Giao đất theo thời hạn: Cần công bằng với dân

Chủ nhật, ngày 12/02/2012 18:06 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Nếu quy định như hiện nay thì có khi chính quyền thấy người dân đầu tư có hiệu quả lại thu hồi để giao cho người khác có lợi hơn", luật gia Lê Hiếu Đằng - nguyên Phó Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam đánh giá.
Bình luận 0
img
Lê Hiếu Đằng

Thưa ông, những bất cập trong việc giao đất theo thời hạn 15 năm, 20 năm đã rõ ràng, chính vì vậy nhiều ý kiến đề xuất nên nâng thời hạn lên 50 năm hoặc 70 năm. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Trước hết, liên quan đến đất đai của người dân, do họ hay ông cha họ khai phá ra thì cuối cùng phải thuộc về họ. Có nghĩa là phải công nhận cái quyền của họ đối với mảnh đất đó. Có như vậy người dân mới yên tâm bỏ công sức, tâm huyết vào đó để đầu tư.

Mặt khác, nếu cần phải quy định thời hạn thì ít nhất cũng phải để một thời hạn dài. Tôi tán thành với đề xuất 50 năm, 70 năm để người nông dân mới có đủ thời gian để đầu tư vào đó, bởi 15 hay 20 năm sẽ qua rất mau. Phải dành đủ thời gian để nhiều thế hệ nông dân yên tâm cùng đầu tư vào đất. Chứ nếu quy định như hiện nay thì có khi chính quyền thấy người dân đầu tư có hiệu quả lại thu hồi để giao cho người khác có lợi hơn. Như vậy sẽ gây ra sự mất ổn định, mất đoàn kết ở nông thôn.

Nhưng nếu vì lý do nào đó, chưa thể thay đổi được thời hạn này thì theo ông nên “ứng xử” như thế nào với người nông dân?

- Nếu vẫn chỉ định giao đất cho nông dân với thời hạn 15, 20 năm như hiện nay thì tiêu chí để đánh giá hiệu quả là phải dựa trên thực tế. Phải xác định xem người nông dân phát triển sản xuất có hiệu quả hay không. Ví dụ như trường hợp ông Vươn chẳng hạn, nếu thời hạn giao đất hết rồi nhưng nếu ông ấy làm có hiệu quả, trong khi bản thân chưa kịp thu hồi vốn thì Nhà nước phải thực hiện công bằng đúng với chủ trương khuyến khích sản xuất, làm giàu chính đáng mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Phải cho người ta tiếp tục làm, chứ không thể nói như chính quyền Tiên Lãng là “thu hồi về rồi tính sau”. Nếu như vậy thì làm sao khuyến khích được người dân.

Quan điểm của ông như thế nào trước ý kiến nên thay đổi hình thức sở hữu đất đai từ sở hữu toàn dân, sở hữu nhà nước thành đa sở hữu?

- Tôi ủng hộ quan điểm đa sở hữu về đất đai bởi vừa có sở hữu nhà nước vừa có sở hữu của người dân. Nhưng quan trọng hơn là kể cả có sở hữu của người dân thì khi Nhà nước cần vẫn có thể thu hồi dưới hình thức “trưng mua”, “trưng dụng” để phục vụ cho nhu cầu phát triển đất nước. Ở tất cả các nước tiến bộ đều có chính sách trưng thu và trưng mua này, miễn là có chính sách giá cả hợp lý để người dân không bị thiệt thòi so với công sức mà họ bỏ ra.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem