Kiểm tra không báo trước

Vũ Lân Thứ năm, ngày 02/09/2021 09:26 AM (GMT+7)
Nếu thường xuyên kiểm tra, giám sát, trong đó có việc kiểm tra không báo trước, dứt khoát "bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ"! Sinh thời, Bác hồ đã ví việc kiểm tra như "ngọn đèn pha" soi rõ tình hình, cán bộ.
Bình luận 0

Qua thực tiễn lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, Đảng, Bác Hồ đã đúc kết và rút ra bài học kinh nghiệm quý báu về công tác kiểm tra. Trên báo Sự Thật, số ra ngày 30/11/1948, đăng bài "Một việc mà các cơ quan lãnh đạo cần thực hành ngay" của X.Y.Z, bút danh của Bác Hồ, trong đó có viết: "Có thể nói rằng: chín phần mười khuyết điểm trong công việc của chúng ta là vì thiếu sự kiểm tra". Cuối bài báo này, Bác Hồ chỉ rõ: "Nếu tổ chức việc kiểm tra chu đáo thì cũng như ngọn đèn pha. Bao nhiêu tình hình, bao nhiêu ưu điểm và khuyết điểm, bao nhiêu cán bộ chúng ta đều thấy rõ". Từ Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3/1982, Đảng ta đã đúc kết: "Lãnh đạo thì phải kiểm tra. Lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo". Điều này đã trở thành nguyên lý hoạt động của Đảng, Nhà nước ta, nhất là đối với những cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cách ngành, các cấp. 

Trong cuộc "chống dịch như chống giặc" hiện nay, hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là một trong những lãnh đạo nêu gương, thực hiện đúng tác phong "lãnh đạo thì phải kiểm tra". Cán bộ, đảng viên và người dân nước ta ấn tượng hơn nữa khi Thủ tướng Phạm Minh Chính với chiếc áo thấm đẫm mồ hôi, với phong cách Bác Hồ đã dạy "óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm" đi bộ xuống các "điểm nóng" dịch bệnh, đến từng tổ dân phố, điểm dân cư để kiểm tra, giám sát tình hình, hỏi han, động viên, chia sẻ những khó khăn, vất vả của lực lượng tuyến đầu cũng như của đồng bào mình trong cơn gian khó.

Đặc biệt, người dân rất ấn tượng tác phong và tâm đắc khi Thủ tướng kiểm tra, thị sát đột xuất, không báo trước ở một số địa bàn dân cư cơ sở. Chẳng hạn, Tổng đài 115, 1022, số điện thoại các đội phản ứng nhanh và trạm y tế lưu động được xem là "phao cứu sinh" cho người dân trong bối cảnh "ai ở đâu, ở yên đó". Thế nhưng qua đó, Thủ tướng thấy rõ thực tế, có những nơi, "đường dây nóng" nhưng lại thường  "nguội lạnh" vì không có người trực, mà trả lời thì cũng không nhiệt tình, kém thuyết phục khi người dân thắc mắc.

Nhờ có quyết liệt trong thị sát, kiểm tra, nhất là cuộc kiểm tra đột xuất của Thủ tướng chiều 31/8, ngay nơi nóng nhất của dịch ở Hà Nội là phường Thanh Xuân Trung đã cho thấy, tuy tình tình cấp thiết "chống dịch như chống giặc", ấy vậy mà vẫn còn nhiều lỗ hổng, sơ hở trong "pháo đài" Thủ đô. Trước tình hình đó, ngay tại trụ sở phường Thanh Xuân Trung, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc trực tuyến với lãnh đạo thành phố Hà Nội, các quận, huyện và gần 580 xã, phường, thị trấn, nghe báo cáo tình hình, chỉ ra điểm mạnh điểm yếu và có những chỉ đạo ngay lập tức để củng cố "pháo đài". Như vậy, qua kiểm tra, chúng ta kịp thời nhìn ra những khuyết điểm, lỗ hổng, hy vọng sớm khắc phục để mau chóng trở lại cuộc sống bình thường.

Kiểm tra không báo trước - Ảnh 2.

Thủ tướng kiểm tra tình hình tại ngõ 328 đường Nguyễn Trãi, ổ dịch nóng nhất tại Hà Nội thời gian qua - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Nhân ngày Quốc khánh 2/9 năm nay, nêu vài ví dụ về việc kiểm tra và kiểm tra không báo trước của Thủ tướng Chính phủ vừa qua, lại nhớ đến nhiều cuộc thị sát, kiểm tra không báo trước của Bác Hồ lúc sinh thời. Có rất nhiều chuyện về những chuyến kiểm tra không báo trước của Bác Hồ, ngay cả cái Tết Nguyên đán vào năm đầu tiên nước nhà độc lập, Bác Hồ cũng cải trang thành người bình thường ra Hồ Gươn để xem đồng bào ta vui Tết thế nào.

Một trong những chuyện cảm động được kể đi kể lại nhiều lần, cũng là câu chuyện điển hình của việc "kiểm tra không báo trước". Tết năm ấy, năm Nhâm Dần (tức là ngày 5 tháng 2 năm 1962), sau khi cùng lãnh đạo Thành phố Hà Nội đi thăm một số gia đình và vui Tết với thiếu nhi tại Cung văn hóa gần Hồ Hoàn Kiếm, Bác Hồ nói với đồng chí Chủ tịch UBND thành phố, bác sĩ Trần Duy Hưng, để Bác tự đi thăm một số gia đình nữa. Cùng đi với Bác có đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác và đồng chí Phan Văn Xoàn, Cục Cảnh vệ, và hai đồng chí nữa. Sau này, đồng chí Phan Văn Xoàn kể lại: 

"Một tháng trước Tết, Bác Hồ gọi cục phó Cục Cảnh vệ Phan Văn Xoàn lên giao một nhiệm vụ đặc biệt mà chỉ có hai bác cháu biết: "Chú tìm cho bác một gia đình nghèo nhất ở Hà Nội, Bác sẽ đi thăm họ lúc giao thừa!".

Tôi có một tháng để đi khắp Hà Nội tìm cho ra một người nghèo nhất.

Hà Nội ngày ấy không giàu, nhưng để tìm ra người "nghèo nhất" vẫn là một thách đố đặc biệt. Tôi liên hệ nhiều nơi, gặp nhiều người vẫn chưa xác định được ai "nghèo nhất". Cho đến một ngày, một anh công an địa bàn gọi bảo tôi thử tới thăm một người phụ nữ gánh nước thuê ở khu vực anh. Chúng tôi ghé vào một ngõ sâu trên phố Hàng Chĩnh, đó là một ngôi nhà tăm tối, phên liếp tạm bợ, bên trong chỉ có một chiếc giường tre và vài ghế gỗ lăn lóc. Bàn thờ lạnh tanh hương khói, mạng nhện bao phủ - dù đang là những ngày giáp Tết. Có bốn đứa trẻ đang nằm ngồi vật vạ chờ mẹ mang gạo về. Chúng đói. Chủ ngôi nhà ấy là một người phụ nữ ngoài 40 tuổi, tên Nguyễn Thị Tín, góa chồng. Chị là công nhân thất nghiệp và từ lâu nay sống bằng nghề gánh nước thuê. Với chị, tương lai và sự nghiệp của gia đình chỉ là con số 0.

Sau đó, tôi về báo cáo với Bác rằng, nhiệm vụ Bác giao tôi đã làm xong. Bác gật đầu.

Tối giao thừa ấy, như thường lệ, Bác Hồ đi với đại diện Thành ủy Hà Nội thăm vài gia đình trong kế hoạch. Khoảng 11 giờ tối, Bác nháy mắt với tôi ngụ ý: Giờ đến chương trình của các Bác cháu mình! 

Chúng tôi tách đoàn, gồm năm người: Bác, anh Vũ Kỳ thư ký của Bác, một cán bộ địa phương, tôi và một vệ sĩ khác cùng hướng về phố Hàng Chĩnh. Bác mặc áo bông, quần vải gụ, đi dép cao su, đội mũ len đen và quấn khăn choàng cổ. Không hóa trang nhưng phải nhìn kỹ một tí mới nhận ra Bác được.

 Xe dừng ngoài ngõ cách 200 mét, cả đoàn phải đi bộ vào. Tôi đi trước. Gần giờ giao thừa, hương đèn thắp sáng trên mọi bàn thờ. Con hẻm thật vắng và từ đằng xa, tôi thấy bóng chị Tín đang quảy đôi quang gánh đi ngược ra ngoài phố. Ngang mặt, tôi đứng lại và hỏi nhỏ: "Chị Tín phải không?". "Vâng ạ!". "Sắp giao thừa chị còn đi đâu?". "Tôi tranh thủ gánh thêm vài gánh lấy ít tiền mua quà bánh Tết cho các cháu, anh ạ!". "Chị về đi, có khách ghé thăm!".

Người phụ nữ nghèo khổ xoay người lại nhìn những vị khách, rồi chị bàng hoàng buông rơi đôi quang gánh, chạy bổ tới, quỵ xuống, ôm choàng lấy chân vị lãnh tụ rồi khóc nấc lên: "Trời, sao Bác lại đến thăm nhà cháu?". Bác Hồ rưng nước mắt: "Nhà cháu mà không đến thì đến nhà ai!". Mọi người im lặng. Tôi, thêm một lần nữa, ngước nhìn vị lãnh tụ đất nước mình, thấy Người cao hơn tất cả.

Vào nhà, chúng tôi chia nhau thắp nhang đèn, bày quà bánh Bác dặn mang theo, chia một ít cho bốn đứa trẻ đang ngồi chờ mẹ trên chõng tre giữa nhà. Căn nhà bừng sáng, Bác quay sang hỏi về những đứa trẻ: Các cháu có đi học không? Chị Tín ngập ngừng: "Thưa, có ạ, nhưng thất thường lắm, ngày có ngày không. Chồng mất, cháu thất nghiệp, gánh nước thuê…". Hỏi: Gánh nước thuê có đủ sống không? Ðến đây thì chị òa khóc: "Lo cái ăn từng ngày thôi, thưa Bác!". "Giờ cháu có muốn làm việc không?". "Thưa Bác, hoàn cảnh cháu thì không biết nói sao nữa, cháu muốn có chỗ làm để nuôi con, nhưng tứ cố vô thân, ai nhận cháu?". Bác gật đầu không nói gì.

Gần 12 giờ, mọi người chúc Tết chị Tín và ra về. Lúc này ngoài đầu ngõ, tin Bác Hồ đến thăm nhà mẹ góa con côi của chị Tín đã bất ngờ lan truyền. Hàng xóm rủ nhau khoảng mấy chục người dân đứng chật trong ngõ chờ Bác ra. Tôi hơi bối rối. Bất thình lình Bác bước lại phía mọi người, tiếng vỗ tay vang lên. Chờ mọi người im lặng, Bác nói:

"Bữa nay Bác vui vì tình cờ gặp các cụ, các cô chú, nhưng Bác cũng rất buồn vì mới từ nhà cô Tín ra. Giờ này sắp giao thừa, các cô chú có biết cô Tín còn đi gánh nước thuê không? Tại sao cả một khu phố vầy mà không thấy ai quan tâm đến một gia đình như cô Tín?". Im lặng, một đại diện khu phố nhận lỗi, hứa sẽ quan tâm nhà chị Tín. Bác tiếp tục: "Bác muốn nói về tinh thần "lá lành đùm lá rách" trong khu phố, nhưng cái lớn nhất vẫn là trách nhiệm của Chính phủ...".

Bước lên xe, đó là năm đầu tiên tôi thấy đi chúc Tết người dân về mà Bác thật buồn. Người quay sang nói: "Các chú thấy chưa? Hôm nay mình đã đi đúng người thật, việc thật rồi, nếu mà mình báo trước với thành phố, hỏi nhà nào nghèo nhất thì chắc chắn không phải là nhà cô Tín rồi…".

Về nơi Bác ở, Bộ Chính trị đã tập họp để chúc Tết Bác và cùng đón giao thừa. Bác ngồi vào ghế, mọi người ngồi xung quanh. Bác im lặng một tý rồi nói từ từ:

"Bữa nay tôi có chuyến thăm một nhà nghèo nhất Thủ đô Hà Nội. Cô Tín, chủ nhà, giờ này còn phải đi gánh nước thuê để có tiền mai mua gạo cho con. Chúng ta đã quá quan liêu để không biết những câu chuyện như vậy ở ngay tại Thủ đô đất nước mình. Tôi biết không chỉ có một nhà như chị Tín đâu, người nghèo còn nhiều. Một đảng cầm quyền mà để người dân mình nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Ðảng với nhân dân...". 

                  


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem