Giữ nghề cho bản

Thứ hai, ngày 06/12/2010 17:22 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chúng tôi về Kỳ Sơn, miền biên viễn xứ Nghệ bốn mùa mây trắng giăng, để chiêm ngưỡng và tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm truyền thống nơi đây.
Bình luận 0

Đến Hữu Lập - xã có nghề dệt truyền thống nổi tiếng, anh Lô Như Nam-Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: "Ở Kỳ Sơn, nhiều xã có nghề dệt thổ cẩm, song Hữu Lập là nhiều nhất. Hầu hết các nhà đều có khung dệt. Hai bản Na và bản Xốp Thặp đã được tỉnh công nhận làng nghề".

Dệt càng đẹp, càng dễ lấy chồng

img
Chị Lương Thị Li bản Na đang dệt thổ cẩm.

Đến đầu bản Na chúng tôi đã nghe rộn tiếng thoi đưa, thấy những sơn nữ Thái miệt mài bên khung cửi.

Cụ Lương Thị Mây, năm nay đã 105 tuổi, nhưng vẫn minh mẫn, nói: "Ta lớn lên đã thấy bà và mẹ dệt rồi. Con gái ai cũng phải biết dệt. Ta 12 tuổi là biết dệt rồi".

Con gái Thái nơi đây 10 -12 tuổi đã biết dệt thổ cẩm để làm trang phục, trang sức cho mình. Đến khi làm dâu, phải có bộ chăn đệm để tặng bố mẹ chồng... Từ đời này qua đời khác, nghề dệt thổ cẩm miền biên viễn này ngày một phát triển. Những phụ nữ Thái này tuy chưa từng học một ngày về quy luật trang trí, nhưng màu sắc trên những tấm thổ cẩm được bố trí rất hài hoà, hoa văn được cách điệu, sắp đặt rất đúng với luật của hội hoạ.

Nguyên liệu để dệt nên những tấm thổ cẩm là sợi bông và tơ tằm được nhuộm màu. Màu sắc lấy từ thiên nhiên: Màu xanh nhuộm từ lá cây, màu vàng từ quả dành dành, màu đỏ lấy từ hoa rừng, màu đen lấy từ nhựa cây trộn lẫn với nhau... Dệt thổ cẩm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, mỗi tấm thổ cẩm phải mất từ 10-15 ngày, thậm chí cả tháng, họ gửi gắm cả tâm tình của mình vào đó.

Thăm nhà chị Lương Thị Phom My. Chị tâm sự: "Tôi biết dệt từ nhỏ. Lấy chồng, ngày đi làm nương, làm rẫy, đêm về dệt. Trước đây, dệt để dùng cho gia đình, nay đem ra chợ Mường Xén bán. Mỗi tấm thổ cẩm cỡ 1m bán được 70- 80 nghìn đồng. Tấm lớn hơn từ 150 - 200 nghìn đồng. Tôi có 5 con gái, đứa lớn đã lấy chồng, đứa nhỏ học lớp 6, chúng đều dệt thạo lắm”. Theo chị My, mỗi tháng dệt thổ cẩm đem về cho gia đình chị 5-7 trăm nghìn đồng. Những gia đình như chị Lương Thị Li có 3 khung cửi, thu nhập 1-1,5 triệu đồng/tháng.

Bản Xốp Thặp cũng chẳng kém bản Na. Đêm đến, con gái ngồi dệt, con trai thổi khèn, thổi sáo tự tình bên khung cửi. Lương Thị Mơ, cô gái 17 tuổi má ửng hồng bên khung cửi nói: "Chúng em được đánh giá "sọi" hay không phải dựa vào trình độ dệt thổ cẩm nữa đấy! Dệt càng đẹp càng dễ lấy chồng". Mơ không những dệt chăn, đệm, váy, áo, mà còn dệt túi xách, khăn tay, túi đựng điện thoại... rất đẹp. Mơ bảo: "Những thứ đó em tự nghĩ ra và làm đó! Mỗi tháng em bán được hơn 2 triệu đồng".

Bản Na có 108 hộ, bản Xốp Thặp có 78 hộ, hầu hết nhà nào cũng dệt thổ cẩm. Số khung cửi hơn 300 chiếc.

Loay hoay tìm đầu ra

Dệt thổ cẩm ở bản Na và bản Xốp Thặp nổi tiếng từ xưa, nhưng vẫn phục vụ cho gia đình là chính. Chị Lương Thị Mai - Tổ trưởng tổ dệt của xã Hữu Lập tâm sự: "Tháng 6-2008, dự án của tỉnh cho thành lập tổ dệt với 50 thành viên và cử học viên ra huyện học 3 tháng về dệt thổ cẩm hàng hóa. Song, thổ cẩm làm ra không tiêu thụ được, chúng tôi lại quay về dệt truyền thống".

Đem băn khoăn của chị em đến hỏi ông Vi Văn Minh- Phó Trưởng phòng Công Thương huyện Kỳ Sơn, ông cho biết, từ năm 2008 đến nay, Trung tâm Hướng nghiệp - Dạy nghề huyện Kỳ Sơn đã mở được 4 lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm truyền thống tại bản Na (xã Hữu Lập), bản Kẹo Lực I (xã Phà Đánh), bản Na Loi (xã Na Loi) và bản Noọng Dẻ (xã Nậm Cắn) với hơn 120 lượt người theo học. Huyện còn tổ chức cho chị em đi tham quan, học tập mô hình, tìm kiếm bạn hàng... Sau khi học nghề, bà con tổ chức thành những nhóm sản xuất thổ cẩm hàng hóa. Nhiều sản phẩm vải, khăn trải bàn, váy, chân váy, áo, khăn, túi... thổ cẩm đã có mặt ở thị trường Hà Nội, nước bạn Lào. Song, nhìn chung đầu ra của thổ cẩm vẫn rất khó. Hiện, mới chỉ có tổ chức Cráp Linh - Hà Nội có đơn hàng cụ thể.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem