Đặt hàng dạy nghề: Khó tuyển sinh khu vực miền núi

Thứ năm, ngày 07/04/2011 11:13 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đó là nhận định của Tổng cục Dạy nghề khi mà chỉ tiêu đào tạo nghề cho 3 đối tượng chính sách năm 2010 mới đạt 50%.
Bình luận 0

Theo ông Phạm Văn Luyện - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Tổng cục Dạy nghề), thực hiện Đề án 1956, có 3 đối tượng thuộc diện đặt hàng dạy nghề là lao động thuộc hộ nghèo, lao động dân tộc thiểu số, lao động bị thu hồi đất canh tác… Hình thức đặt hàng dạy nghề có sự kết nối 4 bên: Cơ quan quản lý, cơ sở dạy nghề, doanh nghiệp và lao động nhằm đảm bảo con số 90% lao động sau khi học nghề có việc làm ngay.

img

Lớp dạy nghề mộc tại Mai Sơn (Sơn La).

Tuy nhiên, theo báo cáo của các cơ sở dạy nghề thì dù được “đặt hàng”, được hỗ trợ phần lớn kinh phí đào tạo nhưng… khó tuyển lao động. Lý do là 3 đối tượng lao động này có trình độ học vấn thấp, chủ yếu sống ở vùng núi kinh tế xã hội khó khăn, nên ít doanh nghiệp “dám” đầu tư, cơ hội việc làm thấp. Ông Luyện cho biết, nhiều trường dạy nghề sau khi khảo sát thấy không thể tuyển sinh được nên đã huỷ hợp đồng dạy nghề hoặc xin giảm chỉ tiêu đào tạo.

Năm 2010, tổng chỉ tiêu đặt hàng dạy nghề cho nông dân là 12.000 người, nhưng mới thực hiện đặt hàng dạy nghề cho 6.000 người.

Thừa nhận thực tế này, bà Hoàng Thị Nhấm - Phòng đào tạo, Trung tâm Dạy nghề miền Tây Cao Bằng cho biết: “Trung tâm chúng tôi chưa thể tuyển sinh được lớp nào vì tập trung bà con về thị trấn học nghề thì nhiều người phải đi lại quá xa xôi.

Có lao động đi từ bản ra trung tâm xa 30-40km đường rừng, đi 2-3 giờ mới tới. Vì thế, bà con không thể đi học kiểu sáng đi tối về, còn ở lại học kiểu nội trú thì không được vì họ đều là lao động chính trong gia đình, phải làm nương, rẫy hàng ngày để nuôi con”.

Về phía địa phương, ông Nguyễn Trọng Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Mai (Mai Sơn, Sơn La) cho biết, thời gian qua, trên địa bàn xã cũng mở lớp dạy nghề cho bà con, nhưng vận động bà con đi học đã khó, vì họ chưa thấy sự cần thiết. Ngoài ra, việc chuyên cần học hành của bà con còn hạn chế vì điều kiện miền núi đi lại khó khăn.

Thực tế này đang làm nhiều cơ sở dạy nghề trăn trở. Hiện, giải pháp trước mắt đang là tăng cường tuyên truyền để bà con hiểu chính sách, hiểu việc học nghề - làm nghề giúp họ ổn định cuộc sống.

Ông Cao Văn Sâm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề cho hay, ngay đầu năm 2011, Tổng cục sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về dạy nghề nông dân tới các hạt nhân là Trung tâm Dạy nghề cấp huyện, cán bộ phụ trách dạy nghề cấp huyện và cán bộ xã.

Lực lượng này tiếp tục về địa bàn làm nhiệm vụ tuyên truyền cho bà con hiểu sự cần thiết phải học nghề để tự họ khắc phục khó khăn về đường sá để tới lớp. Còn việc thu hút bà con tới lớp thì không có cách nào khác là phải chứng minh bằng hiệu quả của chính lớp học đó mang lại, tức là bà con có nghề, có thu nhập ổn định từ nghề đã học ngay trên quê hương mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem