Gian hàng OCOP Cao Bằng bán những đặc sản gì mà khách tíu tít đến mua?
Gian hàng OCOP Cao Bằng bán những đặc sản gì mà khách tíu tít đến mua, thu 25 - 50 triệu đồng/ngày?
Thiên Hương
Chủ nhật, ngày 16/10/2022 13:01 PM (GMT+7)
Lần nào đi sự kiện giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của TP.Hà Nội, tôi cũng gặp chị Dần tại gian hàng OCOP tỉnh Cao Bằng. Chị đứng bên trong tươi cười, hàng hoá xếp cao đến ngang ngực, khách đến mua hàng vào ra liên tục. Chị bảo hôm nay bán chạy nhất là miến dong, thích lắm...
Gian hàng OCOP Cao Bằng giới thiệu nhiều loại đặc sản nổi tiếng
Tại Sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hoá các tỉnh Đồng Bằng sông Hồng, do Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội tổ chức ở huyện Hoài Đức mới đây, gian hàng OCOP tỉnh Cao Bằng thu hút đông đảo khách tham quan, mua hàng.
Chị Nguyễn Thị Dần - đại diện gian hàng luôn chân luôn tay giới thiệu, bán hàng cho khách, nào là miến dong Phja Đén, thạch đen Cao Bằng, lạc đỏ, bánh Khẩu Sli Nà Giàng, rồi các loại dao của làng rèn Phúc Sen nổi tiếng... Món nào chị cũng tự hào nói "không ngon không lấy tiền".
Chị Dần khẳng định chắc nịch: Các sản phẩm đại diện cho tỉnh Cao Bằng tham gia sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP tại Hà Nội đều là những đặc sản nổi tiếng của địa phương, được lựa chọn cẩn thận cả về hình thức, chất lượng, mẫu mã... Chúng tôi cất công đem đi Hà Nội giới thiệu cho khách hàng, thì phải là những sản phẩm tiêu biểu, tiềm năng nhất.
Tại gian hàng, thạch đen Cao Bằng được niêm yết với giá 35.000 đồng/hộp; bánh Khẩu Sli giá 40.000 đồng/túi; miến dong Tân Việt Á giá 100.000 đồng/kg; gạo lứt tím giá 40.000 đồng/kg; rau bò khai giá 40.000 đồng/kg; lạc đỏ 70.000 đồng/kg...
Trò chuyện với PV Dân Việt, chị Dần cho biết, ngoài gian hàng OCOP tỉnh Cao Bằng, nhiều tỉnh miền núi, đồng bằng sông Hồng cũng đem về Hà Nội giới thiệu các loại đặc sản độc đáo, sản phẩm OCOP được gắn sao, thu hút sự quan tâm của người dân Thủ đô.
Sáng kiến tổ chức các Tuần hàng giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP của Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP.Hà Nội được các chủ gian hàng, chủ thể sản phẩm OCOP đánh giá rất có ý nghĩa, tạo cơ hội cho các chủ thể kết nối giao thương, tìm kiếm khách hàng và tiêu thụ được nhiều sản phẩm.
"Qua mỗi lần tham gia, đặc sản và sản phẩm OCOP tỉnh Cao Bằng lại có thêm nhiều người biết tới, chúng tôi cũng có thêm khách hàng" - chị Dần nói.
Khi tôi hỏi các sản phẩm nông sản bày bán tại sự kiện tiêu thụ có tốt không, chị Dần vui vẻ nói: "Khách hàng thích đặc sản Cao Bằng lắm. Ngày nào tôi cũng bán được ít nhất 25 triệu tiền hàng, hôm nào nhiều doanh thu lên tới 50 triệu đồng. Đặc biệt, bán chạy nhất là miến dong Tân Việt Á, sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của tỉnh; rồi thạch đen Cao Bằng, cũng là sản phẩm OCOP 3 sao. Có hôm "cháy hàng", khách cứ đến hỏi mua mà không còn để bán...".
Trong đó, sản phẩm miến dong của HTX Tân Việt Á (xã Lang Môn, huyện Nguyên Bình) được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển.
Để có sợi miến ngon, ngay từ khâu chọn nguyên liệu, HTX đã chú trọng chọn loại dong củ to, đều và già. Dong được cắt rễ, rửa sạch rồi cho vào nghiền nát, lọc bỏ bã để lấy tinh bột. Lọc nhiều lần cho đến khi đạt độ sạch cần thiết, quá trình lọc sạn cát và tạp chất ra khỏi bột là khâu rất quan trọng phải thực hiện từ 8 – 10 lần mỗi lần 3 tiếng cho đến khi loại bỏ được tạp chất.
Qua các công đoạn lọc, quấy bột, đưa vào máy ép để ép thành sợi, miến sẽ được phơi khô trên lưới cước. Miến dong của HTX có hương thơm đặc trưng của dong riềng, sợi dai giòn nên được khách hàng ưa chuộng. Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất được 30-40 tấn miến/năm, giá bán dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/kg (tuỳ thời điểm), doanh thu đạt bình quân trên 1 tỷ đồng/năm.
Được biết, sau 2 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay tỉnh Cao Bằng đã có 58 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, như gạo nếp Hương Bảo Lạc; thịt xông khói, lạp sườn; miến dong; thạch đen; bánh nướng Thu Điệp; bánh Khẩu sli Nà Giàng; Hồng Trà A1, Lục Trà A2; trà giảo cổ lam; dầu hồi; dầu xả Java...
Chi cục Phát triển nông thôn Cao Bằng cho biết: Hiệu quả từ Chương trình OCOP đã tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia của các chủ thể kinh tế trong việc nâng cấp hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu sản xuất theo hướng liên kết. Nhiều sản phẩm OCOP đã khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý.
Cùng với việc lựa chọn và phát triển sản phẩm mới, tỉnh đang tập trung nâng hạng và định hướng phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực, đầu tư vào chất lượng, tiêu thụ ổn định chứ không dàn trải, làm theo phong trào.
Chú trọng hỗ trợ chủ thể đầu tư chế biến sâu theo chuỗi liên kết và đẩy mạnh công tác quảng bá, khẳng định vị thế của sản phẩm OCOP trên thị trường. Chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị. Phấn đấu đến hết năm 2025, tỉnh có trên 150 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, trong đó có 5 sản phẩm chủ lực đạt 4 - 5 sao...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.