Nhiều lần nước mắt bà Mai lăn dài vì bị lừa, bị cướp tiền giữa nơi đất khách quê người nhưng niềm tin chồng mình không phải là thủ phạm của vụ án giết người, hiếp dâm trẻ em đã giúp bà vượt qua tất cả. Những cố gắng đó của bà Mai lại một lần nữa được tiếp thêm hi vọng bằng bản kiến nghị xử Giám đốc thẩm, hủy án tử hình đối với Hàn Đức Long do Tòa án Nhân dân (TAND) Tối cao ban hành mới đây.
Bà Mai – vợ tử tù Hàn Đức Long.
Hành trình kêu oan suốt 9 năm trời
Ngôi nhà của bà Mai nằm lọt thỏm dưới những tán cây rậm rạp, vắng đi những tiếng cười kể từ khi ông Long bị kết án tử hình. Nhưng ít ai biết, trong ngôi nhà nhỏ bé ấy có một người phụ nữ can trường đội nắng, đội mưa kiên nhẫn kêu oan cho chồng suốt 9 năm trời.
Bà phải đối chọi với bi kịch đã phá nát gia đình bà cách đây gần 10 năm. Vào khoảng 19h ngày 16.5.2005, vợ chồng anh Sơn, chị Liễu (ở xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên) đi làm về thì phát hiện con gái mình là cháu Nguyễn Thị Yến (SN 2000) bị mất tích. Sáng hôm sau, thi thể cháu Yến được tìm thấy ở ngoài đồng với nhiều dấu hiệu bị hiếp dâm. Sau 4 tháng điều tra, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang vẫn không xác định được hung thủ nên đã ra quyết định đình chỉ vụ án, đồng thời phát động quần chúng tố giác tội phạm.
Thời gian này, gia đình ông Hàn Đức Long (ở thôn Yên Lý, xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) có tranh chấp đất với gia đình hàng xóm là bà Ngô Thị Khuyến. Sau đó, bà Khuyến và con gái Trương Thị Năm viết đơn tố cáo ông Hàn Đức Long từng hiếp dâm hai mẹ con mình, đồng thời tố giác người đàn ông 55 tuổi này chính là kẻ hiếp dâm cháu Yến…
Theo sau ông Hàn Đức Minh – anh trai ruột của tử tù Hàn Đức Long qua nhiều ngã rẽ trên những đường nhỏ trong thôn Yên Lý, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi ông Minh quẹo vào một lối đi như một lối mòn trên rừng, toàn bùn và đá hộc. Đó là lối vào nhà ông Long.
9 năm trời gửi đơn đi kêu oan cho chồng, bà Mai đã gặp không ít khó khăn, nhiều khi phải đối mặt với nguy hiểm có thể ảnh hưởng tới mạng sống của chính mình. Chính sau những lần đi kêu oan, quen biết nhiều người cùng cảnh ngộ, bà Mai ngộ ra rằng trong xã hội cũng còn nhiều trường hợp như gia đình bà cần được đưa ra ánh sáng và công lý.
Rơm rớm nước mắt, bà Mai kể rằng sau khi chồng mình là ông Long bị tuyên án tử hình với 2 tội danh “Giết người” và “Hiếp dâm trẻ em”, bà đã gửi đơn cầu cứu các cơ quan chức năng trong tỉnh Bắc Giang cũng như ở Hà Nội nhưng đều “bặt vô âm tín”. Cực chẳng đã, bà Mai đã làm đơn gửi khắp nơi nhưng kết quả cũng không khả quan. Trong 9 năm từ 2005 tới nay, đôi chân bà Mai đã “đánh bóng” các con phố ở Bắc Giang, ở Hà Nội, đặc biệt là trụ sở tiếp dân của các cơ quan trung ương để kêu oan.
Ngày ông Long bị tuyên tử hình tại TAND tỉnh Bắc Giang, trời đất như sụp đổ, tất cả mọi thứ xung quanh trở nên tối tăm và chẳng còn ý nghĩa gì với bà Mai và hai con.
Cố gắng giữ bình tĩnh, không để giọt nước mắt lăn dài trên má, bà Mai thuật lại từng câu, từng chữ cái khoảnh khắc ông Long bị tòa tuyên án tử hình. Tiếng thét thất thanh, tiếng gào lạc mất giọng của anh Long sau khi biết mình bị tuyên án tử luôn luôn hằn sâu vào tâm trí bà Mai.
Bà kể: “Anh ấy hét to giữa phiên tòa: ‘Không phải tôi’ đồng thời hất đổ vành móng ngựa để thể hiện sự oan ức của mình, sau đó ngồi bệt xuống sàn đất khóc gào. Khi bị áp tải ra ngoài, chồng tôi bị ném lên xe chở phạm nhân như vứt một con lợn”.
Sau khi ông Long bị bắt, gia đình mất đi trụ cột làm kinh tế chính nên lâm vào cảnh khó khăn. Hai người con của bà Mai và ông Long đành phải nghỉ học để làm việc phụ giúp gia đình có đồng ra đồng vào. Cứ mỗi khi tích cóp được một số tiền nhất định, bà Mai lại dùng tất cả để làm lộ phí đi kêu oan cho chồng. Cùng với đó là sự trợ giúp của các bên gia đình nội, ngoại những người luôn thấu hiểu nỗi oan khuất thấu trời của gia đình bà Mai.
Không còn được gặp mặt chồng kể từ khi ông Long bị bắt, thì tới năm 2007 bất ngờ bà Mai nhận được thư của chồng với nội dung nhắn vợ vào trại thăm. Khi vừa thấy bóng vợ thấp thoáng ngoài cổng, ông Long đã khóc ròng nói với bà Mai: “Em ơi, anh oan quá…!”.
Ông Hàn Đức Minh – anh trai của Hàn Đức Long.
Bị kẻ cướp chửi vì chỉ có 50 nghìn đồng
Sau này, khi ông Long được chuyển lên xét xử tại Hà Nội, trước mỗi chuyến đi bà Mai phải dậy sớm đi bộ ra ngoài đường lớn bắt xe lên Hà Nội đồng thời nắm cơm để mang theo phòng khi đói.
Đôi mắt đượm buồn đã ướt vì những giọt lệ lăn dài trên má, bà Mai vẫn rùng mình khi nhớ lại lần bị một gã xe ôm trấn lột mất 50.000 đồng vì tưởng bà Mai là người giúp việc, mang tiền về quê.
Bà Mai sụt sùi kể: “Tôi lên Hà Nội kêu oan khi ông ấy bị chuyển lên xét xử tại đấy, trên đường đi về bị một gã xe ôm đèo tới một đường thuộc quận Long Biên. Hắn nói với tôi: "Có bao nhiêu tiền thì đưa ra đây, nếu để tao lục soát được tao giết chết". Khi đó, tôi sợ lắm nên cố gắng giải thích mình là người đi kêu oan cho chồng, không mang theo tiền nhưng hắn vẫn dọa nạt sẽ giết tôi. Chẳng còn gì để mất, tôi đứng ra giữa đường và nói: "Anh không tin thì kiểm tra và cùng lắm là giết tôi đi". Sau một hồi lục soát hắn lấy được 50.000 đồng của tôi và bỏ đi. Trước lúc đi, hắn còn quay lại chửi tôi vì chỉ có 50.000 trong người”.
Những đêm tá túc tại các nhà trọ rẻ tiền, nhìn những người cùng cảnh ngộ nằm la liệt, chen chúc nhau trong một không gian chật chội bà Mai nghĩ tới người chồng tội nghiệp của mình đang phải mang một nỗi oan ức thấu tận trời xanh. Càng nghĩ, bà Mai càng thương chồng nên quyết tâm kêu oan càng lớn hơn. Có nhiều khi vì không tìm được phòng trọ, bà Mai theo chân dòng người đi kêu oan nằm vạ vật ở vỉa hè, trong vườn hoa hay công viên…
Chặng đường 9 năm kêu oan, nhiều lúc cảm thấy vô cùng tuyệt vọng, nhưng bà Mai vẫn có một niềm tin vào sự công minh của pháp luật. Bà Mai chưa bao giờ nghĩ rằng chồng bà sẽ bị xử tử hình, bà chỉ có một mối lo duy nhất là sức khỏe của ông Long, sau gần 10 năm bị tù, chịu một nỗi oan ức như vậy, liệu có bị ốm yếu chết trong trại giam thì mọi công sức của bà lại thành công cốc hết.
Nhưng ông trời dường như cảm thông với những nỗ lực của bà, thành quả sau những lần vạ vật ở vỉa hè của bà Mai là ông Hàn Đức Long đã được đề nghị hủy án tử hình lần đầu vào năm 2009. Mới đây, TAND Tối cao ban hành bản kiến nghị xử Giám đốc thẩm, hủy án tử hình đối với Hàn Đức Long.
Căn bếp lụp xụp của gia đình bà Mai.
Ánh sáng cuối đường hầm
Chia sẻ về cảm giác khi nghe tin TAND Tối cao ban hành bản kiến nghị xử Giám đốc thẩm, hủy án tử hình với chồng mình, bà Mai lau nước mắt, kể tường tận những lần chồng mình được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xử Giám đốc thẩm hủy 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại từ đầu. Và tới năm 2011, TAND tỉnh Bắc Giang xử sơ thẩm lần hai và TAND Tối cao xử phúc thẩm lần hai vẫn y án. Những ký ức đau buồn đó khiến nụ cười trên môi bà Mai vừa nở đã vụt tắt, nước mắt chảy nhiều hơn.
Bà Mai nói: “Năm 2009, khi nhận được tin báo, tôi mừng lắm. Cứ nghĩ ông ấy sắp được về với gia đình là tôi lại khóc. Khóc vì quá sung sướng sau 4 năm ông ấy bị bắt cuối cùng cũng có ngày sự thật được tìm ra. Thế nhưng tới năm 2011 khi ông ấy lại bị tuyên án tử hình tôi buồn vô cùng, nhưng vẫn không mất niềm tin, vẫn giữ vững được ý chí kiên định rằng chồng tôi bị oan. Nên bây giờ khi nghe tin chồng tôi được hủy án tử hình lần hai, tôi cảm thấy cuộc sống này, xã hội này vẫn còn có công lý, vẫn còn có những người tốt giúp đỡ gia đình tôi.”
Ông Hàn Đức Minh, anh trai ruột ông Long bùi ngùi kể: “Ngày hôm đó sau khi nghe tòa tuyên án tử hình với Long, tôi đi ngoài đường, xe máy bị đứt dây ga mà không biết. Mấy đứa con tôi gọi điện nhưng tôi cũng chẳng biết gì, cứ thế dắt xe lang thang thôi. Lúc đó tôi chẳng thiết làm gì, cũng chẳng muốn gặp ai. Nếu em tôi có tội thì đã đành, đằng này nó không có tội còn những người có tội lại không ai dám tố cáo. Không ai lên tiếng để bảo vệ sự thật cả. Nhưng tới nay, sau chuỗi những ngày dài kêu oan cuối cùng em tôi cũng có cơ hội được minh oan về với gia đình vợ con. Điều này làm tôi cảm thấy cuộc sống vẫn còn những giá trị tốt đẹp, vẫn có những con người đã dám đứng lên bảo vệ người dân vô tội. Tôi sớm mong em tôi sẽ được trở về đoàn tụ cùng gia đình nó”.
(Theo Petrotimes)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.