Cách đây chưa lâu, hình ảnh cô giáo Nguyễn Thị Tý (30 tuổi) ở điểm trường Nóc Ông Bình (thôn 3, xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam) mặc áo mưa, hai tay bám chặt thân cây, nhích từng chút một vượt qua dòng suối chảy xiết đến trường dạy học lan truyền trên Facebook, đã làm lay động hàng triệu trái tim.
Đối mặt với nghèo khó
Có lẽ nhiều người cảm thấy khá bất ngờ nhưng đây là hình ảnh không phải quá xa lạ đối với các giáo viên miền núi ở Quảng Nam. Dù khó khăn, vất vả, thậm chí nguy hiểm nhưng các thầy cô vẫn kiên trì bám nóc, bám làng để đưa con chữ đến học sinh.
Huyện miền núi Nam Trà My là một trong sáu địa phương của Quảng Nam được liệt vào danh sách các huyện nghèo nhất nước. Nơi đây nổi tiếng với loài dược liệu sâm Ngọc Linh, giúp một bộ phận bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Dù vậy, đời sống đại bộ phận người dân còn hết sức khó khăn. Tập quán của người dân bản địa là sinh sống tại các nóc làng xa xôi trên đỉnh núi, điều kiện đi lại cách trở nên việc phát triển kinh tế - xã hội khá gian nan; chuyện học hành của các em học sinh, vì thế, cũng chẳng dễ dàng.
Nóc Ông Bình nằm trên triền đồi quanh năm mây phủ, được bao bọc bởi những cánh rừng xanh ngắt. Nhìn từ xa, Nóc hiện ra mờ mờ, ảo ảo với những căn nhà nhỏ thấp lè tè ẩn khuất trong từng đám mây trắng lượn lờ. Ở đó, cả thảy có 47 hộ dân sinh sống.
Người dân ở đây quanh năm quẩn quanh làm rẫy, nuôi vài con heo, con gà để cải thiện bữa ăn, làm mồi nhậu. Hầu như họ chẳng có một món hàng gì có thể đem ra buôn bán. Vì vậy, cuộc sống hết sức vất vả. Người dân luôn đối mặt với nghèo khó, phải sống nhờ nguồn gạo trợ cấp của nhà nước. Cái ăn lo còn chưa xong nên cái học cũng ít được các bậc phụ huynh quan tâm. Ở đây, các em học tới lớp 6 - 7 thuộc dạng hiếm, chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Điểm trường Nóc Ông Bình là một khu nhà gỗ lợp tôn đã cũ, rộng khoảng 300m2, nhiều trụ cột, ván gỗ có dấu hiệu xuống cấp. Vừa qua, các giáo viên phải nhờ phụ huynh chặt tre nứa gia cố, lợp lại mái hiên để các em không bị mưa tạt ướt. Khu nhà được chia ra 2 phòng để phục vụ dạy học cho các em mầm non và học sinh lớp 1, 2.
Ở phía cuối khu nhà là không gian sinh hoạt, ăn ở của thầy cô tại điểm trường. Một căn phòng ọp ẹp được ngăn vách làm đôi bằng ván gỗ, mỗi bên chỉ đủ đặt một chiếc giường nhỏ và vài vật dụng cá nhân. Một bên cô Tý, một bên thầy Nguyễn Văn Nhân (giáo viên phụ trách lớp ghép 1 và 2) ở. Hằng ngày, ngoài giờ lên lớp, cô Tý nấu cơm cho mình và thầy Nhân cùng ăn.
Hiện tại, ở Nóc Ông Bình chưa có điện lưới, chưa phủ sóng điện thoại. Khi có việc cần thiết, chỉ điện thoại "cục gạch" của thầy Nhân có thể dò sóng để liên lạc ra bên ngoài nhưng nhiều lúc cũng chập chờn. Không có điện, đường sá đi lại thật gian nan. Mỗi khi có người mắc bệnh, người trong làng phải dùng võng khiêng hàng giờ mới ra tới trung tâm xã.
Cả Nóc Ông Bình hiện tại cũng không có một quán tạp hóa nào. Hằng tuần, cô Tý, thầy Nhân về nhà mang theo cá hoặc thịt lên kho ăn cả tuần, riêng rau rừng thì các giáo viên xin phụ huynh để cải thiện bữa ăn. "Ở giữa rừng làm sao có thể trữ thức ăn lâu ngày để dùng được?" - tôi hỏi. "Em phải kho cho thật mặn để thức ăn có thể để lâu mà không bị thiu" - câu trả lời của cô Tý khiến chúng tôi không khỏi nghẹn lòng.
Bước tiếp vì thương học trò
Cô Tý kể, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật tỉnh Quảng Nam, cô về xin dạy hợp đồng tại xã Trà Dơn đã được 5 năm. Hai năm đầu, cô công tác tại Nóc Ông Phụng, 3 năm nay chuyển qua Nóc Ông Bình. Điều kiện đi lại, ăn ở 2 điểm trường đều khó khăn không khác gì nhau.
Về hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội, cô Tý nói rằng khi xem lại, bản thân cô cũng thấy ám ảnh. Hôm đó là ngày 10/10, như thường lệ, vào ngày thứ hai đầu tuần, cô thức dậy lúc 4 giờ sáng rồi chạy xe máy một mạch từ nhà ở xã Trà Mai lên xã Trà Dơn. Từ trung tâm xã Trà Dơn muốn vào Nóc Ông Bình chỉ có cách duy nhất là cuốc bộ.
Sau khi gửi xe máy, cô Tý cùng thầy Nhân (nhà ở xã Trà Dơn) đi bộ băng rừng để đến lớp học. Bình thường, hai người di chuyển khoảng 2 giờ là đến nơi. Hôm đó, trời trút mưa tầm tã, mặt đường lầy lội, trơn trượt rất khó đi. Để đến được điểm trường, 2 người phải vượt qua 3 con suối. Ngày thường, nước chỉ ngập mắt cá chân, lội bộ qua được. Khi mưa lớn, nước trên nguồn cuồn cuộn đổ về, chảy xiết rất nguy hiểm.
Khi đặt chân đến con suối thứ nhất, hai thầy cô thoáng chút lưỡng lự. Bởi dù từ bên này ngó qua bên kia bờ chỉ cách khoảng chừng 10 m, song dòng nước hung tợn đang dồn dập đổ về khiến cô Tý thoáng chút lo âu.
"Lúc ấy, trong đầu cứ đan xen hai luồng suy nghĩ. Nửa muốn quay về chờ mưa ngớt, nửa muốn bước tiếp vì thương học trò. Rốt cuộc, nguồn động lực từ các em học sinh đã giúp chúng tôi dũng cảm vượt qua nỗi sợ hãi. Thầy Nhân và tôi đã lần lượt bám thân gỗ chò nằm bắc ngang đoạn suối ngập sâu rồi nhích từng chút để vượt qua. Trong lúc tôi toát mồ hôi hột di chuyển, thầy Nhân đã dùng điện thoại chụp ảnh, quay phim làm kỷ niệm. Bây giờ xem lại vẫn thấy rùng mình" - cô Tý nhớ lại.
Hôm đó, ở đoạn suối thứ hai, cô Tý và thầy Nhân dễ dàng lội bộ qua. Đến con suối cuối cùng, cả hai phải chờ mấy giờ. Đợi khi mưa tạnh, nước không còn cuộn trào, chảy xiết thì mới dám lội qua để về lớp học. "Khi vào điểm trường, thấy học sinh vẫn đang ngồi đợi cô giáo đến, tôi rất xúc động" - cô Tý kể.
Bao vất vả như tan biến
Dù vất vả là vậy nhưng với giáo viên hợp đồng như cô Nguyễn Thị Tý, mức lương mỗi tháng chỉ được 3,5 triệu đồng, ngoài ra không có khoản hỗ trợ nào khác.
Cô Tý nói mình phải tiết kiệm nhiều khoản chi tiêu mới đủ tiền lo cho 2 đứa con nhỏ, đang được gửi cho bà ngoại chăm sóc lúc cô vắng nhà. Dù vậy, khi thấy các em học sinh quá khó khăn, cô thường xuyên bỏ tiền túi mua bánh kẹo, áo quần cho các em. Cô Tý cũng thường xuyên kêu gọi các hội nhóm thiện nguyện về tặng quà cho bà con và các em học sinh ở nóc.
Cô Tý nói rằng trong điều kiện đi lại, ăn ở khó khăn như vậy, nếu không có tấm lòng thương yêu học trò, không lo nghĩ cho tương lai của các em thì khó mà có thể bám trụ với nghề. Cô kể, thời gian đầu về công tác tại Nóc Ông Phụng, thấy việc đi lại quá xa xôi, nguy hiểm, đêm về nhớ con, nhiều khi cô buồn rơi nước mắt một mình, nhiều lần có ý định bỏ nghề. Dù vậy, sáng ra, khi thấy các em học sinh hồn nhiên ngây thơ thì bao nhiêu lo toan muộn phiền, bao nhiêu vất vả như tan biến.
Cô Tý tâm sự mình vừa nhận bằng tốt nghiệp đại học hệ liên thông. Sắp tới, địa phương có kế hoạch tổ chức thi tuyển giáo viên, cô hy vọng mình sẽ thi đậu vào biên chế để cuộc sống ổn định hơn. Từ đó có thể yên tâm công tác, tiếp tục cống hiến hết sức mình cho quê hương, để các thế hệ tương lai nơi vùng núi xa xôi hẻo lánh này có thêm con chữ, thay đổi nhận thức nhằm đẩy lùi cái đói, cái nghèo đeo đẳng từ bao đời nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.