Đồng tiền giao không đúng chỗ thì nguy cơ nát là phải...

Đỗ Đức Thứ hai, ngày 26/01/2015 08:02 AM (GMT+7)
Xa xưa, chùa làng do nhu cầu của dân, nên dân góp tiền xây. Chùa xây xong thì làng cho tìm đón sư về cai quản. Làng cấp đất để sư có ruộng cấy lấy thóc, trồng trọt lấy rau, làm đậu làm tương lấy cái tự ăn. Sư hư hỏng thì làng đuổi, đón sư khác về. Vị trí của sư trong chùa là như vậy.
Bình luận 0

Thời phong kiến, người tu hành là người thoát tục, không nằm trong sự kiểm soát của chính quyền, không có tên trong sổ đinh hàng xã. Cho nên người can án xuống tóc vào chùa theo Phật thì không bị truy cứu nữa.

Bây giờ nhà sư nằm trong tổ chức giáo hội, sư được phân công bổ nhiệm và thuộc quản lý của giáo hội. Một bước thay đổi cơ bản về vai trò vị trí ở nhà chùa. Nhà chùa bây giờ như một giang sơn riêng tách với làng xã. Do vậy sư cũng khác xưa lắm, người đi chùa lễ Phật cũng vì thế mà có tâm thái khác.

Đất nước xưa nghèo khó, chỉ có lễ mọn lòng thành. Lên chùa để cầu Phật che chở. Ngày trước có ai mang tiền đến cửa Phật đặt lễ bao giờ. Nhà chùa có hòm tiền công đức, công đức không phải tiền lễ Phật, mà là tiền gửi nhà chùa để gom lại sửa chữa tu bổ chùa khi hư hại (nhà nước phong kiến không bao giờ chi ngân khố cho việc này). Cho nên bất cứ số tiền công đức lớn nhỏ hàng năm thuộc về nhà chùa chứ không thuộc về sư. Sư làm gì có tài sản, người dân lên chùa công đức đâu phải đem tiền cho sư. Nên bây giờ sư giàu sang, đi xe sang, dùng điện thoại xịn là thứ lạm công, không phải truyền thống nhà chùa.

Cách đây mấy năm có chuyện một sư bà chùa nào đấy viên tịch, để lại trên chục sổ tiết kiệm mười mấy tỷ đồng ghi tên sư. Gia đình nhà sư đòi thừa kế, bên chùa yêu cầu để lại chùa. Không biết pháp luật xử lý thế nào nhưng nếu là trước đây thì đơn giản lắm, chẳng cần cãi vã, tiền đó luôn thuộc về tài sản nhà chùa, và sư chỉ là người giữ hộ. Người tu hành đã từ bỏ tất cả theo phật là gì còn của nả riêng tư.

Trước đây chùa của làng, đình của nước. Chùa làng xuống cấp thì dân quyên góp tu bổ, chỉ có đình là nhà nước chi tiền sửa chữa. Bây giờ đã có hiện tượng chùa thành giang sơn của sư, tiền công đức như tài sản của sư. Có chỗ thì tiền công đức chia sẻ với chính quyền, có chỗ không. Đồng tiền giao không đúng chỗ thì nguy cơ nát là phải thôi.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem