Toàn bộ 7 thủy thủ mất tích được xác định đẫ chết trong khoang ngập nước.
Theo New York Times, vụ va chạm xảy ra vào khoảng 2 giờ 30 phút sáng ngày 17.6. Chỉ có một vài thủy thủ trong số 350 người là còn thức để làm nhiệm vụ canh giác, duy trì động cơ hoạt động và điều khiển tàu.
Cựu quan chức hải quân Mỹ có hàng chục năm kinh nghiệm trên biển nhận định, các thủy thủ trên tàu có thể đã trải qua giây phút hoảng loạn, mất kiểm soát khi khu trục hạm USS Fitzgerald hứng chịu “cú đấm” cực mạnh từ tàu chở hàng.
"Tôi đoán họ đã bất ngờ nhìn thấy ánh đèn từ con tàu khác đang tiến về phía mình và cố gắng né tránh", cựu đô đốc James G. Stavridis nói. "Khi đó, tàu của họ bỗng nhiên như muốn chìm. Điều đó thật sự đáng sợ".
Giống như bị tấn công
Lời kể của các thủy thủ trên tàu USS Fitzgerald cũng phần nào phản ánh lời nhận định của cựu đô đốc hải quân Mỹ. Mẹ một thủy thủ sống sót sau vụ va chạm cho biết con trai bà đã liên tục ngụp lặn nhằm cố gắng cứu giúp các đồng đội cho đến khi khoang tàu hết không khí. Những người khác nghĩ tàu bị tấn công nên vội vã chạy đi lấy súng để sẵn sàng chiến đấu.
Mia Sykes ở thành phố Raleigh, bang Bắc Carolina, cho hay con trai bà, Brayden Harden, 19 tuổi, bị hất văng khỏi giường ngủ vì cú va chạm. Harden kể 4 người trong khoang của anh và ba người ở khoang phía trên chết vì chấn thương và ngập nước.
“Các thủy thủ đã làm đúng theo những gì được huấn luyện”, bà Skykes nói, đề cập đến việc họ phải sẵn sàng cho khả năng chiến đấu. “Đa số những thủy thủ trên tàu đều là các thanh niên 18, 19 và 20 tuổi. Nhưng hoảng loạn khi sự cố xảy ra là điều dễ hiểu”. Bà Skyes hy vọng con trai có thể sớm trở về với gia đình sau những gì đã xảy ra.
Cú đâm cực mạnh khiến tàu khu trục Mỹ gần như sắp chìm.
Trong bối cảnh như vậy, các thủy thủ trên tàu đã hết sức nỗ lực để ngăn nước lan sang các khoang khác cũng như giúp tàu có thể tiếp tục hoạt động để trở về căn cứ ở Nhật Bản.
Bức ảnh chụp tàu USS Fitzgerald vào sáng hôm sau cho thấy chiến hạm Mỹ bị hư hại nặng, nước ngập 3 khoang và tàu có dấu hiệu bị nghiêng sang một bên.
Truy tìm nguyên nhân vụ tai nạn
Các nhà điều tra hải quân Mỹ sẽ tập trung vào thuyền trưởng Bryce Benson, 40 tuổi, chỉ huy tàu USS Fitzgerald. Phòng ngủ của chỉ huy bị phá hủy hoàn toàn vì vụ va chạm, nhưng trung tá này may mắn sống sót và được trực thăng đưa về bệnh viện hải quân chữa trị.
Theo cựu đô đốc Stavridis, trước khi về phòng nghỉ đêm, trung tá Benson cần ký "lệnh trực đêm", cập nhật những mệnh lệnh mà ông đã ban ra cho thủy thủ đoàn trong tối hôm đó. Lệnh này thường quy định những người canh gác phải lập tức đánh thức thuyền trưởng nếu thấy tàu khác tiến gần đến tàu mình ở khoảng cách có thể gây va chạm.
"Lệnh của tôi luôn là hãy đánh thức tôi nếu tàu lạ tiến vào phạm vi gần hơn 4,5 km", Bryan McGrath, cựu chỉ huy tàu khu trục Mỹ hoạt động trên Đại Tây Dương giai đoạn 2004-2006 nói.
Mệnh lệnh này có thể khiến thuyền trưởng thường xuyên bị đánh thức, nhất là khi tàu đi qua khu vực hàng hải nhộn nhịp ở Thái Bình Dương, nhưng đó là trách nhiệm của người chỉ huy.
Việc thuyền trưởng Benson vẫn ngủ trong khoang lúc xảy ra va chạm chứng tỏ ông không được cảnh báo về nguy cơ bị tàu hàng đâm. "Tại sao người trực không gọi chỉ huy? Liệu họ không được huấn luyện kỹ càng? Cuối cùng, tất cả là lỗi của thuyền trưởng", ông McGarth nói.
Các nhân viên quân sự Mỹ có mặt để điều tra vụ tai nạn.
Sean P. Tortora, một thuyền trưởng giàu kinh nghiệm, cho hay khi chỉ huy tàu, ông luôn yêu cầu thủy thủ đoàn đánh thức mình khi mục tiêu gần nhất cách ít hơn 3,2 km trên màn hình radar. "Lúc huấn luyện mọi người, tôi thường bảo họ 'Đừng gọi tôi tới đài chỉ huy để chứng kiến một vụ va chạm'", ông nói.
Theo luật hàng hải, tàu nhỏ hơn hoặc đang di chuyển vuông góc với mũi tàu khác có nhiệm vụ phải đổi hướng, nhường đường cho tàu lớn đi qua. Nhưng giới phân tích cho rằng, cú đâm trực diện vào mạn phải chứng tỏ các thủy thủ trên tàu Fitzgerald đã không nhận được bất cứ mệnh lệnh nào.
Tuy vậy, đô đốc Stavridis đánh giá còn quá sớm để suy đoán về nguyên nhân vụ tai nạn. Những dữ liệu hàng hải cho thấy, khoảng 25 phút trước thời điểm va chạm, tàu hàng Philippines chuyển hướng đột ngột nhiều lần. Ở những vùng biển đông đúc, hành động trên có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc điều hướng của các tàu khác.
Marc Tuell, người từng làm việc trên tàu Fitzgerald trong giai đoạn 2010-2013, nói rằng ông cảm thấy buồn khi chứng kiến cảnh khu trục hạm Mỹ bị kéo về cảng Nhật Bản trong tình trạng “thảm hại”, giống như sắp chìm.
"Tôi đặt mình vào hoàn cảnh ấy để mường tượng ra thủy thủ đoàn đã phải trải qua những gì", ông Tuell nói. "Thật đau lòng đó chính là con tàu bạn từng làm việc ở đó trong suốt 3 năm”.
Chiến hạm trị giá 1,5 tỷ USD của hải quân Mỹ đâm phải tàu hàng 29.000 tấn khiến 7 thủy thủ mất tích, thuyền trưởng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.