Nhiều mô hình nổi bật hiệu quả
Nghĩa Hưng là một huyện đồng bằng ven biển, nằm ở phía Tây- Nam của tỉnh Nam Định, với 25 đơn vị hành chính (gồm 22 xã và 3 thị trấn), dân số năm 2016 là 179.889 người. Ông Trần Trung Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết, Nghĩa Hưng có vị trí địa lý, địa hình thổ nhưỡng, khí hậu, thủy văn, tài nguyên… khá thuận lợi cho phát triển kinh tế xã hội. Đây cũng là lợi thế quan trọng để huyện bứt phá về đích NTM.
Anh Nguyễn Văn Vinh (phải) thu hoạch cá chạch bán cho lái buôn tại trang trại ở thị trấn Quỹ Nhất, huyện Nghĩa Hưng. Ảnh: Phạm Quân
Tổng nguồn vốn xây dựng NTM của huyện Nghĩa Hưng tính đến 30.6.2017 là 2.301 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ công trình cơ sở hạ tầng do huyện làm chủ đầu tư: 1.310 tỷ đồng (56,9%); nguồn do xã, thị trấn làm chủ đầu tư 990,975 tỷ đồng (43%). Vốn nhân dân đóng góp chiếm 24,6%.
|
Ông Hiếu cho biết thêm, về sản xuất nông nghiệp, huyện đã tập trung quy hoạch vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung với quy mô từ 30-100ha/vùng, sản xuất 2 vụ lúa/năm; xây dựng cánh đồng mẫu lớn với tổng diện tích hơn 3.400ha; xây dựng mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, việc phát triển các mô hình mới, nhất là mô hình nuôi cá chạch đang mang lại thu nhập cao cho người dân miền biển nơi đây.
Về Nghĩa Hưng vào những ngày cuối năm 2017, đi đến đâu chúng tôi cảm nhận rõ nét những đổi thay nhanh chóng của vùng đất này. Không còn những con đường đất sỏi gồ ghề, đường liên thôn, liên xã ở Nghĩa Hưng được bê tông hóa, trải nhựa kiên cố sạch đẹp. Dọc hai bên đường tại nhiều địa phương được trồng cây xanh mướt, những luống hoa nhiều màu sắc đua nhau khoe sắc.
Theo ông Hiếu, sau 6 năm xây dựng NTM, đến nay huyện Nghĩa Hưng đã có 22/22 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đạt 100%. Thu nhập bình quân đầu người tăng, năm 2010 đạt 11,74 triệu đồng, đến 2017 đã tăng lên 39,8 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm giảm từ 1,2 - 1,5%...
Còn nhiều khó khăn
Ông Trần Trung Hiếu cho hay: Nghĩa Hưng là huyện thứ hai trong tỉnh Nam Định đã hoàn thành xây dựng NTM. Trong thời gian tới đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện xác định tiếp tục nâng cao chất lượng 19 tiêu chí cấp xã và 9 tiêu chí huyện nông thôn mới; phấn đấu các xã xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu; phấn đấu đến năm 2020 toàn huyện có từ 2-3 xã nông thôn kiểu mẫu.
Dù huyện đã đạt nhiều thành quả về xây dựng NTM, song lãnh đạo huyện Nghĩa Hưng thừa nhận và chỉ ra một số khó khăn như địa hình huyện thấp và ở vị trí ven biển, cùng với tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu (thuỷ triều dâng, mặn lấn sâu, gió bão, ngập lụt…) gây tác động xấu đến phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là nông nghiệp của huyện.
Bên cạnh đó, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế tuy có nhiều tiến bộ, song tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế còn khá cao. Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp thấp khiến một bộ phận người dân không thực sự thiết tha sản xuất, nhưng vẫn giữ ruộng... Ví dụ điển hình là ở Nghĩa Sơn - xã đầu tiên thí điểm xây dựng NTM của huyện Nghĩa Hưng: ngoài thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng còn hạn hẹp. Người dân Nghĩa Sơn chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất theo mùa vụ nên bấp bênh...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.