Công lao của nhân vật Nguyễn Mẫn Đốc đối với lịch sử dân tộc Việt Nam nửa đầu thế kỷ XVI được thể hiện rằng: Nguyễn Mẫn Đốc là một trí thức, một vị đại khoa của nền giáo dục Nho học của nước ta. Vốn nổi tiếng thông minh, hiếu học, cho nên “từ thi Hương đến thi Hội, ông đều đỗ đầu” (gọi là Giải nguyên và Hội nguyên).
Tại khoa thi năm Mậu Dần (1518), ông đỗ Bảng nhãn, và sau đó được phong nhiều chức quan như Hàn lâm viện Thị thư, Tả thị lang bộ Lại, Thượng thư... Nguyễn Mẫn Đốc đã góp phần làm rạng danh truyền thống khoa bảng của gia đình, dòng tộc (thân sinh Nguyễn Doãn Cung đỗ Tiến sĩ năm 1469; hai người anh là Nguyễn Thừa Thôi và Nguyễn Thừa Bật đều đỗ Hương cống); làm rạng danh quê hương Xuân Lũng (trong tổng số 4 người đỗ đại khoa, 21 người đỗ trung khoa, 122 người tiểu khoa và nhiều nho sinh, người có chức tước, thì Nguyễn Mẫn Đốc là người đỗ đạt danh vị cao nhất).
Tiết nghĩa từ (Đền thờ Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc) tại xóm Chùa, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Ngoài ra theo PGS - TS Phạm Mai Hùng- Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, lịch sử ghi nhận công trạng của Nguyễn Mẫn Đốc bởi ông là vị trung thần với Vua Lê. Khi Mạc Đăng Dung tiếm ngôi, Vua Chiêu Tông dời kinh thành vào Thanh Hóa lánh nạn, đã thảo tờ mật chiếu gửi các đại thần, các công khanh và các sĩ phu, coi như Hịch Cần vương kêu gọi các bậc tôi trung, quân nghĩa, hãy vì lòng ngay giữ lấy thành trì. Lúc đó Trạng nguyên Vũ Duệ và Nguyễn Mẫn Đốc đã chiêu mộ được hàng trăm binh sĩ và bảo vệ Vua Chiêu Tông. Mạc Đăng Dung khi biết Vua Lê Chiêu Tông chạy vào Thanh Hóa bèn cử tướng lĩnh đem binh mã tức tốc truy bức, xảy ra giao chiến lớn ở Cẩm Thủy (tên phủ, thuộc phủ Thiệu Thiên, trấn Thanh Hoa, đời Quang Thuận (1469), nay là tỉnh Thanh Hóa).
Nhờ mưu trí và lòng dũng cảm của Tướng Lê Duy Hàn và của thầy trò Nguyễn Mẫn Đốc, Vua Lê Chiêu Tông đã thoát khỏi vòng vây của quân Mạc và lui về rừng núi huyện Lương Sơn (thuộc phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An). “Đền thờ Nguyễn Mẫn Đốc - nhân vật lịch sử tiêu biểu thời Lê Sơ được xây dựng đến nay đã 348 năm, với 12 sắc phong của 12 đời vua qua các triều đại, xứng đáng được xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia” - PGS - TS Phạm Mai Hùng cho hay.
Ông Nguyễn Ngô Long - Chủ tịch UBND xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ cho biết, UBND xã đã chuẩn bị chu đáo cho lễ đón bằng công nhận di tích quốc gia tại đền thờ Nguyễn Mẫn Đốc - khu 4 xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao với những nghi thức tổ chức rước kiệu và dâng hương tại di tích vào ngày 10.4.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.