"Đẩy học sinh đi để trường lên chuẩn quốc gia là cách làm hình thức, biểu hiện bệnh thành tích"

Gia Khiêm Thứ tư, ngày 29/06/2022 14:44 PM (GMT+7)
Đó là chia sẻ của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT sau vụ việc Trường tiểu học Hoàng Liệt, Hà Nội ra thông báo về việc phân tuyến học sinh lớp 1, 2, 3, 4, 5 khu vực HH3 Linh Đàm năm học 2022-2023 sang cơ sở khác để trường... lên chuẩn quốc gia.
Bình luận 0

"Muốn xây dựng trường chuẩn quốc gia thực sự thì có thể xây thêm trường"

Ngày 29/6, trao đổi với PV Dân Việt, ông Trần Quý Thái, Phó chủ tịch UBND quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, trước đó một ngày đơn vị đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng triển khai phương án điều chuyển học sinh năm học 2022-2023 đối với học sinh các lớp 2,3,4,5 khu vực HH3 Linh Đàm đang học tại Trường tiểu học Hoàng Liệt chuyển sang học tại Trường tiểu học Chu Văn An.

"Đẩy học sinh đi để trường lên chuẩn quốc gia cách là làm hình thức, biểu hiện bệnh thành tích" - Ảnh 1.

Nhiều phụ huynh tập trung trước cổng Trường tiểu học Hoàng Liệt sáng ngày 27/6 vừa qua. Ảnh: Gia Khiêm

Bên cạnh đó, UBND quận Hoàng Mai cũng đã giao Phòng GDĐT chủ trì phối hợp với UBND phường Hoàng Liệt và các nhà trường rà soát, nghiên cứu phương án, lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đối với trường Hoàng Liệt và có báo UBND quận Hoàng Mai trước ngày 8/7 tới đây.

Đại diện UBND phường Hoàng Liệt cho biết, hiện phường có 7.588 trẻ sẽ học ở bậc tiểu học năm học 2022-2023. Số lượng học sinh rất lớn trong khi chỉ có 3 trường tiểu học. Vì vậy việc đạt chuẩn quốc gia sẽ khó khăn. 

"Đẩy học sinh đi để trường lên chuẩn quốc gia cách là làm hình thức, biểu hiện bệnh thành tích" - Ảnh 2.

PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT. Ảnh: NVCC

Về vụ việc trên, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, với số lượng học sinh đông mà muốn xây dựng trường chuẩn quốc gia, có thể đầu tư thêm cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đất đai,… để đúng với tiêu chuẩn số học sinh trong một lớp học. 

"Học sinh đông quá, muốn xây dựng trường chuẩn quốc gia thực sự thì có thể xây thêm trường. Nếu đất đai của trường hạn chế, không mở rộng được, có thể xây dựng thêm ở một nơi khác để đủ cơ sở học cho học sinh học chứ không thể nói để trường này đủ điều kiện thành trường chuẩn quốc gia mà đẩy các cháu sang trường khác một cách tùy tiện", PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nói. 

"Đẩy học sinh đi để trường lên chuẩn quốc gia cách là làm hình thức, biểu hiện bệnh thành tích" - Ảnh 3.

Bên trong khuôn viên Trường tiểu học Hoàng Liệt. Ảnh: Gia Khiêm

Ông Nhĩ cũng nhấn mạnh: "Tiến lên thành trường chuẩn quốc gia thì phải chuẩn thực sự chứ đưa học sinh sang trường khác trong khi trường đó cũng quá tải là cách làm hình thức, biểu hiện bệnh thành tích, không tính đến quyền lợi của học ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục". 

Chia sẻ với PV, nhiều phụ huynh trên địa bàn phường Hoàng Liệt cũng cho rằng, học sinh đã rất đông nếu không thể xây thêm trường thì học sinh địa bàn nào học đúng địa bàn đó, thay vì phân tuyến. 

Việc điều chuyển các học sinh đẩy khó về trường Chu Văn An để Trường tiểu học Hoàng Liệt đủ tiêu chuẩn thành trường chuẩn quốc gia tạo thêm khó khăn cho học sinh và phụ huynh cũng là gánh nặng cho Tiểu học Chu Văn An. 

"Đừng để chuẩn mà không chuẩn"

 TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT cũng đồng tình rằng, việc "đẩy" học sinh sang trường khác để lên chuẩn quốc gia là hành động thiếu nhân văn, phản giáo dục. 

"Nếu nói phân tuyến và chuyển học sinh đến trường học ít học sinh, diện tích lớn, cơ sở vật chất tốt để các cháu được hưởng chất lượng giáo dục tốt hơn thì được, chứ vì động cơ để trường đạt chuẩn mà di tản học sinh đến nơi chật chội hơn, sĩ số dự kiến lên gần 60 học sinh/lớp thì đó là hành động thiếu nhân văn với trẻ, chỉ làm khổ trẻ", ông Vinh nói.

"Đẩy học sinh đi để trường lên chuẩn quốc gia cách là làm hình thức, biểu hiện bệnh thành tích" - Ảnh 4.

Thông báo tạm dừng phân tuyến học sinh của Trường tiểu học Hoàng Liệt. Ảnh: Gia Khiêm

Theo ông Vinh, đừng vì một trường đạt chuẩn mà để học sinh ở những trường khác phải chịu cảnh học đông hơn, chen chúc nhau đến 60 người/lớp. "Chuẩn" là học sinh đạt kết quả học tập tốt, phát triển cả thể chất và tinh thần, để học sinh thực sự thấy trường học hạnh phúc chứ không phải tìm cách hợp thức hóa việc nhồi nhét các cháu sang chỗ chật chội hơn, đó là chuẩn mà không chuẩn. 

Trước đó, như Dân Việt đã đưa tin nhiều phụ huynh có con nhiều phụ huynh có con theo học tại Trường tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã phản ánh bức xúc sau khi nhận được thông báo về việc phân tuyến học sinh năm 2022-2023 để sắp tới nhà trường đủ điều kiện lên chuẩn quốc gia. 

Theo đó, dù các con đang học tại Trường tiểu học Hoàng Liệt là đúng tuyến từ năm 2019 nhưng một bộ phận học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 phải điều chuyển sang Trường tiểu học Chu Văn An để giảm sĩ số cho Trường tiểu học Hoàng Liệt thì trường này mới đủ điều kiện lên trường chuẩn quốc gia. 

Điều đáng nói, Trường tiểu học Chu Văn An nhiều năm nay vốn đã quá tải, học sinh của trường Chu Văn An phải thay nhau nghỉ luân phiên các ngày trong tuần để đảm bảo có đủ lớp học.  Sau đó, UBND quận Hoàng Mai đã yêu cầu dừng ngay việc phân tuyến tại Trường tiểu học Hoàng Liệt, hiện tại phải để cho học sinh ổn định và học đúng tuyến trong năm học này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem