Diệt cọp dữ trấn chiếm đất cù lao

Thứ năm, ngày 15/05/2014 16:35 PM (GMT+7)
Đó là nơi mà trước kia hãy còn là vùng hoang dã, ngoài một vài mái tranh nghèo lụp xụp của người dân tạm dựng trên những “giồng” cao dọc theo bờ sông, với miếng ruộng nhỏ sau hè và một chiếc xuồng con cột hờ dưới bến…
Bình luận 0
Nếu căn cứ vào nội dung những tấm biển còn trân tàng tại Phủ thờ Dinh Ba (Quan Thượng Đẳng – Nguyễn tộc, tại chợ Phủ Thờ, thuộc Cù Lao Giêng, ấp Bình Quới, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, An Giang) thì chuyện về gia đình của ông Thư Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thư (gốc ở Bình Định) vào Nam năm nào không rõ, chỉ biết trước khi định cư ở đây, đã có thời sinh sống ở một vùng đất ngang bên kia bờ của một nhánh sông Tiền (nay là xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, An Giang).

Đó là nơi mà trước kia hãy còn là vùng hoang dã, ngoài một vài mái tranh nghèo lụp xụp tạm dựng trên những “giồng” cao dọc theo bờ sông, với miếng ruộng nhỏ sau hè và một chiếc xuồng con cột hờ dưới bến… , có lẽ gia sản của những người lưu dân ở đây chẳng còn gì để kể thêm được!

Không như những người đi xây dựng vùng kinh tế mới ngày nay, người lưu dân ngày ấy chỉ biết có mỗi một điều là tự lực khẩn hoang, chủ yếu là dùng sức người, nghị lực và tình đoàn kết, tương trợ để vật lộn với muôn ngàn lao khổ, kể cả sự khắc nghiệt của khí hậu, thời tiết, dịch bệnh và thú dữ, ngoài ra không có lấy một sự hỗ trợ thiết thực nào từ phía chính quyền, bởi điều rất dễ hiểu là mạng lưới chính quyền chưa thể vươn tới. Vì vậy có thể nói lúc bấy giờ chỉ có khai hoang chứ chưa có “lập ấp”.
img

Đối với triều đình thì xứ Đồng Nai lúc bấy giờ là Trấn Biên (đơn vị hành chính ở địa đầu biên giới), sau đó, Gia Định, Định Tường là Phiên Trấn (trấn ngoài cùng như phên giậu che chở bờ cõi). Nơi nào những người Đàng Trong (Việt) ở liền nhau thì gọi là “man”, ở đông đúc thì gọi là “nậu”; nơi nào có người Đàng Thổ (Khơ me) ở xen lẫn thì gọi là “man nậu”, ý nói hợp tác, chung lòng.

Những trang trại của người Việt sau đó cũng gọi “man nậu”. Nhưng giới hạn cuối cùng của Phiên Trấn thì không thể biết rõ, bởi người dân tự ý đi chọn đất khai hoang càng lúc càng xa, theo kiểu “móc lõm”, lưa thưa như da beo, chưa hội đủ điều kiện để lập làng, lập tổng, bổ quan cai trị, nên triều đình tạm gọi từng cụm dân cư là “nguồn”, “đạo” hay “thủ”. Cho đến khi dân cư đông đúc và đất khai phá cũng nhiều thêm, triều đình mới chính thức mở mang cương vực, lập làng, lập tổng, dựng phủ, dựng huyện…. và lúc bấy giờ mới có quan cai trị.

Số phận của những người đi khai hoang thật bơ vơ, buồn tẻ! Không ít người đã tự tạo cho mình một chỗ dựa tinh thần để củng cố niềm tin, bằng lòng với cuộc sống. Ông bà thân sinh của Nguyễn Văn Thư sau đó đã dựng cất một ngôi chùa chắc cũng không ngoài mục đích ấy!

Cũng như hầu hết những lưu dân khác, gia đình cụ Nguyễn Văn Núi đến vùng đất hoang dã này với đầy dẫy cỏ dại và tre rừng, ngoài công việc chính là ra sức khẩn hoang để trồng lúa, còn phải đi săn bắn thêm thú rừng mới có thể xoay trở miếng cơm manh áo.

Cuộc sống của họ, thường ngày phải đương đầu với thiên tai chướng khí, với thú dữ, mà dẫy đầy là cọp, sấu, kể cả trâu rừng. Việc nông tang thì phải thường xuyên vật lộn với thiên nhiên đầy khắc nghiệt, thiếu thốn mọi bề, vô cùng gian khổ, những mong cuộc sống ngày một đỡ hơn. Nào ngờ tai họa thương tâm đã đến với gia đình như một tin sét đánh: người con cả cụ Núi trong lúc đi săn ở Cù lao Giêng đã bị cọp vồ mất xác!

Sau mấy ngày liền truy tìm khắp cùng rừng bụi không thấy dấu vết người thân, cả nhà vô cùng thương tiếc, nhưng khí phách của những người con mang nghiệp võ sao dễ chịu ngồi yên thúc thủ!?

Hai cụ tự thấy có trách nhiệm phải làm vui lòng người con nơi chín suối, đồng thời cũng để trừ hậu hoạn (người thời trước tin rằng trong gia đình, nếu có một người bị cọp ăn thịt thì lần lượt cả nhà sẽ bị cọp vồ, gọi là “có noi” hay “có huông”. Lại tin rằng, những oan hồn bị cọp ăn, nhập vào con “chim ma” dắt đường cho cọp đi tìm bắt kẻ khác. Khi có hồn khác thay thế thì oan hồn kia mới được đầu thai!).

Thế là căn chòi nhỏ được dời sang Cù lao Giêng trên một giồng đất cao ở bìa rừng, ngay bên bờ sông. So với chốn cũ, cảnh vật ở đây hoang vu, lặng lẽ hơn, cây cỏ và thú rừng cũng nhiều hơn. Chiều nào cũng vậy, lúc mặt trời vừa khuất núi, chính là lúc các loại côn trùng trổi lên khúc nhạc buồn tê tái. Những đêm mưa, khúc nhạc càng tăng cao âm hưởng, gợi giục người đi khai hoang nỗi nhớ cố hương da diết.

Cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau, ông Thư cùng mẹ là cụ bà Lê Thị Nhạc, phải bơi xuồng xuống Cái Nhum, miệt Hổ Cứ (nay là xã Mỹ Xương, Cao Lãnh, Đồng Tháp), nơi có một số người đồng hương từ miền Trung vào định cư tại đó để, trước là trao đổi lương thực, sau cũng nhằm thăm nom, bàn chuyện sinh kế. Do ở đây có nhiều thổ sản cau, dừa nên bà thường lui tới mua đi bán lại, kiếm thêm tiền độ nhựt.

Sau mấy chuyến, ông Thư phải lòng một cô thôn nữ ở đây. Thế là hai bên song thân tổ chức lễ tác hợp. Vợ ông Thư là gái duy nhất trong gia đình, nên hai bên song thân bàn bạc ông Thư phải ở lại bên vợ cho tiện. Ông Thư vâng lời, nhưng vẫn thường bơi xuồng lên xuống thăm cha mẹ. Mỗi lần về thăm nhà, ba người em trai của ông hết sức vui mừng, vì ông thường lén bày nhiều cuộc vui đầy mạo hiểm, như rủ nhau đi săn mèo rừng và săn cả cọp! (cọp ở đồng bằng tuy nhiều nhưng thường nhỏ như con chó vện).
img

Sau, cụ Núi biết được, cả giận, rầy đánh răn đe rất dữ, nhưng do bản tính ham vui, lại can đảm nên có lần do tình cờ, các ông đã tái phạm! Chẳng là hôm nọ, anh em rủ nhau xuống Rạch Ngang (nay gọi Kinh Ngang) chận đăng, chờ nước ròng bắt cá. Khi ròng sát, lòng rạch đã khô nước, cá to kẹt lại trong đăng rất nhiều, nhưng chưa kịp xuống bắt thì đã thấy một con cọp lội xuống phổng tay trên. Mấy anh em tức quá, không biết phải làm sao, đành mở đăng chờ con nước sau.

Chiều gần tối, đúng vào lúc lòng rạch bày bùn, cọp lại đến chực sẵn trên bờ, nhưng lần này thì không có cá, cọp bỏ đi. Trước sự thắc mắc của những người em, ông Thư giải thích “do có nước miếng của cọp nên cá sợ, không dám vô!”.

Thế là hôm sau anh em ông Thư dời đăng xuống rạch Cái Dứa, dưới đó một đỗi. Lần này ông Thư bảo người em út xuống rạch núp sẵn vào lùm cỏ, nếu thấy có cọp xuất hiện thì gây tiếng động như cá mắc cạn, nhử cho nó lội xuống đặng các anh ra tay giết cọp!

Quả nhiên, sự việc đã xảy ra đúng kế. Anh em ông Thư hè nhau đập chết tươi con cọp đang mắc lầy một cách khá dễ dàng. Họ mang cọp về nhà. Lần này bị cụ Núi đại bố cho một trận nên thân do tánh liều lĩnh bất kể chết, suýt gây nguy hiểm người con út yêu quý của cụ.

Thật ra trong thâm tâm, cụ Núi rất ưng bụng khi thấy các con giết được cọp. Cụ cũng thầm khen ông Thư đã biết bày kế nhử cọp, nhưng cụ buộc phải la rầy dằn mặt tính hiếu thắng, bồng bột của tuổi trẻ, không khéo tánh mạng sẽ phải hiểm nghèo. Bài học bằng xương bằng máu của người con cả hãy còn sờ sờ trước mắt chớ nào phải chuyện giỡn chơi! Riêng cụ, việc trả thù cọp phải được tổ chức thật chu đáo và giết được cọp lớn, nhất là cọp đầu đàn, phải do chính cụ chủ động, chỉ huy.

Ngày lại ngày qua, sau hàng chục cuộc truy lùng kiên trì đầy mạo hiểm mà vẫn chưa hạ được kẻ thù to xác nào, cụ rất ức lòng. Cứ mỗi lần nghe tiếng gầm rống của hổ dữ vọng lại từ rừng sâu thì căm hờn trong mỗi con người nhà họ Nguyễn lại nâng cao đến uất nghẹn, quên cả thân phận bơ vơ nơi rừng vắng. Tiếng cọp gầm đêm khuya như nhắc nhở, thôi thúc hai cụ phải sớm có phương kế diệt thù.

Một ngày nọ, sau khi đã dõi theo dấu chân hổ, và đã chọn được địa điểm thuận lợi, cả nhà nhanh chóng bày thế trận: cụ Núi giỏi võ nên nhận lãnh phần xuống lung bắt cá, làm mồi nhử cọp; bốn người con trai đứng bốn phía lập thế tứ trụ hỗ tương; riêng cụ bà do có tài bắn cung bách phát bách trúng nên nấp vào một bụi tre rừng gần đó để đảm nhận phần việc chuyên môn. Mắt mọi người đều đăm đăm phóng tầm nhìn từ những bụi rậm đằng xa…

Mọi người đều cảnh giác, sẵn sàng. Trời chiều không gió, mấy ngọn cờ lau tuy vươn cao nhưng cũng không lay động. Bốn bề yên lặng như tờ. Nhưng…. Kìa! Mấy ngọn cờ lau đột nhiên từ từ ngả xuống một cách chậm chạp… Tiếng gãy giòn của mấy cây đế khô nghe rõ mồn một, càng lúc như càng gần, rồi yên lặng… Một thứ yên lặng dễ hiểu của những người thợ săn. Cọp đang quan sát và lấy thế để bất giác phóng tới, vồ lấy con mồi!

Lúc bấy giờ mọi người vẫn bất động, không hề nghe thấy ai truyền đi tín hiệu gì cho nhau. Nếu có người ngoài cuộc chứng kiến, tất sẽ thấy đó là một sự yên lặng đáng sợ!

Xoạc! Cọp vừa phóng mình lao tới thì đã táp thật đúng mũi tên tẩm thuốc độc của cụ bà! Cọp lồng lộn, giãy tử làm rạp bằng cả đám nghể ở bờ lung. Mọi người vẫn án thủ bất động. Giữa lung, cụ Núi vẫn phớt tỉnh, tiếp tục “mò cá”, nhưng từ ánh mắt hiền từ thường ngày, hôm nay được trực tiếp chứng kiến kẻ tử thù đang giãy chết, đôi mắt cụ như đầy lửa, đằng đằng sát khí. Sau hơn một khắc nặng nề trôi qua, không thấy có cọp khác tiếp cứu, cụ ra hiệu, mọi người mới chịu rời khỏi vị trí, khiêng cọp về.

Giết được cọp, cả nhà như được nhẹ gánh. Nhưng cọp ở rừng nào chỉ một con! Từng đêm tiếng gầm rống vẫn còn. Hàng ngày người ta vẫn còn thấy dấu chân đi tìm mồi ban đêm của chúng hãy còn mới nguyên, thành thử những cuộc săn bắn cọp vẫn được tiếp tục…
Nguyễn Hữu Hiệp (Nguyễn Hữu Hiệp)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem