Được hỗ trợ sản xuất theo chuỗi, nông dân xứ Quan họ thu lợi cao

Thu Hà (thực hiện) Thứ sáu, ngày 27/10/2017 16:50 PM (GMT+7)
Các cấp Hội ND tỉnh Bắc Ninh đã hỗ trợ hội viên, ND hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và an toàn. NTNN trao đổi với ông Trần Đăng Sâm - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Ninh.
Bình luận 0

img

Ông Trần Đăng Sâm  - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Ninh

Thưa ông, được biết UBND tỉnh vừa hoàn thiện Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn”, vậy Hội ND tỉnh đã tham gia thực hiện đề án như thế nào?

-Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều bếp ăn tập thể cung cấp hàng vạn suất ăn mỗi ngày cho công nhân trong các khu công nghiệp; Bắc Ninh là cửa ngõ thủ đô Hà Nội – nơi cung cấp nguyên liệu thực phẩm cho Hà Nội, vì vậy, hàng ngày trên địa bàn tỉnh có khối lượng lớn hàng hóa, thực phẩm lưu thông trên thị trường... Bên cạnh đó, tỉnh chưa có một tổ chức thống nhất để tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP); chưa có lực lượng thanh tra chuyên ngành tập trung, thống nhất “đủ mạnh” để tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP…

Xuất phát từ thực tế của địa phương, UBND tỉnh vừa hoàn thiện Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn”. Trong đó có nội dung từ nay đến năm 2022, tỉnh sẽ thực hiện 7 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về đảm bảo an toàn thực phẩm; kiểm soát chặt chẽ quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn; xây dựng các chuỗi sản xuất giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm có truy xuất nguồn gốc…

img

Được Hội ND tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ, nhiều hộ nuôi thỏ ở xã Phú Hòa (Lương Tài) đã liên kết nuôi thỏ xuất khẩu đi Nhật và có thu nhập ổn định. Ảnh: T.H

Là 1 trong những đơn vị được UBND tỉnh giao phối hợp tham gia đề án này, Hội ND tỉnh đã tích cực và chủ động thực hiện công tác tuyên truyền bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho từng đơn vị; tổ chức vận động tới hộ gia đình ND không sử dụng chất cấm, hóa chất độc hại trong trồng trọt, chăn nuôi; đẩy mạnh việc hướng dẫn hội viên, ND áp dụng một số kỹ thuật mới trong trồng trọt và chăn nuôi để nâng cao chất lượng thực phẩm...

Hội cũng giao cho Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND tỉnh thực hiện đề án “Hỗ trợ ND kinh phí sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ trong việc chăn nuôi, trồng trọt trong giai đoạn 2018-2022”.

Vậy, Hội ND tỉnh Bắc Ninh đã có những biện pháp cụ thể gì để hỗ trợ ND xây dựng các mô hình các vùng sản xuất tập trung theo hướng an toàn, thân thiện với môi trường, thưa ông?

- Hằng năm, các cấp Hội ND đã phối hợp với các ban, sở, ngành, đơn vị liên quan tổ chức trên 180 lớp dạy nghề cho trên 5.400 lao động nông thôn; hơn 1.700 lớp tập huấn chuyển giao KHKT cho khoảng 138.000 lượt người tham dự; 150 cuộc hội thảo đầu bờ trình diễn các mô hình ứng dụng tiến bộ KHKT, cây con giống mới...

Nhằm tạo “bệ đỡ” cho ND trong các mô hình liên kết sản xuất an toàn, Hội ND tỉnh đã xây dựng đề án vay vốn cho các tổ từ chương trình ký kết với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Hiện, Hội ND các cấp đang tín chấp cho trên 29.000 lượt hộ ND vay vốn với dư nợ trên 590 tỷ đồng tại Ngân hàng NNPTNT, Ngân hàng CSXH và Ngân hàng Sacombank.

Đặc biệt, Hội ND tỉnh đang quản lý hơn 45 tỷ đồng nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ ND giải ngân thực hiện hiệu quả hơn 100 dự án sản xuất phát triển kinh tế. 

Thông qua các dự án vay vốn Quỹ HTND, nông dân từ làm ăn nhỏ lẻ, thì nay đã biết cách liên kết, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp làm ra an toàn và có chất lượng cao. Điển hình như vùng trồng măng tây xanh an toàn theo hướng VietGAP tại xã Thái Bảo, Vạn Ninh, Cao Đức (Gia Bình) thu trên 500 triệu đồng/ha/vụ; vùng khoai tây ở Việt Hùng, Quế Tân (Quế Võ) đạt trên 50 triệu đồng/ha/vụ.

Hay như dự án nuôi thỏ xuất đi Nhật ở Lương Tài, các hộ đã liên kết thành lập HTX nuôi thỏ Việt - Nhật xã Phú Hòa, thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn an toàn trong chăn nuôi, thịt thỏ thương phẩm được công ty của Nhật Bản ký kết bao tiêu. Nhờ đó, các hộ nuôi thỏ trong HTX có thu nhập ổn định, người thấp nhất là 100 triệu đồng/năm, người cao nhất đạt 500 triệu đồng/năm

Bên cạnh đó, Hội ND tỉnh cũng tích cực phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện Đề tài “Khảo nghiệm lựa chọn một số tổ hợp cà chua mới trồng trong vụ xuân hè và thu đông”, Đề tài “Ứng dụng chế phẩm phân bón hữu cơ vi sinh EMZ-USA, xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap” và Đề án “Hỗ trợ lãi suất mua phân bón trả chậm cho nông dân”. 

Các cấp Hội đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành xây dựng và thành lập các mô hình kinh tế tập thể, tổ hợp tác, câu lạc bộ nông dân…để giúp nông dân trao đổi, học tập kinh nghiệm trong sản xuất, tiếp cận những tiến bộ KHKT mới, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm đảm bảo ổn định, lâu dài.

Được biết thời gian qua, Hội ND tỉnh còn có sáng tạo với việc chọn nhân tố “ND giỏi” để xây dựng các mô hình liên kết sản xuất an toàn và theo chuỗi?

- ND sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi là lực lượng luôn đi đầu trong sáng tạo và ứng dụng khoa học kỹ thuật và tham gia phát triển kinh tế. Thông qua phong trào ND thi đua SXKD giỏi, Hội đã lựa chọn các ND giỏi tiêu biểu để hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển lên thành doanh nghiệp ở nông thôn. Các doanh nghiệp ND này đã chủ động kết nối cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra, tạo việc làm không chỉ cho chính họ mà còn cho hàng nghìn ND khác.

Điển hình như anh Nguyễn Đăng Cường ở xã Đại Đồng Thành (huyện Thuận Thành) hiện không chỉ nuôi vịt trời cung cấp cho thị trường trong nước mà còn chế biến vịt trời hun khói xuất khẩu đi Hàn Quốc, thành lập Công ty Lucavi  tạo việc làm và thu nhập cho hàng chục lao động địa phương.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem