Sửa nhà xí cũng phải… xin
“Nhà xí sập sệ xuống cấp muốn sửa chữa hay làm mới cũng phải làm đơn xin, tôi không đùa đâu, chuyện khôi hài này đang có thật ở ngay trung tâm phường Kỳ Liên, thị xã Kỳ Anh đấy”- câu nói đầy chua chát của ông Lê Hồng Phương (76 tuổi), nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Liên (nay là phường Kỳ Liên) khi trò chuyện với phóng viên NTNN/điện tử Dân Việt.
Ông Lê Hồng Phương phải sống tạm bợ trong nhà bếp chật chội vì dự án treo 7 năm nay. Ảnh Hữu Anh
Theo ông Phương, gia đình ông lên vùng đất này sinh sống từ năm 1979, năm 1988 làm được căn nhà ở đến nay đã xuống cấp. “Tôi muốn xây mới họ không cho, còn sửa chữa cũng không được vì họ nói vùng đất này nằm trong quy hoạch di dời. Năm 2009, Ban quản lý (BQL) khu Kinh tế Vũng Áng (nay là BQL Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh) và huyện Kỳ Anh có quyết định tái định cư sau đó kiểm đếm, áp giá đền bù. Đến năm 2011, họ tiếp tục kiểm kê và áp giá đền bù lần nữa. Lúc nào họ cũng nói vùng này dân không được làm nhà hay sửa chữa gì. Chờ dài cổ, đến nay không chỉ gia đình tôi mà hàng trăm hộ ở khu phố Liên Sơn này không ai có tâm lý canh tác, sản xuất gì trong vườn nữa”- ông Phương nói.
Ông Nguyễn Quốc Hà - Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh cho biết: UBND thị xã Kỳ Anh đã có nhiều văn bản hỏi tỉnh và BQL khu kinh tế tỉnh có thu hồi đất quy hoạch tái định cư nữa không, nếu không đầu tư nữa phải có văn bản xin hủy các quyết định thu hồi đất của dân để họ ổn định sản xuất và sinh sống chứ buộc họ sống treo nhiều năm như thế không ổn. Tuy nhiên, đến nay chưa thấy BQL khu kinh tế tỉnh trả lời.
|
Ông Phương cho biết thêm: “Cách đây 2 năm nhà ở chính của gia đình phải dỡ ngói xuống vì sợ rơi chết người, nay phải ở tạm trong căn nhà bếp; đến cái nhà xí dột quá tôi phải làm đơn mới được sửa chữa”.
Còn anh Bùi Xuân Dực, con ông Bùi Xuân Trinh ở khu phố Liên Sơn cho hay: “Bố mẹ tôi ở đây đã 25 năm, nay nhà nước quy hoạch thu hồi đất gia đình tôi chấp hành. Từ năm 2009 lại nay đã 2 lần áp giá đền bù rồi nhưng không thấy họ đền bù và lấy đất. Bố mẹ tôi nhiều lần định sửa chữa nhà để ở nhưng không được, đành lên ở với con, vườn tược, nhà cửa bỏ hoang”.
7 năm sống “treo” theo dự án
Về vấn đề này, ông Trần Xuân Hòa - Bí thư Đảng ủy phường Kỳ Liên cho biết, xã cũng nhận được nhiều phản ánh từ người dân. “Hơn một nửa số nhà dân của hai khối phố này xây dựng từ năm 1979 lại nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Con cái của họ lập gia đình cũng không được tách đất làm nhà” - ông Hòa chia sẻ.
Cũng theo ông Hòa, “Trước đó trong một lần tiếp xúc cử tri của Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức tại phường Kỳ Phương, tôi có nêu vấn đề này và hỏi Trưởng BQL khu kinh tế tỉnh Hồ Anh Tuấn. Thấy ông Tuấn trả lời là không lấy nữa. Nhưng sau đó cũng không thấy văn bản dừng hay tiếp tục, nhưng đến nay người dân sửa chữa hay xây dựng nhà lại không cho. Địa phương cũng không hiểu sao”.
Khi phóng viên đến làm việc với BQL khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh. Ông Vũ Ngọc Thành-Chánh văn phòng cho biết: “Lãnh đạo đi vắng, đề nghị phóng viên ghi lại câu hỏi Ban sẽ trả lời sau”. Tuy nhiên đã hơn nửa tháng nay vẫn không thấy Ban hồi đáp gì. /.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.