Đăk Nông: Điên đảo vì đá opal

Thứ hai, ngày 21/03/2011 13:31 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hàng chục phương tiện cơ giới ùn ùn kéo vào thôn Tân Định, xã Đăk Gằn, Đăk Mil (Đăk Nông) ngày đêm băm nát ruộng vườn để khai thác đá opal trước sự "bất lực" rất khó hiểu của chính quyền địa phương.
Bình luận 0

Opal là một loại đá quý dùng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ có giá 30 - 40 triệu đồng/tấn. Vì giá trị của nó quá lớn, nên dân địa phương cũng tham gia, học sinh bỏ học đi mót đá... khiến cả xã Đăk Gằn như lên cơn sốt.

img
Một chiếc xe chở đá opal bị Công an xã Đăk Gằn bắt giữ tối 16.3.

Cơn sốt đá opal

Có mặt tại thôn Tân Định ngày 18.3, chúng tôi đếm được hơn 20 chiếc máy múc đang móc đá từ dưới đất lên, tiếng động cơ, tiếng gầu múc va vào đá ầm ầm như một đại công trường. Hàng trăm người vây quanh những cái hầm rộng hàng trăm mét, sâu 7 - 8m.

Hầm hố dày đặc trên những rẫy cà phê và đất trồng màu như vừa bị bom oanh tạc. Tuyệt nhiên không có bóng dáng lực lượng chức năng, kể cả xã đội và công an xã vốn được giao tuần tra, kiểm soát ngay từ gốc.

Khoảng 17 giờ 45 phút ngày 4.3, Y Ning (SN 1974) và Y Biếu (SN 1981) xuống mót đá dưới một "hố bom" do máy múc của Công ty cổ phần Vinamin để lại thì bị sập hầm, chết vùi dưới đất đá. Từ sự việc này, ngày 9.3, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Đăk Mil mới tổ chức kiểm tra và ghi nhận 4 xe múc đã ngừng hoạt động bên cạnh 3 hầm đá, mỗi hầm rộng 350m2 và sâu khoảng 7m.

Ngày 14.3, đoàn công tác liên ngành huyện Đăk Mil lại phát hiện thêm 15 máy múc, hàng trăm người đang khai thác đá ở thôn Tân Định.

Ông Nguyễn Xuân Khuê - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường Đăk Mil - thừa nhận: "Đất đai ở thôn Tân Định bị đào bới nhiều nơi, để lại nhiều hố sâu gây nguy hiểm cho người dân. Nhiều lao động tụ tập khai thác đá gây mất an ninh trật tự, tai nạn chết người vẫn còn nguy cơ tiếp diễn".

Doanh nghiệp có bảo kê?

Trả lời câu hỏi vì sao không dẹp được nạn khai thác đá trái phép ở thôn Tân Định, ông Nguyễn Xuân Khuê kêu khó: "Phòng Tài nguyên - Môi trường chỉ là cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản, muốn xử lý dứt điểm phải có công an, quân đội và chính quyền xã cùng vào cuộc. Mặc dù Công an huyện có phối hợp nhưng lực lượng còn mỏng, thời gian ngắn, thiếu phương tiện, không thường xuyên nên chưa dẹp được".

Tuy nhiên, tình trạng khai thác đá opal ở thôn Tân Định còn phức tạp và "tế nhị" hơn thế. Ông Nguyễn Như Phúc - Chủ tịch UBND xã Đăk Gằn - cho biết: "Từ ngày 2.3 đến nay, Công ty cổ phần Vinamin và một cá nhân tên Thùy (ở Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) đã cấu kết với các hộ dân có đất đai tại thôn Tân Định để khai thác đá bằng phương tiện cơ giới.

Ông Thùy còn thuê khoảng 45 cán bộ, chiến sĩ thuộc một đơn vị quân đội địa phương mang theo vũ khí vào canh giữ khu vực mỏ đá tại bãi rẫy Thanh Niên. Họ cắm bảng "Khu vực quân sự đang diễn tập, cấm vào" trong khu dân cư nhưng chính quyền địa phương không dám đụng. Tôi cũng đã báo cáo bằng văn bản về sự việc này với UBND huyện Đăk Mil".

Như vậy, đối tượng tổ chức khai thác đá opal trái phép với quy mô lớn đã được chỉ mặt. Nhưng có lẽ vì lý do "tế nhị" nên sau rất nhiều lần kiểm tra, đá tặc vẫn ngang nhiên lộng hành ở thôn Tân Định, gây thất thoát tài nguyên quốc gia, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự tại địa phương.

Các chủ mỏ cố tình lảng tránh khi đoàn công tác xuống làm việc. Máy móc họ vẫn để đấy, nhưng mình đâu có tịch thu được, vì đào ao lấy nước tưới cũng là lý do để máy múc có mặt. Chúng tôi đã kiến nghị với UBND huyện là phải làm sao trục xuất được số phương tiện này ra khỏi địa bàn.

Báo cáo của UBND xã Đăk Gằn là không đúng sự thật. Cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn 301 chỉ hành quân dã ngoại, đi lấy củi ngang qua khu vực có bãi đá opal chứ không bảo vệ mỏ thuê cho doanh nghiệp nào. Còn việc cắm bảng diễn tập quân sự là do ai đó cắm, tôi không biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem