhập giảm hơn, cuộc sống khó khăn hơn".

Đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sử dụng đông lao động có liên quan tới hoạt động xuất - nhập hàng hóa; dịch vụ; vận chuyển hàng hóa... thì khó khăn lại nhân lên gấp bội.

Theo thống kê của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, tháng 4 sẽ có hơn 30% lao động của ngành thiếu việc làm. Trong tháng 5 và tháng 6, việc cam kết nhận hàng của các khách hàng chưa rõ ràng nên có thể số lao động sẽ gặp khó khăn lên tới hơn 50%. Ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, không ít doanh nghiệp hiện đang mong chờ vào gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp  của Chính phủ về: thuế; BHXH; công đoàn phí...

Khoảng 20 triệu người được hỗ trợ

Các khoản an sinh xã hội được hỗ trợ bằng tiền:

Người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội: 500.000 đồng/tháng
Hộ nghèo, hộ cận nghèo: 1 triệu đồng/hộ/tháng
Người lao động nghỉ việc không lương: 1,8 triệu  đồng/người/tháng
Hộ kinh doanh cá thể: 1 triệu đồng/hộ/tháng
Lao động tự do: 1 triệu đồng/người/tháng 
Hỗ trợ doanh nghiệp: Vay lãi suất 0%
(Trong trường hợp đối tượng hỗ trợ thuộc diện được hưởng từ 2 chính sách 
hỗ trợ trở lên tại Nghị quyết thì chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ cao nhất).

Trước tình trạng lao động bị mất việc, doanh nghiệp lao đao vì dịch bệnh, vừa qua Chính phủ Chính phủ đã thống nhất dành gói hỗ trợ an sinh hơn 61.580 tỷ đồng giúp người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Dự thảo Nghị quyết hỗ trợ người dân gặp khó khăn đang được lấy ý kiến các bộ ngành để hoàn thiện và báo cáo Chính phủ trong tháng 4, trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét và cho ý kiến.

Theo đó, 4 nguyên tắc hỗ hợ được nêu rõ: Hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19; Nhà nước và doanh nghiệp cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động; việc hỗ trợ bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước để thực hiện các chính sách tại nghị quyết.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, sẽ có khoảng 20 triệu người được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết của Chính phủ. “Mục tiêu bao quát của gói hỗ trợ tập trung vào đối tượng người lao động bị mất, thiếu, giãn việc làm bởi dịch bệnh, dẫn tới có mức sống không đạt mức sống tối thiểu vùng. Việc hỗ trợ nhằm giữ chân, đảm bảo cho người lao động có mức sống tối thiểu để có thể quay trở lại thị trường sau khi đã phục hồi”- ông Dung nói.

Liên quan tới cách thức thực hiện gói hỗ trợ, ông Dung cho biết, ngay khi Nghị quyết được ban hành, các đơn vị liên quan sẽ lập kế hoạch chi tiết đối với từng nhóm đối tượng được hỗ trợ. Cụ thể, nhóm người có công, người hưởng chính sách bảo trợ xã hội, nhóm hộ nghèo và cận nghèo, đã được lập danh sách từ trước. Do đó tiền hỗ trợ sẽ giao cho địa phương trực tiếp chuyển đến tay người hưởng.

Các đối tượng còn lại sẽ do chính quyền cơ sở, doanh nghiệp có trách nhiệm lập danh sách gửi tới cơ quan chức năng xem xét, rà soát và xác nhận. “Chúng tôi đặt ra nguyên tắc thực hiện Nghị quyết phải chi đúng đối tượng, minh bạch, công khai trong nhân dân, để làm sao người hưởng được hưởng đúng, hưởng đủ nhưng hưởng nhanh nhất”, ông Dung nhấn mạnh: “Quan trọng nhất là công khai, minh bạch để người dân, MTTQ cùng các cơ quan, đoàn thể giám sát chặt chẽ việc này”.

Triển khai sớm ngày nào tốt ngày đó

Ông Lê Đỉnh Quảng - Phó Trưởng Ban quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp và người lao động vô cùng khó khăn. Việc Chính phủ hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 là giải pháp hết sức cần thiết và giúp họ vượt qua khó khăn hiện nay.

Tuy nhiên, điều ông Quảng băn khoăn nhất là cách thức thực hiện hỗ trợ. "Đối với người lao động có hợp đồng lao động, việc kê khai danh sách tương đối dễ bởi cơ quan Nhà nước, bảo hiểm xã hội đều nắm được con số. Nhưng hiện nay, có những doanh nghiệp không ký hợp lao động với người lao động, số người này bị mất việc và cả những lao động tự do, hiện họ đã về địa phương, vậy phải có cách điều tra, thống kê thế nào để hỗ trợ, tránh trường hợp người cần được hưởng thì tiền không đến được tay"-ông Quảng băn khoăn.

Cùng chung tâm sự, bà Nguyễn Thu Giang - Viện Phó Viện Phát triển Cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT)- cơ quan điều phối mạng lưới M.net cho biết, hiện đơn vị này cũng đã đề xuất các chính sách hỗ trợ cho nhóm lao động di cư tự do, lao động không có hợp đồng.

"So với lao động có quan hệ lao động, nhóm lao động tự do là nhóm chịu tác động nặng nề nhất. 70% lao động tự do làm công việc giản đơn như bán hàng rong, giúp việc gia đình, hay phục vụ cho nhà hàng, khách sạn... đã mất việc, số khác thì giảm thu nhập đáng kể. Họ chính là nhóm đối tượng cần được hỗ trợ ngay tức thì vì bản thân lao động này không có tích lũy, không có hợp đồng lao động nên không được hưởng bảo hiểm thất nghiệp" - bà Giang nói. 

img

Tăng cường giám sát việc thực hiện 

"Cần phải làm gấp, hỗ trợ ngay để ổn định đời sống cho người lao động và doanh nghiệp, tuy nhiên cần phải tăng cường giám sát thực hiện tránh việc cá nhân, tổ chức trục lợi chính sách. Việc phân loại đối tượng lao động mất việc có quan hệ lao động, nhóm đối tượng người có công, đối tượng hưởng bảo trợ khá đơn giản nhưng với lao động tự do thì khá phức tạp. Ngoài việc huy động sự hỗ trợ giám sát của các tổ chức xã hội thì cần tận dụng sự giám sát của chính người dân trong quá trình tổ chức thực hiện hỗ trợ. Cần gắn cơ chế chịu trách nhiệm của tổ chức có liên quan như doanh nghiệp, địa phương trong việc thống kê danh sách nhận hỗ trợ”.

Ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH 

img

“Phao cứu sinh” của lao động tự do 

"Qua khảo sát chung, nhiều lao động di cư tự do mất việc, cuộc sống đang rất khó khăn. Nhiều người đã phải trở lại quê rau cháo qua ngày. Con cái của họ có nguy cơ thất học, không được đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Mặc dù số tiền hỗ trợ không nhiều chỉ từ 1-1,8 triệu đồng/người tháng thôi nhưng với họ đây là số tiền cực lớn, có thể như là “phao cứu sinh” giúp họ vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống". 

Bà Ngô Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (Hà Nội)

img

Doanh nghiệp đang rất “đuối” 

"Chúng tôi chưa đánh giá được toàn bộ thiệt hại, chưa biết sắp tới sẽ hành động thế nào, tình hình thay đổi từng ngày, từng giờ… Lúc đầu tưởng đầu vào (nguyên liệu) là khó, thì nay vừa có nguyên liệu cho sản xuất, lập tức đầu ra lại khó. Một số đơn hàng bị hủy, một số đơn hàng tạm hoãn. Doanh nghiệp trở thành con nợ khó đòi của ngân hàng. Cộng đồng doanh nghiệp nói chung và đang rất trông chờ vào các gói hỗ trợ của Chính phủ để tồn tại". 

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Hưng Yên 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem