Người có đạo tiên phong làm kinh tế tuần hoàn ở Hưng Yên (Bài 2)

Hải Đăng - Phương Trang Thứ sáu, ngày 16/09/2022 13:00 PM (GMT+7)
Cùng với việc chăn nuôi bò sữa, lợn..., nhiều giáo dân ở giáo xứ Đức Ninh, xã Đức Hợp, huyện Kim Động (Hưng Yên) còn chủ động xử lý, ủ phân thải để chăm sóc cây ăn quả hoặc chăm cỏ voi, ngô sinh khối dùng làm thức ăn chăn nuôi vừa tiết kiệm chi phí chăn nuôi, vừa giúp môi trường xanh sạch hơn.
Bình luận 0

CLIP: Người có đạo tiên phong làm kinh tế tuần hoàn ở Hưng Yên (Bài 2).

Chàng trại 8X ở lại quê làm giàu

Khi các bạn cùng tuổi rời quê đi làm ăn xa hoặc làm công ty thì anh Trần Văn Vương (sinh năm 1980) lại quyết định ở lại quê lập gia đình và cùng vợ làm kinh tế.

Đến nay, mô hình chăn nuôi bò sữa của vợ chồng anh Vương đang nổi lên là mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại hiệu quả cao tại Kim Động. Chỉ với quy mô đàn 25 con, trong đó có trên 10 con cho sữa giúp anh Vương có thu nhập vài chục triệu đồng/tháng.

Hôm chúng tôi đến thăm nhà, anh Vương đang phụ vữa cho thợ xây lò ủ chua thức ăn cung cấp cho đàn bò trong mùa đông. Dù chuồng trại nuôi nhiều bò nhưng các ô đều được chủ trại dọn rất sạch, hầu như không có mùi hôi thường thấy tại các trang trại chăn nuôi.

Anh Vương cho biết, các trang trại, gia trại chăn nuôi sợ nhất là nguồn phân thải gây ô nhiễm môi trường nhưng đối với chúng tôi, phân lại là tài nguyên quý để quay vòng phục vụ lại chăn nuôi.

Người có đạo tiên phong làm kinh tế tuần hoàn ở Hưng Yên (Bài 2) - Ảnh 2.

Anh Vương chăm sóc chiếc xế hộp bên căn nhà hai tầng khang trang của gia đình ở thôn Đức Ninh.

Theo anh Vương, chăn nuôi bò sữa sạch, khỏe cũng cần lượng cỏ, thức ăn rất nhiều. Trung bình mỗi con bò trưởng thành cần khoảng 2 sào cỏ voi, tính ra 25 con cần tới 50 sào cỏ nên chúng tôi phải chủ động trồng và chăm sóc cỏ hết công suất mới đủ thức ăn chăm bò.

Hàng ngày, vợ chồng anh Vương thường xuyên dọn chuồng bò đưa phân thải ra lò chứa ủ với men vi sinh. Khi lò đầy, anh lại dùng xe chở đưa ra bón cho cỏ voi. "Cỏ được bón phân ủ nhanh xanh tốt và được thu hoạch liên tục giúp đàn bò tại trại luôn đủ thức ăn giúp trang trại tiết kiệm được rất nhiều chi phí mua thức ăn và môi trường luôn sạch", anh Vương tiết lộ.

Người có đạo tiên phong làm kinh tế tuần hoàn ở Hưng Yên (Bài 2) - Ảnh 3.

Anh Vương thuê thợ xây thêm 2 lò ủ chua thức ăn để chăm sóc đàn bò vào mùa đông.

Chia sẻ thêm về kinh nghiệm chăn nuôi bò sữa, anh Vương cho hay: Trong chăn nuôi bò sữa, khâu chọn giống, con giống sẽ quyết định tới 40% sản lượng sữa. Thức ăn chiếm 30%. Nuôi dưỡng chăm sóc chiếm 30%. Khi chọn giống, phải là những con không bị bệnh tật, khỏe mạnh, ngoại hình cân đối.; da mỏng, lông thưa, đầu thanh, cổ nhỏ, mông nở, không dốc.; bốn chân khỏe, thẳng, móng ngắn, đều; bụng to (chứng tỏ bò có thể ăn nhiều thức ăn thô).

"Đối với bò đã và đang cho sữa thì bà con cần căn cứ vào tốc độ giảm sữa thấp, thời gian cho sữa kéo dài; tính tình hiền lành, dễ vắt sữa, tia sữa nhẹ, tạp ăn, ít bệnh tật; vị trí núm vú đều nhau, da bầu vú có nhiều nếp gấp; bầu vú của bò phải to, nở đều, không sệ quá đầu gối; núm vú to vừa phải và cách đều nhau, không quá dài cũng không quá ngắn.

Bầu vú của bò đang cho sữa khi nắn vào thấy mềm (vú da), trước khi vắt thì căng to nhưng sau khi vắt thì xẹp sẽ nhiều sữa. Khi sờ vào thấy cứng (vú thịt), trước khi vắt thì căng to nhưng sau khi vắt vẫn còn to sẽ ít sữa", anh Vương bộc bạch.

Người có đạo tiên phong làm kinh tế tuần hoàn ở Hưng Yên (Bài 2) - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Hành, giáo dân ở thôn Đức Ninh bên chuồng trại chăn nuôi lợn khép kín của gia đình.

Triệu phú nuôi lợn chuồng lạnh

Cách trại bò của gia đình anh Vương không xa, trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Văn Hoành cũng khá nổi tiếng ở Đức Ninh. Với 200 con lợn thịt và 20 nái nuôi chuồng lạnh khép kín, trung bình mỗi tháng gia đình ông xuất chuồng vài tấn lợn thịt, thu lãi về khoảng 20 đến 30 triệu đồng.

Dù đã có tuổi, có duy nhất một người con trai lập gia đình làm ăn ở khá xa nhưng vợ ông Hoành vẫn cần mẫn với công việc chăn nuôi lợn. Theo quan điểm của ông, đã chăn nuôi phải đầu tư bài bản, chăn nuôi công nghệ cao mới giảm được rủi ro.

Người có đạo tiên phong làm kinh tế tuần hoàn ở Hưng Yên (Bài 2) - Ảnh 5.

Trại lợn trên 200 con thịt, nái mang về cho vợ chồng ông Hoành vài chục triệu đồng/tháng.

"Thời điểm dịch bệnh nguy hiểm nhiều, chúng tôi phải chăn nuôi chuồng kín và đảm bảo an toàn sinh học mới bảo đảm an toàn cho vật nuôi. Riêng về lợn nái, chúng tôi cũng phải thửa hậu bị tại các cơ sở uy tín, sạch bệnh và nhân nuôi theo quy trình khép kín nhằm tạo ra các lứa con giống có chất lượng cao nhất",ông Hoành tiết lộ.

Ông Hoành cho biết thêm, để đảm bảo an toàn cho đàn lợn, trước hết mô hình phải khép kín, khu lợn thịt, lợn nái phải chia ra, trại nuôi kín muỗi, kín gió, sát trùng chuồng trại mỗi tuần một lần, người ra vào trại phải sát trùng. Hơn nữa, lợn thả nuôi phải tiêm phòng đầy đủ vaccine. Nếu không xử lý kỹ chuồng lợn, có mùi, lợn sẽ đau mắt, hoặc sặc phân, dẫn đến bệnh phổi.

Bên cạnh đó, ông Hoành còn đầu tư xây dựng hầm bể bioga cỡ lớn để xử lý phân thải của lợn. Mọi nguồn thải tại trại đều được vợ chồng ông thu gom đưa về bể kín và xử lý cẩn thận đảm bảo đầu ra không gây ô nhiễm môi trường. 

"Chăn nuôi lợn nhiều năm nhưng gia đình tôi chưa có điều tiếng gì", ông Hoành khẳng định.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem