Hà Nội: 2 trẻ song sinh nguy kịch vì sởi tấn công

Diệu Thu Thứ tư, ngày 08/08/2018 15:10 PM (GMT+7)
Sau một tuần điều trị, cặp song sinh 11 tháng tuổi bị bệnh sởi vẫn trong tình trạng suy hô hấp, tiên lượng nặng.
Bình luận 0

Ngày 8/8, PGS.TS Bùi Vũ Huy, Trưởng Khoa Nhi (BV Bệnh Nhiệt đới TƯ)  cho biết, BV đang điều trị cho cặp song sinh 11 tháng tuổi ở quận Thanh Xuân, Hà Nội bị bệnh sởi, hiện tiên lượng nặng.

Gia đình bệnh nhi cho biết, trước đó, gia đình đưa bé N.Đ. đến nhập viện trong tình trạng sốt cao, ban xuống thân mình, không ăn uống được, khó thở.

img

Trẻ bị sởi tấn công do chưa tiêm vắc-xin.

Bé có biểu hiện sốt cao 39 độ, kèm theo ho, chảy nước mũi, nước mắt, đi ngoài phân nát. Đến ngày thứ 4 của bệnh, bé xuất hiện phát ban nên gia đình đưa đến BV cấp cứu. Tại BV, bé được chẩn đoán viêm phổi nặng trên nền bệnh sởi nên các bác sĩ tiến hành điều trị.

Người anh song sinh nhập viện được 3 ngày thì gia đình lại phải đưa em của Đ. đến cấp cứu cũng với biểu hiện tương tự. Theo gia đình, 2 bé sinh non khi mới 30 tuần tuổi, nhẹ cân. Ngoài ra, các bé vẫn chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi.

Sau khi nhập viện, hai bệnh nhi được các bác sĩ truyền dịch, chống co giật, sử dụng kháng sinh mạnh và dùng cả phác đồ điều trị viêm phổi nặng. Tuy nhiên, đến nay là ngày thứ 8 nhưng cả hai bé vẫn trong tình trạng nặng, suy hô hấp.

Theo bác sĩ Huy, từ đầu năm đến nay, BV đã tiếp nhận 34 bệnh nhi bị sởi nhập viện trong đó hầu hết là các bé dưới 5 tuổi, đến từ nhiều tỉnh, thành như Hưng Yên, Nam Định, Thái Nguyên, Hà Tĩnh,… Các bệnh nhi ở Hà Nội tập trung ở các quận Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai.

Trong 34 bé bị mắc sởi điều trị tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, 100% bé chưa tiêm chủng. Khi được hỏi, một số bà mẹ cho biết, họ nghe nhiều người nói tiêm vắc-xin nguy hiểm nên không cho con đi tiêm.

Ngoài ra, một số bé đến thời điểm tiêm vắc-xin nhưng bị ốm nên chưa thể tiêm, dẫn đến bị bệnh, thậm chí còn bị các biến chứng như viêm phổi.

Để đề phòng bệnh sởi, Bộ Y tế khuyến cáo cha mẹ đưa trẻ đi tiêm vắc-xin đầy đủ; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cha mẹ cần sớm cách ly và đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời. Không nên đưa trẻ điều trị vượt tuyến khi không cần thiết để tránh quá tải bệnh viện và lây nhiễm chéo trong bệnh viện.

Những thực phẩm vàng cần cho trẻ ăn để chống chọi với bệnh sởi bùng phát

Đề đề phòng bệnh sởi nên hạn chế ăn nội tạng động vật; thức ăn cay, nóng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem