"Ép" cây ra quả theo ý muốn, không khéo sẽ thiệt hại nặng

Huỳnh Xây Thứ tư, ngày 23/08/2017 18:40 PM (GMT+7)
Thu hoạch nông sản mùa nghịch, nhiều hộ dân nghèo ở ĐBSCL trở nên khá giả. Hiện nay, xu hướng sản xuất này ngày càng được chú trọng nhân rộng nhằm tránh tình trạng “được mùa mất giá”. Tuy nhiên, trong xử lý cho cây ra trái nghịch vụ, nhiều người dân cho rằng phải hết sức thận trọng, không khéo sẽ gây thiệt hại nặng nề.
Bình luận 0

Tăng thu nhập nhờ cho ra trái nghịch vụ

Nhiều năm nay, ông Võ Văn Tước (ngụ ấp Tân Dương, xã Tân Thành, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) được người dân địa phương gọi là “vua khoai lang”. Lý do là vì ông chỉ trồng khoai nghịch vụ và không lo giá bán thấp như những hộ cùng trồng khoai lân cận.

Theo ông Tước, trước đây do không có kinh nghiệm nên ông trồng khoai lúc nào cũng gặp cảnh “được mùa mất giá”, riêng mùa nước nổi thì ngập úng. Gia đình ông có 6 nhân khẩu cũng vì thế mà luôn khốn khó.

img

Nhờ trồng nghịch vụ mà nhãn Ido của ông Phúc luôn được giá cao.  Ảnh: H.X

Theo phóng viên tìm hiểu, nhờ cách làm trên mà gia đình ông Tước thu lợi nhuận cao. Không dừng lại ở đó, “cứ sau mỗi mùa vụ, gia đình tôi lại tích góp tiền để mua thêm đất mở rộng quy mô sản xuất. Từ 1ha ban đầu, hiện gia đình đã có đến 3ha”- ông Tước nói.

Với cách sản xuất khoai trong mùa nghịch, trung bình mỗi vụ khoai, ông thu lợi nhuận khoảng từ 1-1,5 tỷ đồng. Ông Tước cho biết: “Tôi xuống giống khoai tím Nhật vào trung tuần tháng 7 âm lịch, đến rằm tháng Chạp sẽ thu hoạch. Tiếp đó, tôi cho nước vào xử lý đất và xuống giống vụ 2, đến cuối tháng 6 sẽ thu hoạch. Xong 2 vụ, tôi tiến hành sạ lúa”.

Ông Nguyễn Văn Phúc (ấp Vàm Lịch, xã Chánh An, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) cũng thu tiền tỷ từ việc cho nhãn Ido ra trái nghịch vụ. Theo ông Phúc, năm 1992, do trồng lúa không hiệu quả, ông bắt đầu vào việc cải tạo đất, lên liếp để trồng nhãn Ido. Lúc nhãn cho trái, ông thường chỉ bán được với giá thấp nên nghĩ cách cho cây ra trái nghịch vụ.

Theo Sở NNPTNT các địa phương ĐBSCL, việc sản xuất trái cây nghịch vụ là cần thiết, tuy nhiên phải hướng đến tính bền vững, tránh xử lý chất hóa học làm   ảnh hưởng không tốt đến sức sống của cây, sẽ dẫn đến việc phát sinh ra nhiều bệnh mới, đặc biệt là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt như hiện nay.

Ông Phúc kể: “Tôi cho nhãn Ido ra trái nghịch vụ bằng cách chăm sóc cây nhãn phát triển thật tốt, rồi phun phân kali (2 đến 3 lần, mỗi lần phun cách nhau 1 tuần) trên lá, thân cây và bón thêm KClo3 dưới gốc nhãn”.

Với cách xử lý cho ra trái theo ý muốn và chăm sóc tốt, nhãn Ido của ông Phúc có tuổi thọ trung bình từ 3-8 năm và luôn cho năng suất rất cao từ 500-1.000kg trái/cây (cao gấp 2-3 lần so với nhãn xuồng, nhãn da bò). Mỗi năm ông thu hoạch trên 120 tấn nhãn, đem về lợi nhuận gần 2 tỷ đồng.

“Giống nhãn Ido của tôi thơm ngon nên đến khi thu hoạch, thương lái, doanh nghiệp ở Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre... đều đổ về đây để ký hợp đồng thu mua, sau đó họ xuất bán sang Mỹ, Nga, Trung Quốc...”- ông Phúc chia sẻ.

Thận trọng kẻo “xôi hỏng bỏng không”

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre, ngoài cây dừa, toàn tỉnh này hiện có hàng chục nghìn ha sầu riêng và chôm chôm (tập trung tại huyện Chợ Lách và Châu Thành). Để tránh tình trạng rớt giá, thời gian gần đây, rất nhiều hộ dân chọn cách xử lý để cây cho trái vụ nghịch. Để xử lý cho cây ra hoa vào thời gian mình muốn, người dân siết nước bằng cách rút nước trong vườn, mua cao su phủ gốc…

Nhiều hộ dân cho biết, cách xử lý cho trái nghịch vụ không những giúp tránh tình trạng “cung vượt cầu” mà còn giúp người dân “né” những thiệt hại trong mùa hạn, mặn cũng như những bất lợi khác của thời tiết khi cây ra hoa, cho trái. Bà Nguyễn Thị Hơn, ngụ tại xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách nói: “Thay vì để vườn cây ăn trái ra hoa, cho trái trong mùa hạn, mặn để rồi thiệt hại năng suất, thậm chí không có sản phẩm để bán thì mình né đi, chỉ cho ra trong mùa khác, an toàn và hiệu quả hơn”.

Ông Huỳnh Hữu Phước, cùng ngụ ở xã Tân Thiềng cũng cho biết: “Người dân trồng sầu riêng ở đây đang dần loại bỏ tập quán sản xuất chạy theo giá cả thị trường, biết ứng dụng các biện pháp kỹ thuật cho cây ra hoa nghịch vụ, tránh thu hoạch tập trung vào cùng thời điểm nên giá sầu riêng luôn đứng ở mức cao”.

Tuy nhiên, trong xử lý cho cây ra trái nghịch vụ, nhiều người dân cho rằng phải hết sức thận trọng, không khéo sẽ gây thiệt hại nặng nề. Nguyên nhân là do để xử lý trái ra nghịch vụ không phải là chuyện dễ. Để làm được điều này, nhà vườn phải có chi phí đầu tư cao, nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và phải có sự kiểm chứng xem “sức khoẻ” của cây có đủ mạnh để ra hoa trong thời gian nghịch vụ hay không. Ngoài ra, nhà vườn cần phải tìm hiểu rõ nhu cầu thị trường lúc thu hoạch mùa nghịch.

Thực tế, tại huyện Chợ Lách (Bến Tre) và huyện Phong Điền (TP.Cần Thơ), nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác có thu nhập cao từ việc cho trái nghịch mùa để phục vụ du lịch và cung ứng tại các chợ đầu mối. Thế nhưng, cũng có những địa phương, người dân cho trái nghịch vụ vẫn gặp cảnh “được mùa mất giá”.

Để tránh những thiệt hại đáng tiếc có thể xảy ra đối với nông dân trong quá trình cho trái ra nghịch vụ, thời gian qua, Sở NNPTNT, Sở KHCN các địa phương trong vùng đã phối hợp với nhiều đơn vị có liên quan để thực hiện đề tài nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật về nông sản nghịch mùa. Đến nay, rất nhiều loại nông sản có thể áp dụng cách làm này như: xoài, sầu riêng, bưởi Năm Roi, bòn bon, chôm chôm, nhãn, mận, chanh...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem