Giám sát vật tư nông nghiệp: Trung ương không làm thay địa phương

Mai Hương (thực hiện) Thứ bảy, ngày 25/04/2015 10:34 AM (GMT+7)
Từ góc nhìn quản lý của Bộ Công Thương – 1 trong 4 cơ quan phối hợp ở cấp Trung ương, ông Nguyễn Văn Thanh - Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đã trao đổi thẳng thắn với phóng viên NTNN về chương trình giám sát vật tư nông nghiệp (VTNN). 
Bình luận 0

Ông Nguyễn Văn Thanh nhận định: Lẽ ra việc giám sát này phải được thực hiện từ lâu rồi. Chúng ta đã gần như bỏ trống lĩnh vực này và chỉ mạnh ai nấy làm. Cho nên, việc phối hợp lần này giữa các bộ, ngành, đoàn thể là vô cùng quan trọng để lập lại trật tự trong lĩnh vực này, đảm bảo quyền lợi cho nông dân (ND) cũng như sự phát triển của nông nghiệp sạch, an toàn.

Thưa ông, nội dung phối hợp của Bộ Công Thương trong việc thực hiện giám sát VTNN cụ thể như thế nào?

img
Lực lượng chức năng kiểm tra nhãn mác thuốc bảo vệ thực vật tại Gia Lai. K.N.B
- Một trong những nội dung trong chương trình phối hợp của chúng tôi trong năm 2015 là xây dựng mô hình chỉ đạo điểm. Từ quý II đến hết năm, chúng tôi chọn địa bàn xây dựng mô hình điểm về chấp hành quy định pháp luật trong quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng VTNN hiệu quả, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường gắn với tiêu thụ sản phẩm. Thị trường thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón hiện nay khá lộn xộn, hàng giả, hàng lậu tràn lan, rất khó kiểm soát. Trước mắt, chúng tôi sẽ phối hợp tập trung giám sát 4 loại đầu vào VTNN là phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi công nghiệp, chất xử lý cải tạo môi trường (tập trung vào nuôi trồng thủy sản).

 

Việc tổ chức các đoàn đi giám sát thí điểm liệu có dẹp được nạn bát nháo của thị trường VTNN bấy lâu nay không, thưa ông?

- Chấn chỉnh được thị trường VTNN ngay là rất khó. Đây là hệ quả của việc nhiều năm chúng ta bỏ lơ việc giám sát. Việc giám sát này lẽ ra phải được thực hiện từ lâu. Với việc phối hợp giám sát lần này chúng ta cũng mới chỉ đầu tư nguồn lực vừa phải để kiểm tra các doanh nghiệp, đại lý chứ chưa thể kiểm tra thật rộng. Tuy nhiên, tôi cho rằng việc kiểm tra thí điểm sẽ phải được thực hiện thật mạnh, kiên quyết để xử lý các hành vi vi phạm mới có thể tạo tiền đề tốt cho việc kiểm tra thường xuyên sau này. Tất nhiên, chúng tôi chưa thể kiểm tra hết tất cả các doanh nghiệp, đại lý nhưng lần này chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm. Nếu vi phạm nghiêm trọng có thể kiến nghị xử lý hình sự, phạt tù để lập lại trật tự thị trường VTNN hiện nay.

Một thực tế là việc kiểm tra dù có quyết liệt thì nạn phân bón giả, thuốc thú y, bảo vệ thực vật giả, vẫn hoành hành khi hết đợt kiểm tra, thưa ông?

- Chính vì thế, việc phối hợp giữa các bộ, ngành, đoàn thể lần này phải đặc biệt chú trọng vào một vài mảng thị trường “nóng” nhất về vi phạm hiện nay. Chúng ta không thể có đủ người để kiểm tra hết các địa phương mà bản thân vai trò của các địa phương trong việc phối hợp này là rất quan trọng. Không ai rõ thực tế địa phương mình bằng họ. Ai, ở đâu, đại lý kinh doanh VTNN nào mới mở họ đều là người rõ nhất. Việc phối hợp này, tôi cho là hiệu quả, bởi các văn bản ban hành từ T.Ư được thống nhất từ chỉ đạo tới hành động.

Quan điểm

Ông Nguyễn Văn Thanh
  Riêng lĩnh vực phân bón, quan điểm của chúng tôi là cần rà soát các cơ sở được cấp phép phân tích, kiểm định phân bón bởi thực tế việc quản lý chất lượng phân bón, đặc biệt là phân hữu cơ rất khó. Để tiến hành giám sát, cần tiến hành rà soát lại các phòng thí nghiệm được cấp phép phân tích, kiểm định về phân bón. Nếu có đủ năng lực thì tiếp tục cấp phép, còn không sẽ nghiêm khắc rút giấy phép. 
Còn cách làm, tôi cho phải gắn với hoạt động của các địa phương nữa. Chúng tôi không thể thay thế được vai trò của địa phương trong việc kiểm soát VTNN.

 

Cán bộ ở nhiều địa phương lại kêu ca rằng, quản lý VTNN hiện còn không ít chồng chéo từ chính các bộ, ngành T.Ư. Trong khi Mặt trận Tổ quốc hay Hội ND lại không có chức năng thẩm định, lấy mẫu phân tích, kiểm nghiệm. Liệu điều này có cản trở việc giám sát VTNN tới đây, thưa ông?

- Mỗi cơ quan trong chuỗi phối hợp này đều có thế mạnh riêng, có chức năng kiểm tra, thanh tra riêng, không thể nói bộ nào, ngành nào, đoàn thể nào đủ lực làm hết mọi việc và làm tốt hơn. Bộ Công Thương có chức năng kiểm tra phân bón từ sản xuất tới tiêu dùng nhưng phải phối hợp với Hội ND để tuyên truyền, vận động ND thực hiện đúng. Trong quá trình thực hiện giám sát, cần phát động người dân phát hiện và cung cấp thông tin về chất lượng VTNN. Nhận thức của ND về kinh doanh, sử dụng đúng VTNN sẽ được nâng lên qua hệ thống giám sát của Hội ND. Hội ND cũng là đơn vị quan trọng để phát hiện các vi phạm, để phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, nông nghiệp, sở công thương cho đến cấp huyện, xã để xử lý. Còn Mặt trận Tổ quốc có thể huy động mọi lực lượng xã hội, có thể theo đuổi để các cơ quan có thẩm quyền phải giải quyết…

Dù sao đây cũng là chương trình phối hợp giám sát với rất nhiều công việc mới, theo ông làm sao để việc phối hợp giám sát thực sự đem lại hiệu quả cả ở Trung ương và địa phương?

- Đúng là giám sát lần này rất mới bởi nó không chỉ giám sát các đối tượng sản xuất, kinh doanh, buôn bán vật tư nông nghiệp mà còn giám sát cả các cơ quan quản lý. Qua công tác này sẽ bộc lộ ra những khó khăn bất cập trong công tác quản lý vật tư nông nghiệp ở các địa phương, cần bổ sung như thế nào trong công tác quản lý, nghĩa là có sự phản hồi hai chiều. Vi phạm, xử lý đến đâu, xử lý như thế nào, đây cũng là quyền đoàn kiểm tra, tránh việc kiểm tra mà không xử lý được vi phạm.

Riêng lĩnh vực phân bón để giám sát hiệu quả, quan điểm của chúng tôi là cần rà soát các cơ sở được cấp phép phân tích, kiểm định phân bón. Bởi thực tế, việc quản lý chất lượng phân bón đặc biệt là phân hữu cơ rất khó. Để tiến hành thực hiện giám sát cần tiến hành rà soát lại các phòng thí nghiệm được cấp phép phân tích, kiểm định về phân bón. Nếu có đủ năng lực thì tiếp tục cấp phép còn không sẽ nghiêm khắc rút giấy phép.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã tiến hành kiểm tra việc cấp phép sản xuất đối với các cơ sở sản xuất. Qua kiểm tra đã phát hiện những cơ sở sai phạm về quy mô công suất, kiểm soát chất lượng cũng như môi trường an toàn. Đối với những cơ sở sai phạm sẽ kiên quyết xử lý, nếu không khắc phục sẽ không cấp phép, để kiểm soát việc sản xuất cung ứng phân bón.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem