Diễn biến mới vụ "đất vàng" Bình Dương

Gia Bình Thứ sáu, ngày 21/10/2022 16:19 PM (GMT+7)
Sau phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ "đất vàng" Bình Dương, 4 bị cáo kháng cáo, đề nghị Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã đưa tin, chiều 30/8, TAND TP.Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm 28 bị cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Tham ô tài sản" xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (Công ty SX-XNK).

Đến thời điểm hiện tại, đã có 4 bị cáo làm đơn kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm.

Họ gồm: Trần Thanh Liêm (SN 1962, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương), Trần Nguyên Vũ (SN 1977, cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bình Dương), Lý Thanh Châu (SN 1982, cựu Thành viên Hội đồng thành viên, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương – trách nhiệm hữu hạn một thành viên), Đỗ Thị Thanh Thúy (SN 1985, cựu Kế toán trưởng Tổng Công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương – trách nhiệm hữu hạn một thành viên).

Diễn biến mới vụ xử đất vàng Bình Dương - Ảnh 1.

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm kháng cáo. Ảnh: BCA

Ở phiên sơ thẩm, ông Trần Thanh Liêm bị tuyên phạt 7 năm tù, Lý Thanh Châu bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù, Đỗ Thị Thanh Thúy bị tuyên phạt 30 tháng tù cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí"; Trần Nguyên Vũ bị tuyên phạt 12 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và 11 năm tù về tội "Tham tài sản", tổng hợp 23 năm tù.

Trong đơn kháng cáo, 4 bị cáo trên đề nghị Tòa cấp phúc thẩm xem xét lại bối cảnh, mức độ thực hiện và hậu quả hành vi phạm tội của từng bị cáo; đề nghị tòa cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo như: Lần đầu phạm tội, có nhiều thành tích trong công tác, không có động cơ vụ lợi, khai báo thành khẩn, hợp tác với cơ quan điều tra trong việc làm rõ vụ án…  Cả 4 người đều đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Trở lại diễn biến vụ án, tòa sơ thẩm xác định, Công ty SX – XNK do bị cáo Trần Văn Minh làm Chủ tịch là doanh nghiệp vốn Nhà nước. Năm 2006, doanh nghiệp này được nhận quản lý các khu đất 43ha và 145ha tại Bình Dương.

Năm 2011, Công ty SX-XNK Bình Dương chính thức được giao quyền sử dụng 2 khu đất trên. Tuy nhiên, bị cáo Trần Văn Nam và một số thuộc cấp áp giá thu tiền theo khung giá năm 2006, gây thiệt hại 761 tỷ đồng.

Tại khu 43ha, sau khi được giao đất, Nguyễn Văn Minh mang đi góp vốn vào Công ty Tân Phú – doanh nghiệp sân sau của gia đình. Khi Công ty SX-XNK phải cổ phần hóa, Tỉnh ủy yêu cầu chuyển khu đất 43ha nói trên về Cty Impco (trực thuộc Tỉnh ủy).

Diễn biến mới vụ xử đất vàng Bình Dương - Ảnh 2.

Có 4 bị cáo trong vụ đất vàng Bình Dương kháng cáo bản án sơ thẩm. Ảnh: XA

Tuy nhiên, các bị can trong vụ làm ngược lại với "động cơ chiếm đoạt, hưởng lợi từ các khu đất". Nguyễn Văn Minh thống nhất với con rể Nguyễn Đại Dương cùng các đồng phạm bán trái phép, gây thiệt hại 984 tỷ đồng, theo viện kiểm sát.

Sai phạm tiếp theo tại khu 145ha, cáo trạng xác định Nguyễn Văn Minh và và đồng phạm cũng tìm cách thâu tóm bằng cách mang đi liên doanh, góp vốn vào Công ty Tân Thành – doanh nghiệp của chính ông Minh.

Tỉnh ủy yêu cầu khu đất phải để lại Công ty SX – XNK sử dụng sau khi cổ phần hóa nhưng bị cáo Minh đưa cả 145ha từ "tài sản đang dùng" vào danh mục "tài sản chờ thanh lý" để không xác định giá trị quyền sử dụng đất.

Như vậy, 145ha không được đưa vào giá trị khi cổ phần hóa Công ty SX – XNK dẫn tới thất thoát 4.030 tỷ đồng của Nhà nước.

Ngoài ra, năm 2018, bị cáo Minh còn chỉ đạo Công ty SX – XNK mua cổ phần của Công ty Tân Thành. Tuy nhiên, giá mua bán thay vì 16.000 đồng/cổ như thực tế được nâng lên thành hơn 105.000 đồng/cổ. Qua đây, nhóm Nguyễn Văn Minh tham ô 815 tỷ đồng.

Trong vụ án, bị cáo Nguyễn Văn Minh có vai trò chính, cầm đầu, tổ chức. Các bị cáo còn lại phạm tội trong vai trò đồng phạm; có bị cáo phạm tội do bị ảnh hưởng của Minh như con gái, các cấp dưới.

HĐXX đánh giá, hành vi của các bị cáo đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu tới dư luận; xâm phạm quyền quản lý kinh tế của Nhà nước… nên phải nhận mức án nghiêm.

Tuy nhiên, tòa ghi nhận nhiều tình tiết giảm nhẹ như các bị cáo có nhiều thành tích trong công tác, thành khẩn khai báo. Đặc biệt, hậu quả vụ án đã cơ bản được khắc phục.

Về trách nhiệm dân sự, án sơ thẩm xác định do UBND tỉnh Bình Dương vào năm 2011 đã áp giá sai khi giao các khu đất 43ha và 145ha nên hiện tại, Công ty SX- SXK phải nộp bù 761 tỷ đồng; xác nhận doanh nghiệp này đã nộp hơn 200 tỷ đồng, còn thiếu hơn 500 tỷ đồng.

Với việc chuyển nhượng 43ha, HĐXX tuyên tạm giao khu đất này cho Công ty Tân Phú. Còn khu 145ha, án sơ thẩm tuyên trả về cho Tỉnh ủy Bình Dương theo quy định; ngân hàng BIDV phải bàn giao giấy tờ khu đất này. Các quan dân sự khác, án sơ thẩm dành quyền cho các bên tự thỏa thuận hoặc nếu có tranh chấp được khởi kiện theo quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem