Hoa kiểng miền Tây được bán qua mạng, nông dân đỡ lo đầu ra
Đưa toàn hoa kiểng chơi Tết độc lạ lên mạng bán, nông dân miền Tây đỡ lo đầu ra
Chúc Ly - Ngọc Quyên
Thứ tư, ngày 05/01/2022 10:13 AM (GMT+7)
Tết Nguyên đán đã cận kề, đây cũng là thời điểm nông dân tại các làng hoa, kiểng miền Tây tất bật chuẩn bị hàng hóa. Để thích ứng trong thời điểm dịch Covid-19 phức tạp, nhiều nhà vườn, hợp tác xã (HTX) đa dạng hình thức quảng bá, tiêu thụ hoa kiểng.
Những ngày này, trên tuyến đường hoa Sa Nhiên - Cai Dao thuộc phường Tân Quy Đông (TP.Sa Đéc, Đồng Tháp), các chuyến xe chở đầy ắp hoa kiểng đã nhộn nhịp ngược xuôi. Trong khi đó, trên những cánh đồng hoa, bà con cũng đang tất bật chuẩn bị hoa, kiểng giao cho thương lái.
Ông Bùi Văn Sáu (ngụ khóm Tân Hiệp, phường Tân Quy Đông) cho biết, thương lái vừa đến vườn đặt mua 500 cây hoa dừa kem.
Tính từ ngày thành phố thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội đến nay, vườn nhà ông đã xuất bán gần 2.000 chậu hoa các loại.
"Mặc dù giá có thấp hơn thời điểm trước khi có dịch đôi chút, nhưng cũng là tín hiệu lạc quan khi thị trường hoa kiểng đã khởi động trở lại", ông Sáu chia sẻ.
Tương tự, các nhà vườn trồng mai ở làng mai Phước Định, tỉnh Vĩnh Long cũng bắt đầu khởi động lại việc mua bán.
Ông Lê Văn Tý - Giám đốc HTX làng nghề mai vàng Phước Định, cho biết: "Năm nay việc mua bán mai vàng tại làng mai giảm đáng kể. Tuy nhiên, khi thích ứng với trạng thái bình thường mới, bà con đã khôi phục sản xuất. Đến thời điểm hiện tại, các thành viên của HTX vô chậu khoảng 300 gốc mai vàng cung ứng thị trường Tết Nhâm Dần 2022".
Mặc dù thị trường đã khởi sắc trở lại, nhưng theo nhiều nhà vườn, đối với vụ hoa Tết bà con vẫn rất cẩn trọng.
"Năm nay gia đình dự kiến sản xuất hơn 6.000 chậu hoa các loại, tập trung chủ yếu là cúc và mai dạ thảo. Số lượng giảm khoảng 20 - 30% so với năm trước nhưng như vậy sẽ hạn chế rủi ro khi thị trường được dự báo sẽ giảm sức mua đáng kể", ông Lương Tấn Tài người có thâm niên hơn 40 năm trồng hoa kiểng ở làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ (TP.Cần Thơ), cho hay.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP.Sa Đéc, năm nay diện tích trồng hoa kiểng khoảng 697ha, giảm 50-60% so với mọi năm.
Đẩy mạnh kết nối, tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử
Nhìn chung, tại các làng hoa kiểng, nhà vườn chủ động giảm diện tích, số lượng. Thay vào đó, để phục vụ tốt cho thị trường Tết, ngoài 20-30 dòng hoa truyền thống, các nhà vườn trồng đã nghiên cứu và tìm kiếm thêm nhiều giống mới, lạ để bổ sung vào bộ sưu tập độc đáo của mình.
Cụ thể như: Cúc tia, cúc đồng tiền mini siêu lùn, cúc họa mi, hỏa châu, thạch thảo đỏ, một số cúc giống mới được lai tạo từ Viện Cây ăn quả miền Nam...
Theo ông Trần Văn Tiếp, Chủ nhiệm Hội quán "Tôi yêu màu tím", TP.Sa Đéc, dù ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng nông dân nơi đây vẫn thích ứng, tập trung xuống giống sản xuất với đủ các chủng loại hoa.
Bên cạnh đó, nông dân đã đưa ra thị trường nhiều giống hoa mới phù hợp với điều kiện khí hậu của địa phương như: Dâu tây, cúc mai với 8 màu khác nhau...với hy vọng giống hoa mới sẽ thu hút người mua.
Tương tự, trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nông dân trồng hoa kiểng TP.Cần Thơ cũng triển khai những giải pháp thích ứng.
Theo nhiều nhà vườn, thay vì chạy theo số lượng, năng suất như các năm trước, năm nay bà con tập trung vào hiệu quả, kịp thời nắm bắt thị trường và chủ động hơn trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Ông Đoàn Hữu Bốn - Giám đốc HTX Hoa kiểng Bình An, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, chia sẻ: "Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng tôi chủ động khuyến khích thành viên cùng chung tay vượt qua. Trong đó, chúng tôi triển khai bán hàng thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo...Cùng với đó, chủ động liên hệ với các đầu mối, doanh nghiệp truyền thống nhằm giảm nỗi lo đầu ra cho hoa, kiểng Tết".
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc - Trưởng phòng Kinh tế TP.Sa Đéc (Đồng Tháp), nhằm thích ứng linh hoạt trong tình hình mới, bà con đã mạnh dạn hơn trong việc nghiên cứu các giống hoa mới để tăng sức hút trên thị trường. Đồng thời tạo sự kết nối với các nhà vườn, các HTX trên địa bàn để quảng bá sản phẩm hoa kiểng trên các sàn thương mại điện tử, các website.
"Để thích ứng với dịch bệnh và định hướng cho người dân có nguồn tiêu thụ hoa kiểng lâu dài, ngoài khách hàng sẵn có thời gian qua đơn vị đã tổ chức tập huấn thương mại điện tử, hướng dẫn các hộ dân HTX, tổ hợp tác hoa kiểng, hội quán tham gia bán qua online, qua Facebook. Đến nay đã có khoảng 200 hộ nông dân, đơn vị tham gia bán hàng qua các sàn thương mại", bà Ngọc cho biết.
Bên cạnh đó, TP.Sa Đéc còn phối hợp với ngành nông nghiệp kết nối với TPHCM, An Giang và các tỉnh thành khác để đưa hoa kiểng vào giới thiệu trong các hội chợ triển lãm, các sự kiện cấp khu vực trong thời gian tới, giúp nông dân có thêm đầu ra.
Đặc biệt mới đây, TP.Sa Đéc đã giúp nông dân kết nối với doanh nghiệp ký kết tiêu thụ 2.500 giỏ kiểng trị giá khoảng 4 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.