Đường nhập khẩu tăng khủng khiếp, bất chấp điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp

Trần Khánh Thứ năm, ngày 22/04/2021 14:10 PM (GMT+7)
Bất chấp Quyết định điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp, đường nhập khẩu chính ngạch lẫn đường nhập lậu vẫn tăng đột biến. Ngành mía đường vẫn chồng chất khó khăn.
Bình luận 0

Bùng nổ nhập khẩu đường

Tháng 9/2020, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 2466 về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan (gọi tắt: Quyết định).

Số liệu của Tổng cục Hải Quan Việt Nam cho thấy trong tháng 2/2021, một khối lượng đường khá lớn tiếp tục nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.

Tính riêng tháng 2, tổng lượng đường nhập khẩu là 163.881 tấn; trong khi nhập khẩu tháng 1/2021 chỉ 120.510 tấn.

Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đánh giá, đây là khối lượng đường nhập khẩu rất đáng kể trong bối cảnh khủng hoảng vận chuyển container trên thế giới.

Kịch bản xấu được đặt ra, nếu không khủng hoảng vận chuyển, có khi khối lượng đường nhập khẩu đã lớn hơn nhiều.

Còn tính chung từ tháng 1/2020 đến 9/2020, trước khi có Quyết định điều tra, lượng đường nhập khẩu bình quân mỗi tháng là 116.353 tấn.

Sau khi có Quyết định điều tra, từ tháng 10/2020 đến 2/2021, lượng đường nhập khẩu bình quân mỗi tháng 165.250 tấn.

Như vậy, mức độ nhập khẩu tăng 142% so với trước khi có quyết định điều tra.

Lượng đường nhập khẩu trước và sau khi có Quyết định điều tra. VSSA

Lượng đường nhập khẩu trước và sau khi có Quyết định điều tra. VSSA

Theo VSSA, Lượng đường nhập khẩu này với ưu thế giá rẻ đã hoàn toàn bịt đầu ra của đường sản xuất từ mía trong nước.

Điều này khiến đường sản xuất trong nước buộc phải tồn kho hoặc giảm giá, khiến nhà máy không có tiền trả tiền mía cho nông dân. Chuỗi liên kết nông dân – nhà máy đường bị hủy hoại, gây ra thiệt hại khó có khả năng khắc phục cho ngành mía đường Việt nam.

Đáng lo hơn là trong tháng 2 vẫn tiếp tục ghi nhận dấu hiệu của động thái lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.

Số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tình trạng nhập khẩu đường vào thị trường Việt Nam (từ 5 quốc gia Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Indonesia) gia tăng ở mức độ bùng nổ so với trước khi có Quyết định điều tra.

Theo VSSA, bản chất của 5 quốc gia này không phải là nước xuất khẩu đường đúng nghĩa, mà là các nhập khẩu đường, đặc biệt là nhập khẩu đường từ Thái Lan với tỷ lệ lớn.

Cơ quan chức năng kiểm tra đường nhập lậu. Ảnh Thế Nhân

Cơ quan chức năng kiểm tra đường nhập lậu. Ảnh Thế Nhân

Khó kiểm soát đường nhập lậu và gian lận thương mại

Báo cáo tình hình sản xuất mía đường tháng 3/2021 của VSSA cho biết, tình hình gian lận thương mại đường nhập lậu vẫn gia tăng tần suất hoạt động.

Tất nhiên, việc giao dịch đường nhập lậu được điều chỉnh quy trình để trở nên kín kẽ và thận trọng hơn trước.

Số liệu Tổng cục Hải quan tháng 2 cho thấy, hoạt động nhập khẩu đường qua các cửa khẩu biên giới Tây Nam với Campuchia và Lào tiếp tục tăng đột biến về lượng.

Nguy hiểm ở chỗ hoạt động nhập khẩu này chứa đựng những dấu hiệu bất thường. Theo đó, giá khai báo nhập khẩu thấp hơn giá nhập khẩu bình quân tại các cửa khẩu khác, và thấp hơn cả đường nhập khẩu trực tiếp từ Thái Lan

Chỉ cần tem phụ (không thể truy xuất thông tin) dán lên bao đường nước ngoài đi kèm hóa đơn (có thể quay vòng) là có thể thoải mái lưu thông mà các cơ quan chức năng không thể làm gì được.

Một dấu hiệu bất thường khác là cần khối lượng bao nhiêu các đầu nậu cũng có thể đáp ứng. Đến cuối tháng 3/2021, loại đường nhập lậu từ Campuchia và Lào hoàn toàn làm chủ thị trường tự do, báo cáo nêu.

Theo VSSA, đường nhập khẩu vẫn đang gây thiệt hại nặng cho mía đường trong nước

Theo VSSA, đường nhập khẩu vẫn đang gây thiệt hại nặng cho mía đường trong nước

VSSA cảnh báo, nếu không sớm tìm được giải pháp khắc chế gian lận thương mại đường nhập lậu, triển vọng phục hồi của ngành mía đường Việt Nam sẽ vô cùng khó khăn.

Giá đường sụt giảm

Cũng theo Báo cáo tỉnh hình sản xuất mía đường VSSA, đa số các nhà máy đã hoàn thành vụ mía 2020-2021 vào trong tháng 3 vừa qua.

Lũy kế đến cuối tháng 3/2021, toàn ngành đã ép được 5,8 triệu tấn mía; sản xuất được hơn 600.000 tấn đường.

So sánh cùng kỳ vụ trước, sản lượng mía ép đạt 76,6%; sản lượng đường đạt 84,6%.

Ước tính sản lượng đường của vụ 2020-2021 sẽ đạt khoảng trên dưới 700.000 tấn, thấp hơn vụ trước 2019/20.

Triển vọng phục hồi của ngành mía đường Việt Nam sẽ vô cùng khó khăn nếu không sớm khắc chế gian lận thương mại đường nhập lậu

Nhiều năm nay, ngành đường chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bỡi sự tàn phá của nguồn đường phá giá có nguồn gốc nhập khẩu, cộng với tác động của biến đổi khí hậu ở các vùng trồng mía.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền tổng thư ký VSSA, các số liệu trên đây đã bộc lộ thiệt hại vô cùng nghiêm trọng mà ngành đường Việt Nam đang gánh chịu.

Giá đường thô và đường trắng trên thế giới dao động theo xu hướng giảm, bắt đầu từ cuối tháng 2/2021. Một phần nguyên nhân do sự sụt giảm giá dầu và động thái phong tỏa ở nhiều quốc gia do Covid-19.

Trong nước, đường có nguồn gốc nhập khẩu, cả  chính ngạch và nhập lậu vẫn tiếp tục làm chủ thị trường nhờ ưu thế giá rẻ (thuế chỉ có 5%).

Đường sản xuất từ mía của các nhà máy đang gặp khó vì đã nâng giá mía lên từ trước đó cho nông dân. Việc này khiến giá thành tăng nên không thể tiêu thụ được trước sự cạnh tranh của các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu.

Đa số các nhà máy đã hoàn thành vụ mía 2020-2021 vào trong tháng 3 vừa qua

Đa số các nhà máy đã hoàn thành vụ mía 2020-2021 vào trong tháng 3 vừa qua

VSSA cho biết, cuối tháng 3, một số nhà máy đã chủ động giảm giá để có tiền thanh toán mía cho nông dân. Tuy nhiên, thị trường hầu như bị các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu phong tỏa.

Đầu tháng 3, tại TP.HCM, giá đường kính trắng 16.800-17000 đồng/kg; đường tinh luyện 17.800-18.000 đồng/kg; đường vàng 16.600 đồng/kg. Trong khi giá đường nhập khẩu là 16.200 đồng/kg.

Đến cuối tháng 3, giá đường kính trắng tại TP.HCM giảm còn 16.400-16.700 đồng/kg; đường tinh luyện còn 17.600-17.700 đồng/kg; đường vàng là 16.500 đồng/kg. Trong khi đường nhập khẩu là 16.100 đồng/kg.

Tình giá giảm cũng diễn biến tương tự ở khu vực miền Bắc và miền Trung.

Đến cuối tháng 3, giá đường của Việt Nam vẫn tiếp tục nằm ở mức thấp hơn so với giá đường nội địa của các nước Asean và Trung Quốc.

Đánh giá tình hình tháng 3 vừa qua, theo VSSA, đường sản xuất từ mía ở trong nước vẫn đang tồn kho, không tiêu thụ được. Dự kiến vụ ép 2020-2021 của ngành đường Việt Nam sẽ kết thúc trong tháng 4.

VSSA cho biết, các loại đường có nguồn gốc nhập khẩu (cả chính ngạch và nhập lậu) vẫn hoàn tòan làm chủ thị trường, bất chấp khủng hoảng logistic đối với đường chính ngạch và kiểm soát biên giới đối với đường nhập lậu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem