Đồng Nai: Những vườn sầu riêng trái treo đầy cành, cho thu tiền tỷ

Thứ hai, ngày 16/09/2019 10:14 AM (GMT+7)
Sầu riêng là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, giá thành ổn định và năng suất cao. Một số nông dân huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) đã chọn sầu riêng làm cây trồng chủ lực và gắn bó nhiều năm qua. Nhờ áp dụng thành công kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất đã giúp họ có thu nhập tiền tỷ từ loại cây trồng này.
Bình luận 0

Chọn cây trồng chủ lực

Ðến xã Nhân Nghĩa (huyện Cẩm Mỹ) hỏi thăm “Cường sầu riêng” (Nguyễn Thanh Cường), người dân đều biết và cảm phục. Ông là người tiên phong đưa giống sầu riêng Thái về trồng thành công tại vùng đất này, sau đó giúp đỡ bà con xung quanh cùng trồng để phát triển kinh tế gia đình.

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Cường kể, sau năm 1975, ông theo gia đình rời Bình Dương về Ðồng Nai khai hoang, lập nghiệp. Ðến khi ông cưới vợ và ra ở riêng thì được bố mẹ cho 7 sào đất để “làm của hồi môn”. Cuộc sống lúc ấy rất khó khăn, túng thiếu và ông đã chọn phương án “lấy ngắn nuôi dài”, trồng đủ loại cây trong vườn: cà phê, sầu riêng, tiêu… để lo cái ăn, cái mặc trước mắt.

img

Vườn sầu riêng cho thu nhập tiền tỷ của gia đình ông Nguyễn Thanh Cường (huyện Cẩm Mỹ).

Năm 1996, nghe thông tin có một doanh nghiệp nhập về Việt Nam giống sầu riêng Thái. Qua tìm hiểu thấy cây này đem lại hiệu quả kinh tế cao nên ông quyết định cải tạo vườn tạp để chuyển qua trồng sầu riêng Thái. “Hồi đó, vợ chồng tôi loay hoay không tìm đâu ra vốn nên buộc lòng bán chiếc nhẫn kỷ niệm ngày cưới được 400.000 đồng để mua cây giống (60.000 đồng/cây) về trồng…”, ông Cường nhớ lại.

Tuy nhiên, những năm đầu thu hoạch, vườn sầu riêng Thái của ông Cường gần như bị mất trắng, vì mỗi mùa cây sầu riêng chỉ đậu được vài trái. Không nản, ông dành nhiều thời gian tự mày mò, tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật trồng sầu riêng trên sách, báo.

Ngoài ra, ông Cường còn đi gặp những người có nhiều kinh nghiệm trồng sầu riêng để cùng chia sẻ thông tin, học hỏi kinh nghiệm. Chính nhờ quyết tâm, cùng với sự cần cù đã giúp ông Cường ngày càng am hiểu hơn về cây sầu riêng và làm ăn ngày càng phát đạt.

Khi đã có lời, gia đình ông Cường tiếp tục đầu tư mua thêm đất để nhân rộng giống sầu riêng Thái. Hiện gia đình ông đã có hơn 4 mẫu sầu riêng và cho thu hoạch mỗi năm khoảng 70 tấn trái, sau khi trừ chi phí, gia đình thu từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng. Cái tên “Cường sầu riêng” được bà con trong vùng đặt cho cũng bắt đầu từ đó.

“Giờ đây đã có kinh nghiệm nên chỉ cần nhìn lá sầu riêng là tôi biết mùa nào “thắng”, mùa nào “thua”. Ngoại trừ thiên tai thì đành phải chấp nhận còn năm nào vườn sầu riêng nhà tôi cũng được mùa”, ông Cường tâm sự.

Trong khi đó, ông Phan Văn Ba (xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ) thành công với mô hình trồng sầu riêng VietGAP. Ông Ba cho hay, ông sinh ra và lớn lên ở miền Tây nên rất am hiểu về kỹ thuật chăm sóc các loại cây ăn trái. Cho nên, khi đến vùng đất Xuân Quế lập nghiệp, ông quyết định đầu tư trồng sầu riêng vì khí hậu và thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp với loại cây trồng này. Nhờ chọn hướng đi đúng, nắm chắc kỹ thuật chăm sóc đã giúp ông thành công.

Ông Ba chia sẻ, hiện ông đang trồng sầu riêng theo hướng VietGap bằng cách sử dụng các loại phân (trong đó có phân chuồng) với lượng phù hợp, hạn chế thuốc bảo vệ thực vật và mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Mặc dù những năm gần đây biến đổi thời tiết nhưng vườn sầu riêng của ông vẫn phát triển xanh tốt, ít bị dịch bệnh.

Hiện vườn sầu riêng với diện tích 5 ha của gia đình đã cho thu hoạch mỗi năm trên 100 tấn trái, sau khi trừ chi phí, ông thu trên 2 tỷ đồng/năm. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Ba còn tích cực giúp đỡ các hội viên nông dân trong việc chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, hỗ trợ vốn sản xuất… để cùng làm ăn vươn lên trong cuộc sống.

Ngoài ra, ông tích cực tham gia đóng góp các phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Trong đó, ông đã đóng góp trên 300 triệu đồng để bê tông hóa đường làng dài hơn 1km nhằm giúp bà con đi lại, vận chuyển nông sản thuận tiện hơn.

Thu nhập tiền tỷ

Sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo, đông anh em tại tỉnh Tuyên Quang, năm 1987, anh Trương Huy Khương (ấp 3, xã Thanh Sơn, huyện Ðịnh Quán) cùng gia đình vào vùng đất Thanh Sơn lập nghiệp. Thời gian đầu đến xứ người, anh Khương theo bố mẹ đi làm rẫy, vườn thuê để có tiền trang trải cuộc sống. Những lúc rảnh rỗi, anh cùng bố vào rừng hái măng rồi gùi ra chợ bán. Nhờ cần cù làm lụng nên gia đình anh ngày một ổn định, có tiền cất nhà và mua đất đầu tư trồng trọt.

img

Anh Trương Huy Khương (xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) bên vườn sầu riêng của gia đình.

Năm 25 tuổi, anh Khương lập gia đình và ra ở riêng. Ðược bố mẹ cho hơn 1 ha đất, vợ chồng anh nỗ lực thức khuya dậy sớm làm lụng với mong muốn vươn lên làm giàu. Ban đầu, anh đầu tư trồng các loại cây ngắn ngày, như: bắp, bầu, bí, đu đủ…, sau đó thấy cây cà phê đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nên anh vay mượn tiền đầu tư làm mô hình này. Tuy nhiên, anh thất bại vì gặp thời điểm giá cà phê xuống thấp đến mức năn nỉ thương lái không mua. Gia đình anh rơi vào tình cảnh thua lỗ nặng, buộc anh phải đem mọi thứ có giá trị trong nhà bán để có tiền trả nợ…

Một lần, anh Khương tình cờ nghe đài phát thanh giới thiệu về trồng cây sầu riêng mang lại kinh tế cao nên anh quyết định làm mô hình này. Ý tưởng của anh đã bị người thân và hàng xóm bàn ra vì vùng đất Thanh Sơn không phù hợp với giống cây sầu riêng, nếu trồng chỉ có thất bại.

Thế nhưng, anh Khương vẫn tự tin vào khả năng mình làm được. “Tôi bắt đầu đi tìm hiểu và xin được tài liệu hướng dẫn cách chăm sóc cây sầu riêng và dựa vào đó áp dụng làm. Trồng 3 lần đầu đều thất bại, tôi phải kiên trì trồng lần thứ 4 mới thành công”, anh Khương kể.

Tiền thu được từ bán sầu riêng, anh Khương dùng vào việc tích góp mua đất và đầu tư mở rộng trang trại sầu riêng, đồng thời trồng thêm xoài, cam, quýt… Ðến nay, anh đã sở hữu trang trại vườn rộng gần 13 ha, ngoài ra anh còn thuê thêm 2 ha để đầu tư làm ăn tăng thu nhập. Nhờ làm ăn thuận lợi, thu nhập trung bình mỗi năm của gia đình anh đạt trên 2 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, mô hình trang trại của anh còn tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động tại địa phương.

Nhắc tới Long Khánh, nhiều người biết đến là vùng đất có nhiều loại trái cây đặc sản, trong đó đặc biệt nhất là sầu riêng vì loại trái cây này luôn mang đến hương vị thơm ngon đặc trưng mà ai cũng nhớ đến. Hiện nay, trên địa bàn thành phố mới có một số hộ nông dân làm rất thành công mô hình trồng sầu riêng và đem lại thu nhập tiền tỷ.

Chẳng hạn, vườn sầu riêng VietGAP hơn 1 ha của gia đình ông Nguyễn Ðức Trí (khu phố Cẩm Tân, phường Xuân Tân) cho thu nhập khoảng 2 tỷ đồng/năm; gia đình ông Nguyễn Văn Năm (ấp Phú Mỹ, xã Xuân Lập) có 7 ha trồng sầu riêng R6 và đang cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha; ông Trần Công Tiến (khu phố Bàu Sen, phường Bàu Sen) trồng 400 cây sầu riêng trong khu vườn rộng 3 ha và đem lại thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.

Áp dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật 
Cũng như các cây trồng khác, những năm qua, Hội Nông dân các cấp thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây sầu riêng cho bà con nông dân. Qua đó, giúp bà con biết cách áp dụng kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cho mô hình vườn gia đình và mang lại hiệu quả cao. Nhiều người đã biết cách chăm sóc cho cây sầu riêng tươi tốt và ra trái sớm để bán được giá cao. Chẳng hạn, mùa sầu riêng năm nay, nhiều hộ ở phường Bàu Sen (TP. Long Khánh) có trái chín sớm để bán với giá cao từ 65.000 - 70.000 đồng/kg tại vườn, bà con nông dân phấn khởi.

Thành Nhân (Báo Lao động Đồng Nai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem