“Đất mặn” và cái nhìn cận cảnh về nông dân mất đất

Thứ sáu, ngày 29/06/2012 07:25 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ ngày 2.7 tới, 45 tập phim “Đất mặn” sẽ lên sóng kênh HTV9 vào 17 giờ 30 hàng ngày. Phóng viên NTNN trò chuyện với đạo diễn Tường Phương về bộ phim này.
Bình luận 0

Thưa ông, hiện nay phim truyền hình về những vấn đề của người nông dân đã dần dần xuất hiện trên sóng nhiều hơn, vậy điểm đặc biệt của “Đất mặn” là gì?

- Điều mà bộ phim muốn nói là nông dân với đất như cá với nước, nếu tách nông dân ra khỏi đất, họ chẳng khác nào một con cá bị vớt lên vứt trên bờ. Trong phim, tôi rất thú vị với chi tiết ông nông dân Ba Mạnh đem đến tặng ban dự án sân golf một con cua đã rụng hết càng. Ông Ba Mạnh chỉ nói ngắn gọn: “Người nông dân chúng tôi mất đất như con cua đã mất hết que càng”.

img
 

Trong kịch bản do Võ Đắc Dự chấp bút từ ký sự trong các tập “Đồng cỏ chát”, “Nỗi niềm U Minh Hạ” (Võ Đắc Danh), “Trường ca Đồng” (Nguyễn Trọng Tín) có đầy ắp các chi tiết hiện thực để đem đến cho khán giả cái nhìn cận cảnh về những người nông dân mất đất hiện nay.

Đã có rất nhiều những giá trị của làng quê VN xưa đã “một đi không trở lại”, đó có phải cũng là điều mà phim muốn nói?

- Tôi đã hiểu, trong đất có nhiều tầng văn hóa, đất chứa đựng những số phận đắng cay của người nông dân từ lúc vác phảng, vác cuốc đi khẩn hoang, đất thấm máu, mồ hôi, nước mắt của họ. Vậy mà giờ đây, đất bị đem ra phung phí cho những dự án nằm đắp chiếu, những sân golf... trong khi người nông dân thì ôm một cục tiền đền bù và không biết ngày mai ra sao. Tôi chỉ muốn nói thay lời cho đất, rằng đất không bao giờ phụ người, chỉ có người phụ đất mà thôi.

Làm phim về đề tài nông thôn thường rất vất vả bởi hầu như là quay ngoài trời, hẳn đoàn phim đã rất vất vả?

- Những khó khăn của người làm nghề thì kể bao nhiêu cũng không hết. Tôi còn nhớ, trước khi lên lịch quay, việc đầu tiên là tôi phải coi dự báo thời tiết để tránh mưa gió, áp thấp nhiệt đới. Phim có nhiều cảnh sông nước nên tôi cũng phải đi tiền trạm, đo con nước để canh thời điểm nước lớn nước ròng.

Để có một khúc sông “sạch”, tôi với anh em trong đoàn phải bơi thuyền đi vớt rác trên sông ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau vì quá nhiều những túi, kín đặc cả mặt sông. Rồi những đạo cụ như chiếc ghe bầu cũ, cái bàn nhổ mạ đều phải phục dựng hết.

Gay nhất là lúa, lúa ngày xưa là lúa cấy, dài ngày, thân cây lúa cao, giờ giống ngắn ngày, thân thấp, vậy là chúng tôi phải nhờ bà con cấy riêng cho mình một khoảnh bằng giống cũ. Nói chung rất là kỳ công.

Ông có cho rằng câu chuyện trong phim “Đất mặn” sẽ hẫp dẫn khán giả?

- Với một bộ phim mà toàn bộ đoàn phim đã đặt hết tâm huyết, công sức và được làm một cách kỹ lưỡng như vậy, tôi rất mong khán giả sẽ đón nhận nó. Và mong rằng, khi xem bộ phim này, tất cả chúng ta, những người nông dân và những người làm chính sách sẽ được một thái độ đúng đắn, trân trọng từng tấc đất mà ông cha ta để lại cho con cháu như một di sản vô giá.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem