Nông nghiệp số - không nhanh sẽ lỡ chuyến tàu

Hoàng Trọng Thủy Thứ năm, ngày 02/12/2021 08:38 AM (GMT+7)
Cho đến bây giờ, nền nông nghiệp, lĩnh vực nông thôn, giai cấp nông dân không chỉ lo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc… mà còn phải nỗ lực cho “Nông dân giàu, nông thôn hiện đại, nông nghiệp phồn vinh”.
Bình luận 0

Cách đặt vấn đề như thế để hối thúc chúng ta dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua thách thức về biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến đổi xu thế tiêu dùng, biến động dịch Covid… để đi đến thành công. Trong nhiều giải pháp động lực phát triển như xây dựng kết cấu các giai tầng nông dân, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi nông nghiệp số sẽ là cơ hội thay đổi cách thức sản xuất tiểu nông, thiếu liên kết, kém hiệu quả - thay vào đó là nền sản xuất nông nghiệp sinh thái được số hóa, minh bạch, với dữ liệu thông tin đủ đầy, sản phẩm có trách nhiệm với người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. 

Câu chuyện nông nghiệp số còn đi rất xa! Muốn thành công phải bắt đầu từ người nông dân với tư cách là người tiêu dùng thiết bị công nghệ, người sử dụng thiết bị công nghệ, người cung cấp dữ liệu nông nghiệp cho ngành và quốc gia. 

Với cách tiếp cận ấy, không ít người cho rằng, kinh tế trong tương lai thuộc về công nghiệp. Nông nghiệp trong tương lai nhỏ, chỉ khoảng 5-7% GDP, dân số nông thôn chỉ chiếm khoảng 5% - thế nên, “tam nông” chỉ cần đảm bảo an ninh lương thực, cung cấp lương thực thực phẩm, duy trì văn hóa, môi trường… là đủ. 

Đã đúng chưa, khi “điểm nghẽn” trong nông nghiệp hiện nay là người nông dân còn tư duy "mùa vụ", doanh nghiệp còn tư duy "thương vụ", các cấp chính quyền còn tư duy "nhiệm kỳ". Tức là mỗi người chỉ biết đến khoảng không gian, thời gian ngắn ngủi đó để đem lại lợi ích cho mình mà không tính đến tương lai, không nỗ lực đổi mới sáng tạo, ngại ngần với nông nghiệp số - thì đó chắc chắn không thể là tư duy trong giai đoạn hiện nay. 

Một tư duy mới là cần phải biết nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tương lai sẽ thế nào trong cơ chế thị trường, mà ở đó người mạnh sẽ thắng, kẻ yếu sẽ thua thì mấu chốt vấn đề chính là lợi thế? Nếu lợi thế của nước ta là nông nghiệp thì phải xác định thật rõ để nông nghiệp không còn là nền nông nghiệp hi sinh, phục vụ công nghiệp, dịch vụ một cách đơn thuần. 

Nông nghiệp số - không nhanh sẽ lỡ chuyến tàu - Ảnh 2.

Ứng dụng công nghệ số trong trồng hoa lan ở Quảng Trị. Ảnh: K.N

Vai trò nông nghiệp Việt Nam trong tương lai không chỉ là nền tảng, trụ đỡ như những năm qua mà phải là động lực, cốt lõi của nền kinh tế, là "thước đo độ bền của quốc gia" và thúc đẩy công nghiệp, dịch vụ phát triển.

Để trở thành lợi thế, đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng phải là vựa lúa, thủy sản, trái cây và "đất trăm nghề" có thể địch nổi với mọi đồng bằng khu vực Đông Nam Á. Tây Nguyên là cây công nghiệp, là thủ phủ chăn nuôi gia súc, gia cầm đủ sức cạnh tranh với nhiều vùng Nam Mỹ. Duyên hải miền Trung là vùng kinh tế biển hùng cường, là điểm đến du lịch của lữ khách muôn nơi. 

Muốn vậy, phải trao quyền làm chủ quá trình đó cho chính người nông dân. Người nông dân phải được huấn luyện thành nông dân chuyên nghiệp. Thể chế chính sách về “tam nông” phải được đổi mới, cách tân cho dễ quản lý, dễ làm giàu. 

Công cuộc chuyển đổi số trong nông nghiệp phải “nghĩ thật, làm thật, hiệu quả thật”, vững bền cả ba trụ cột: Nhân lực chất lượng cao; cơ sở hạ tầng hiện đại; hệ thống dữ liệu căn cơ, đủ năng lực thâm nhập sâu vào mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội: từ sản xuất vật chất đến lĩnh vực sản xuất tinh thần, từ sinh hoạt cá nhân đến sinh hoạt cộng đồng, giao tiếp xã hội; từ lao động, học tập đến nghỉ ngơi, giải trí…để người nông dân không còn bị giới hạn trong làng xóm, địa phương mình, trong quốc gia mình, mà trở thành “người nông dân toàn cầu”, tự tin trong một sân chơi quốc tế.

35 năm đổi mới, những trải nghiệm đã qua cho chúng ta thấy, tư duy theo chủ nghĩa kinh nghiệm vốn là sản phẩm của nền nông nghiệp truyền thống đang dần dần bị thay thế bởi tư duy hội nhập, tư duy khoa học, tư duy kinh tế thị trường. Trong thì hiện tại và một tương lai gần cùng với công nghệ số, đổi mới và sáng tạo đang như con tàu tốc hành lao lên phía trước – nếu không nhanh sẽ lỡ chuyến tàu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem