Đà Nẵng đang gia tăng bệnh tay chân miệng, lập khu điều riêng để hạn chế lây lan (ảnh minh họa).
Chiều 16.10, bác sĩ Nguyễn Tam Lãm - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm đến nay, Đà Nẵng có 1.376 ca mắc bệnh tay chân miệng, so với cùng kỳ tăng 15,7%.
Hiện trung bình mỗi tuần, Đà Nẵng ghi nhận 80-90 ca mắc, tập trung ở trẻ dưới 5 tuổi, chưa có trường hợp tử vong. Có 16 ổ dịch nhỏ nằm rải rác ở các quận huyện, tập trung nhiều ở 2 quận Thanh Khê và Cẩm Lệ.
Qua giám sát, kết quả xét nghiệm gần 300 mẫu bệnh phẩm tay chân miệng chưa ghi nhận mẫu vi rút EV 71 – gây biến chứng có thể tử vong ở Đà Nẵng, còn lại chỉ ghi nhận những chủng vi rút khác như COXA (Coxsakie), EV (enterovirus) chung.
“Tuy nhiên, vi rút EV 71 xâm nhập, bùng phát ở Đà Nẵng rất là cao, vì bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng không những tiếp nhận các bệnh nhân trên địa bàn mà còn tiếp nhận nhiều bệnh tay chân miệng nặng ở các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi… và đã có trường hợp xét nghiệm dương tính với ri rút EV 71, do vậy nguy cơ lây lan rất cao”, bác sĩ Lãm nói thêm.
Bác sĩ Lãm cho biết thêm, hiện Bệnh viện Phụ sản Nhi Đà Nẵng đã thành lập khu điều trị riêng bệnh tay chân miệng để hạn chế lây lan. Trung tâm Y tế dự phòng cũng phối hợp tổ chức các đợt tuyên truyền, ký kết kế hoạch liên ngành giữa trung tâm y tế và phòng giáo dục các quận, huyện tập trung kiểm tra, giám sát các trường mầm non, nhóm trẻ phòng chống dịch bệnh tay chân miệng; thành lập khu tiếp nhận bệnh riêng tại tuyến quận, huyện nhằm hạn chế lây lan bệnh, đồng thời, phổ biến người dân cách phòng chống bệnh.
Bệnh tay chân miệng đang tăng cao là do vào mùa cao điểm của bệnh (từ tháng 9-11). Bệnh lây chủ yếu qua đường ruột, vệ sinh, có thể biến chứng... và hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên phòng bệnh rất quan trọng. Dấu hiệu bệnh là phát sốt, lở loét tay chân miệng, dưới mông, có nốt bỏng nước ở miệng… do vậy, các bậc cha mẹ cần chăm sóc, vệ sinh đúng cách và để ý trẻ có các triệu chứng cần đưa ngay đến các cơ sở y tế.
“Hiện nay có nhiều ca biến chứng nặng có thể gây tử vong cho trẻ. Lưu ý, các bậc cha mẹ, cô nuôi dạy trẻ phải rửa tay bằng xà phòng, nước sạch nhất là trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh, ăn uống chín, môi trường thông thoáng, khử trùng phòng học, đồ chơi, không cho trẻ dùng chung đồ dùng sinh hoạt…”, bác sĩ Lãm khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.