Hồi hộp chờ được giá
Đến thời điểm này, tại vùng trồng quất cảnh nổi tiếng Quảng An, Quảng Bá (Hà Nội) bắt đầu lên mã, vàng rực. Theo anh Sơn, chủ một vườn quất hơn 600 gốc tại Quảng An thì năm nay quất sẽ chín đúng vụ Tết và báo hiệu một mùa quất cảnh cho những cây đẹp phục vụ Tết cổ truyền. Ở tất cả các vườn quất, người trồng quất đang tập trung sửa dáng, uốn cành, tạo thế cũng như chăm chút cho những cây quất có được vẻ mỡ màng vào đúng dịp. “Năm nay, tiết trời ấm áp, chưa xuất hiện đợt rét hại hay sương muối nào nên đào, quất Tết đang báo hiệu một mùa bội thu”, anh Sơn nói.
Anh Nguyễn Văn Minh đang chăm chút gốc đào rừng để đầu tư cho các vụ tiếp theo. Ảnh Đ.T
Cũng như người trồng quất ở Quảng An, Tứ Liên..., người trồng đào Nhật Tân cũng phấn khởi khi đào cũng bắt đầu ra nụ.
Tại vườn đào của anh Đức Bình (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội), 400 gốc đào cảnh đang được chăm sóc kỹ lưỡng để cung cấp ra thị trường. Anh Bình cho biết, tiết trời từ đầu mùa rét đến nay có xu hướng thuận lợi cho người trồng đào, quất. Từ đầu tuần trước, đã có mấy tốp khách quen ở Hà Nội và Hải Dương, Hải Phòng tìm đến vườn nhà anh “chấm” những gốc đào rừng để chơi Tết hoặc làm quà biếu.
Anh Bình nói: “Những gốc đào này có giá khá cao từ 10-20 triệu đồng, cây đắt nhất vườn khoảng 1.500USD. Đã có mấy đại gia ở tỉnh lẻ lên “chấm” và đặt cọc tiền. Những gốc đào rừng sở dĩ có giá “chát” là vì khi nhập hàng vào vườn cũng khá cao 3,5 - 5 triệu đồng/gốc. Sau khi mua về, đào rừng sẽ được ghép cành, tạo thế, sau hai năm mới có thể cung cấp ra thị trường”.
Theo anh Bình, những người sành chơi thường chuộng những gốc đào thế, đào rừng hoặc đào Nhật Tân lâu năm. Tuy nhiên, để có một gốc đào Nhật Tân “chính hiệu” có gốc to như đào rừng thì “ngốn” 15 đến 20 năm chăm sóc của chủ vườn. Và, giá của những gốc đào Nhật Tân này cao gấp 3 lần với đào rừng.
Cũng theo tìm hiểu của PV, phần lớn những vườn đào hút khách nhờ dịch vụ cho thuê đào ngày Tết. Anh Bình phản ánh, hiện đã có 12 doanh nghiệp tìm đến vườn nhà anh thuê đào trang trí ngày Tết. Năm ngoái, gia đình anh Bình cho thuê hơn 200 gốc đào.
Theo nhận định của anh Bình, giá cho thuê đào năm nay không biến động, giá cho thuê đào được tính theo tháng (thường từ rằm tháng chạp đến rằm tháng giêng - PV). Loại đào nhỏ, giá cho thuê khá “mềm” dao động từ 2-4 triệu đồng/gốc, loại đào thế to, đẹp có giá 10-12 triệu đồng/gốc.
Tại vườn đào của anh Nguyễn Văn Minh (ngõ 374 Lạc Long Quân, Hà Nội), khi chúng tôi hỏi về loại đào “khủng” dành cho các đại gia, anh Minh cho biết, cũng có rất nhiều gia đình chuyên trồng đào thế loại “cao cấp” phục vụ nhu cầu cho các doanh nghiệp và những đại gia ở tỉnh khác.
Anh Minh hồ hởi: “Gia đình tôi có 300 gốc đào tròn (đào cành) và gần 200 gốc đào cây. Năm nay đào sẽ được mùa. Thông thường, sau mùng 10 tháng chạp là thời điểm đông khách tìm đến vườn đặt hàng. Giá mỗi gốc đào chừng 3-4 triệu đồng. Loại đắt nhất vườn nhà tôi là 15 triệu đồng/gốc. Tôi vừa nhập được hơn 50 gốc đào rừng về trồng, uốn, ghép để phục vụ cho thị trường những năm sau. Giá mỗi gốc đào rừng nhập vào từ 2-3 triệu đồng”.
Anh Minh cho biết thêm, nếu từ nay đến cuối năm không xảy ra rét đậm, rét hại hay thời tiết nắng ấm quá, đào sẽ được mùa lớn. Nếu trời rét đậm, rét hại đào sẽ ngậm nụ.
Chỉ vào vườn đào, quất, anh chị Hương, chủ vườn đào Hiệp Hoà lạc quan: “Nhiệt độ ấm như hiện nay duy trì đến Tết càng làm quất ra nhiều lộc và đẹp hơn. Ước tính giá đổ đồng một gốc quất đẹp 1,2 - 1,4m sẽ dao động quanh ngưỡng 700.000 đồng. Cành đào cắm lọ hay bày trên ban thờ vào khoảng 300.000 đồng, đào thế tùy loại có giá 2 đến 10 triệu đồng/gốc”.
Hỏi chuyện người trồng đào Nhật Tân mới thấy hết được niềm đau đáu với đào của họ. Trong số những người trồng đào ở Nhật Tân, có người đã có thâm niên 50-60 năm trồng đào, có người mới chỉ trồng khoảng chục năm nay, nhưng các thế hệ người trồng đào Nhật Tân đều giống nhau ở niềm tự hào về thương hiệu đào Nhật Tân. Người Nhật Tân chưa bao giờ bỏ đất, bỏ đào. Có những trận rét lịch sử, đào chỉ ra búp non, không thể nở. Người Nhật Tân nén lòng chặt bỏ hết và đốt hết, nhưng sau đó lại chăm bẵm để đón mùa đào năm sau. Ai nấy cũng hy vọng một mùa đào bội thu.
Rộ mốt chơi cây ngũ quả có giá “nghìn đô” Theo tìm hiểu của PV, năm nay, người chơi đào thế, quất cảnh rộ lên xu hướng chơi cây ngũ quả. Theo đó, một cây ngũ quả đẹp là các quả: Chanh, cam, quất, phật thủ, bưởi phải chín cùng một lúc, màu sắc rực rỡ và nảy nhiều lộc, hoa ở ngọn và gốc.
Được biết, người tạo ra loài cây độc nhất vô nhị tại Việt Nam là ông Giáp ở Thanh Oai, Hà Nội. Năm nay, ông Giáp còn thử nghiệm ghép thêm loại bưởi đỏ và chanh đào tạo nên cây cảnh cho ra 7 loại mọc trên cùng một cây. Trung bình giá một cây cảnh đầy đủ cho ra 5-7 loại quả, có dáng đẹp, nhiều hoa, lộc có thể lên đến hàng chục triệu. Những cây nhỏ hơn dao động từ 300.000 đồng đến vài triệu đồng.
Tuy còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng vườn cây cảnh độc đáo của gia đình ông Giáp đã được người đến đặt mua hết.
Cũng theo tìm hiểu của PV, bên cạnh xu hướng “săn” cây ngũ quả có giá "nghìn đô", nhiều người dân lại chọn cách mua sắm tiết kiệm, góp chung tiền mua hàng tận gốc lấy giá buôn. Được biết, ở quận Đống Đa (Hà Nội), có tổ dân phố đã bàn, lên kế hoạch chung tiền cùng nhau ra mấy vườn đào, vườn quất ở ngoại thành đặt mua với giá gốc. Giá mỗi cây tại vườn trung bình dao động từ 300.000 - 500.000 đồng/cây đào, quất loại đẹp. Trước Tết nửa tháng, đào quất sẽ được vận chuyển về nhà.
Một năm nuôi hy vọng
Theo nhận định của hầu hết người trồng đào,
nếu đào được mùa, điều này cũng đồng nghĩa với việc giá bán sẽ không thể
tăng cao. Người trồng đào như đánh bạc với thời tiết, nếu năm nào thời
tiết thuận hòa, vườn đào nở đúng dịp Tết Nguyên đán sẽ được một khoản
thu đáng kể. Song năm nào, thời tiết phức tạp, thất thường, đào mất mùa
là coi như mất không công chăm bẵm, vun xới cả năm trời.
|
ĐSPL (Theo ĐSPL)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.