Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội: Chuyển đổi số - “chìa khóa” cho nông nghiệp bứt phá

Bùi Hồng Liên Thứ năm, ngày 09/11/2023 19:00 PM (GMT+7)
“Hà Nội đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như hỗ trợ các nhà sản xuất, kinh doanh nắm bắt nhu cầu thị trường, đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm. Đây chính là “chìa khóa” để ngành nông nghiệp Thủ đô bứt phá, phát triển mạnh mẽ”.
Bình luận 0
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội: Chuyển đổi số - “chìa khóa” cho nông nghiệp bứt phá - Ảnh 1.

Bà Vũ Thị Hương - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội.

Đó là chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội - Vũ Thị Hương với phóng viên báo Nông thôn Ngày nay.

Xin bà cho biết, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã và đang triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp như thế nào?

- Nhằm thúc đẩy chương trình chuyển đổi số, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 4098, phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số thành phố Hà Nội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 239 về Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Hiện, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã và đang ứng dụng chuyển đổi số trong công tác quản lý, điều hành và triển khai các nhiệm vụ chuyên môn như: Tăng cường chuyển đổi số trong quản lý Nhà nước, chính phủ điện tử: Số hóa trong triển khai các nhiệm vụ; Đánh giá, chấm điểm, phân loại cán bộ qua phần mềm điện tử;…

Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ, tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho lãnh đạo, cán bộ ngành nông nghiệp, cán bộ khuyến nông về chuyển đổi số trong nông nghiệp; Tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ, trong đó có công nghệ số cho đối tượng là lãnh đạo HTX nông nghiệp; khuyến nông viên cơ sở, chủ trang trại, nông dân tiêu biểu,…

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội: Chuyển đổi số - “chìa khóa” cho nông nghiệp bứt phá - Ảnh 2.

Đại diện Hợp tác xã Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) giới thiệu về quy trình sử dụng mã QR để nhận diện sản phẩm rau. Ảnh: Ánh Ngọc

Bên cạnh đó, thường tổ chức các hội thảo liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trực tuyến, kết nối doanh nghiệp nhằm hỗ trợ tiêu thụ cho người sản xuất. Tổ chức các diễn đàn "Nhịp cầu nhà nông" trực tuyến nhằm kết nối người nông dân, chủ trang trại, HTX với các nhà khoa học, nhà quản lý, qua đó giúp người nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, đường lối, chính sách để áp dụng phát triển sản xuất,…

Việc đẩy mạnh tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng áp dụng chuyển đổi số vào các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh cho các hợp tác xã đã góp phần thực hiện quá trình chuyển đổi số thông qua ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực quản lý và phát triển bền vững nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu cho ngành nông nghiệp, đồng thời nâng cao nhận thức về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao đặc biệt công nghệ số vào hoạt động sản xuất, thu hoạch, tiêu thụ và chế biến gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, việc tổ chức các buổi toạ đàm về chuyển đổi số cũng đã đem lại những hiệu quả tích cực.

Vậy trong quá trình triển khai, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã gặp phải những thuận lợi, khó khăn và vướng mắc cần tháo gỡ ra sao?

- Một số khó khăn trong thực hiện chuyển đổi số phải kể đến là hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp cho ứng dụng công nghệ số còn thiếu và chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, người nông dân đang quen với tư duy, cách làm nông nghiệp truyền thống vì thế khả năng nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh, công nghệ điện tử còn hạn chế.

Ngoài ra, các định mức kinh tế - kỹ thuật cho các mô hình chuyển đổi số còn thiếu hoặc chưa có. Trong đó, phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh chưa có nhiều kinh nghiệm về ứng dụng, khai thác công nghệ. Thiếu thông tin về những công nghệ hiện có, thiếu kỹ năng để sử dụng công nghệ. Các doanh nghiệp cần vốn đầu tư nước ngoài do thiếu kỹ năng ứng dụng và xử lý công nghệ thông tin nên việc tiếp cận nguồn tài chính nước ngoài còn hạn chế.

Ở một góc độ khác thì doanh nghiệp, HTX còn hạn chế về nguồn lực tài chính cho chuyển đổi số: Các dự án chuyển đổi số có thể tốn rất nhiều kinh phí đầu tư, trong khi năng lực tài chính của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khá hạn chế.

Mặt khác, chưa nhiều HTX, trang trại trên địa bàn thành phố thực hiện được chuyển đổi số trong sản xuất. Nguyên do là các hộ sản xuất, hợp tác xã, trang trại trên địa bàn thành phố còn hạn chế về tiềm lực tài chính, nguồn nhân lực công nghệ cao, điều kiện tiếp cận công nghệ,....

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội: Chuyển đổi số - “chìa khóa” cho nông nghiệp bứt phá - Ảnh 3.

Mô hình trồng rau hữu cơ, tiêu chuẩn VietGap của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai tại huyện Gia Lâm.

Trên địa bàn thành phố đã có rất nhiều mô hình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả cao, bà có thể điểm qua một vài mô hình, điểm sáng cụ thể?

- Một số mô hình tiêu biểu phải kể đến như HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ). Với quy mô sản xuất trên diện tích 17,8ha, HTX là một trong những đơn vị tiên phong trong chuyển đổi số của Hà Nội. Hợp tác xã đã thực hiện chuyển đổi số trong 2 lĩnh vực là: Ứng dụng trạm cảnh báo thời tiết iMetos và Cụm công nghệ eGap. Trạm cảnh báo thời tiết iMetos giúp nông dân quản lý, giám sát sản xuất, điều chỉnh kế hoạch xuống giống, quy trình chăm sóc rau kịp thời khi thời tiết biến động. Còn công nghệ số eGap giúp hợp tác xã thực hiện việc truy xuất nguồn gốc điện tử cho từng hộ trồng rau, từng thửa ruộng rau.

Bên cạnh HTX Rau quả sạch Chúc Sơn thì HTX nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) cũng là một điểm sáng. Cụ thể, việc HTX đã đưa công nghệ 4.0 vào quản lý giám sát vùng sản xuất được triển khai trên quy mô hàng chục ha. Camera giám sát được lắp đặt trên cánh đồng, thông tin về ngày xuống giống, bón phân, chăm sóc đều được ghi chép đầy đủ thông qua nhật ký điện tử eGAP… Quy trình sản xuất lúa hữu cơ được camera ghi lại và lưu trữ theo thời gian thực về toàn bộ chuỗi sản xuất và người tiêu dùng có thể kiểm chứng qua trích xuất hình ảnh.

Ngoài 2 HTX kể còn có có rất nhiều HTX, đơn vị khác nữa trên địa bàn thành phố đã và đang có những thành tích nổi bật nhờ ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp,…

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội: Chuyển đổi số - “chìa khóa” cho nông nghiệp bứt phá - Ảnh 4.

Vùng rau an toàn Văn Đức (huyện Gia Lâm) phát huy hiệu quả từ hỗ trợ của khuyến nông.

Thời gian sắp tới, Khuyến nông Hà Nội sẽ có những dự định, kế hoạch gì để tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn?

- Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông sẽ tiếp tục tham mưu thành phố, Sở NNPTNT Hà Nội các chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp phù hợp, kịp thời, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp đúng hướng, hiệu quả.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các hội nghị, hội thảo, các mô hình khuyến nông về vai trò và lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý, sản xuất và tiêu thụ nông sản trong bối cảnh hiện nay.

Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho đội ngũ khuyến nông, hợp tác xã, hộ sản xuất…trên địa bàn; giới thiệu sáng kiến, cách làm sáng tạo hiệu quả của các đơn vị; mô hình điển hình về ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt công nghệ số vào sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ nông lâm thủy sản.

Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trên nền tảng internet để thông tin tuyên truyền, hướng dẫn, kết nối nông dân, hợp tác xã, cơ sở sản xuất với doanh nghiệp, cơ quan quản lý,… Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng mô hình chuỗi giá trị thông minh, hỗ trợ công nghệ; triển khai các dạng mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, áp dụng công nghệ số vào sản xuất,…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem