Dạy nghề cho LĐ nông thôn: Kết nối vì lợi ích nhiều bên

Thứ bảy, ngày 09/10/2010 10:00 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Một trong những điểm nhấn của Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn tới năm 2020 là đào tạo nghề phi nông nghiệp có địa chỉ, nghĩa là "kết nối" doanh nghiệp với cơ sở đào tạo và lao động. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động này còn rất yếu ớt.
Bình luận 0

Khoảng cách còn lớn

Trường Trung cấp nghề Xây dựng Thanh Hóa là ngôi trường có truyền thống lâu năm đào tạo nghề trong ngành xây dựng, nhưng sự liên kết với các doanh nghiệp (DN) trong khâu đào tạo còn khá lỏng lẻo. Ông Nguyễn Hữu Hoài - giáo viên của trường chia sẻ:

"Nếu liên kết với DN xây dựng, thực hành tại công trường thì có 2 cái lợi: DN có thêm nhân lực (dù là tập sự) được đào tạo bài bản, học sinh được rèn tay nghề nhiều. Nếu không thì học sinh cũng chỉ thực hành vài buổi, tay nghề khó mà khá được. Được rèn giũa ở công trường, các em sẽ khá rất nhanh, mà DN có nhận các em cũng không phải đào tạo lại".

img
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn thích đào tạo kiểu truyền nghề.

Thế nhưng, vì sao các DN lại không mặn mà? "Các DN xây dựng thường có xu hướng nhận các nhóm lao động (LĐ) tự do, làm theo kiểu hợp đồng. Nhận kiểu này nhanh nhưng là nhanh "xổi" vì LĐ không được học về an toàn LĐ, các nguyên lý máy móc, kỹ thuật. Họ cũng ngại chuyển giao các kỹ thuật mới để giảng dạy cho học sinh"- ông Hoài lý giải.

Ông Ngô Phan Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Định Quán (Đồng Nai) cũng khẳng định thực tế này. Đồng Nai là địa phương có rất nhiều khu công nghiệp với hàng ngàn DN trên địa bàn nhưng rất ít DN phối hợp với trung tâm dạy nghề để đào tạo LĐ. Ông Tuấn nói: "Thực ra, đổ hết lỗi cho cơ sở dạy nghề là không đúng vì trang thiết bị công nghệ giảng dạy, chương trình đào tạo không thể chạy kịp hoặc đáp ứng nhu cầu đa dạng và thay đổi công nghệ liên tục của DN".

Như vậy, những hạn chế của cơ sở dạy nghề chỉ góp phần gia tăng khoảng cách đào tạo - sử dụng LĐ. Hiệu trưởng một trường dạy nghề tại TP.HCM đưa ra thực trạng, hiện 90% DN tại VN có quy mô nhỏ và vừa, thường xuyên thay đổi ngành nghề, mục tiêu kinh doanh... Hệ quả là ở nhiều ngành nghề, nhân công không phát triển được, DN luôn than thiếu trong khi người học nghề lại không vào được DN.

Kết nối vì lợi ích nhiều bên

img Việc đầu tư nâng cao năng lực của các cơ sở dạy nghề và việc tổ chức các lớp học không nên dàn trải mà cần dạy "trúng" nhu cầu phát triển nhân lực địa phương. Nghĩa là bản thân các DN cũng phải góp sức, chia sẻ thông tin về nhu cầu LĐ của mình và bắt tay cùng đào tạo. img

Vừa vực dậy năng lực của các cơ sở dạy nghề, vừa "kéo" DN vào cuộc góp phần đào tạo, nhận LĐ vào làm việc là cách thức tiếp cận khi dạy nghề cho nông dân theo Quyết định 1956/QĐ-TTg. Theo định hướng này, một số tổng công ty lớn như Tổng Công ty Thuốc lá, May 10... đã chủ động liên kết đào tạo.

Mới đây nhất, Tập đoàn Dệt-May VN (Vinatex) đã ký văn bản thỏa thuận với UBND tỉnh Bắc Giang giúp đỡ huyện nghèo Sơn Động (Bắc Giang). Ông Vũ Đức Giang - Tổng giám đốc Vinatex cho biết:

Vinatex sẽ xây dựng một nhà máy may có quy mô 1.000 LĐ với tổng vốn đầu tư 85 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho người dân; cấp học bổng cho 22 sinh viên đại học chuyên ngành công nghệ dệt sợi; tuyển dụng và đào tạo học sinh học các nghề dệt - may, CNTT, điện, kế toán hệ cao đẳng; giải quyết số lao động dôi dư đưa vào làm tại các nhà máy trong hệ thống Vinatex tại khu vực phía bắc; chỉ đạo Viện Bông Nha Hố hợp tác với Phòng NN&PTNT huyện triển khai các biện pháp khuyến nông, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất...

Tuy nhiên, đó chỉ là những mô hình "làm điểm". Việc các DN tìm tới cơ sở dạy nghề và thực hiện chính sách với LĐ như vậy không nhiều. Nhất là ở các trung tâm dạy nghề cấp huyện miền núi heo hút. Trong khi đó, bản thân các trung tâm dạy nghề cấp huyện và nhiều trường nghề còn rất lúng túng, thiếu kinh nghiệm khi liên kết với DN.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem