Theo lời chị Ly, chồng chị thu nhập khá cao vì làm kế toán cho một công ty kinh doanh thiết bị điện, trong khi lương chị ba cọc ba đồng. Anh tự giữ tiền chi tiêu trong gia đình vì "đưa cho vợ thì mấy mà phá sản".
"Hồi yêu đã thấy anh ấy 'keo' nhưng không thể ngờ tới mức tính toán cả khi vợ đau, con bệnh", chị Ly, Chương Mỹ, Hà Nội, bày tỏ.
Hình minh họa
Chị cho biết, có lần chị nhức răng tới nỗi cả đêm khóc rấm rứt, sáng ra nhờ chồng chở đi khám thì anh nhất định không đưa mà sang nhà họ hàng xin về một ít thuốc bột cho chị ngậm. Ngậm chán vẫn không đỡ, chị Ly vừa đau, vừa ức bèn tự bắt xe đi khám, dù biết về sẽ bị chồng làm mặt lạnh suốt tuần.
"Ức chế nhất là chuyện con ốm, lần nào anh ấy cũng bảo cho uống mấy thứ lá là ổn vì sợ vào viện đi lại tốn cả triệu, vừa tiền taxi, vừa tiền khám. Con nhỏ, mình xót ruột không chịu được, cố đưa con đi thì phải đi vay tiền mà về thể nào cũng cãi nhau to", chị Ly kể.
Nhà chị Ly đầy "rác" vì bất cứ thứ gì, từ bao nilong tới bìa carton, hộp nhựa dùng một lần, chồng đều cất đi. Thi thoảng, muốn sắm quần áo cho con, chị Ly mua đồ thanh lý rồi nói dối chồng là được bạn cho, nếu không sẽ bị mắng té tát. "Nhà có khách, dù là các anh chị ruột của chồng, anh ấy cũng không cho tôi đi chợ mua thêm đồ ăn vì sợ tốn. Mọi người biết tính, chẳng ai muốn ăn cơm nhà tôi, hoặc nếu bắt buộc phải ở lại, anh chị thể nào cũng tự mua đồ ăn về", chị Ly kể.
Ảnh minh họa: AsiaOne Women.
Bà Ngân, 54 tuổi ở Đội Cấn, Hà Nội cũng chịu đựng cuộc sống tù túng gần 30 năm vì có người chồng bủn xỉn. Chồng bà là giám đốc một công ty nhỏ, dù khá bận rộn nhưng ông giành luôn việc đi chợ vì sợ vợ tiêu hoang. "Ông ấy hay đợi 10-11 giờ trưa, khi chợ đã vãn để mua và dễ ép giá, có khi được rẻ hơn 2/3. Đổi lại, cả nhà nhiều lần phải ăn đồ ôi", bà Ngân kể.
Mỗi tối, ông ngồi ghi chép tỉ mẩn những thứ đã mua, dù chỉ 1.000 đồng. Vợ muốn đổi chiếc bếp ga cũ sang nấu bếp từ cho an toàn nhưng ông cũng không duyệt vì sợ tốn. Bà Ngân nhiều lần còn xấu hổ với gia đình mình vì dịp lễ Tết, ông chồng tự mua những đồ sắp hết hạn về đóng gói làm giỏ quà biếu nhà vợ.
Có chồng "đếm củ dưa hành", chị Hoài ở quận 12, TP HCM nhiều lần muốn chia tay vì cảm thấy quá ức chế, mệt mỏi. Chị Hoài kể, chồng chị vẫn duy trì mức tiền góp với vợ là 3 triệu đồng từ 9 năm trước, khi mới lấy nhau, cho tới bây giờ có hai con. "Chúng tôi tiền ai nấy giữ, vợ thiếu thì tự mượn người ngoài chứ đừng hòng xin được chồng. Về quê cả hai bên nội ngoại, vợ thích thì tự mua quà biếu, còn chồng chẳng bao giờ chịu chi", chị nói.
Anh cũng không bao giờ đi ăn hàng hay đưa vợ con đi chơi. Chị Hoài nhớ có lần chồng chở đi khám thai từ sáng sớm tới gần 2 giờ chiều mới xong, vợ đói gần xỉu mà anh nhất định không cho vào quán, đèo về nhà người chị ăn trực.
Lần gần đây nhất, mẹ ruột phải đi mổ, chị Hoài biết chồng vừa nhận được một khoản tiền lớn nên hỏi mượn tạm nhưng anh không cho. "Anh ta bảo việc lo cho ba mẹ đi viện là của anh trai tôi, rồi nói dối tiền mới nhận đã cho bạn mượn làm ăn. Tôi biết thừa là trước giờ có ai mượn được đồng nào của anh ta đâu", người vợ bày tỏ.
Bà Trần Thị Hồng Hà, Trung tâm tư vấn tình yêu - hôn nhân - gia đình, Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam cho biết, bà từng lắng nghe rất nhiều phụ nữ gọi đến tâm sự vì cảm giác ức chế, ngột ngạt khi chung sống với người đàn ông quá keo kiệt. Nhiều chị em lấy chồng rồi nhưng phải tự gánh mọi việc vì chồng chỉ bo bo giữ tiền. "Người vợ khi ấy không chỉ cảm thấy không nhờ cậy được chồng điều gì mà còn buồn vì nghĩ mình không được yêu thương, coi trọng", nhà tâm lý chia sẻ.
Bà cho biết, những người đàn ông quá đáng tới nỗi không chịu chi cả khi cần chữa bệnh cho vợ, con, người thân thì không chỉ là tính họ keo kiệt mà thể hiện sự ích kỷ, vô trách nhiệm với gia đình. Điều đó gây tổn thương cho người phụ nữ rất lớn và làm sứt mẻ tình cảm vợ chồng.
Nhà tâm lý cho rằng, khi quyết định sống lâu dài với người chồng như vậy, bản thân người phụ nữ nếu không muốn chịu cảm giác ngột ngạt thì chỉ có cách tự chủ về kinh tế lẫn tâm lý. Ngoài ra, ngay từ đầu khi mới lập gia đình, họ cần có thỏa thuận nghiêm túc về việc chia sẻ tài chính, lôi kéo chồng vào trách nhiệm với con cái. Người vợ cũng có thể cùng người thân trong gia đình tác động dần dần theo kiểu "mưa dầm thấm lâu". "Nhưng thực tế cho thấy những người vốn đã keo kiệt thì cực kỳ khó thay đổi", bà chia sẻ.
Vương Linh (VnExpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.