Hà Nội sau 15 năm mở rộng

Nguyễn Bình Thứ ba, ngày 01/08/2023 06:26 AM (GMT+7)
15 năm sau cuộc đại điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính, dân số tăng gấp 1,37 lần, Hà Nội giữ vị trí đầu tàu vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; là 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới.
Bình luận 0

Tháng 5/2008, Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa 12 đã thông qua nghị quyết mở rộng địa chính Hà Nội với 92,9% số phiếu đồng ý. Toàn bộ tỉnh Hà Tây, một phần của tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Hòa Bình được chọn.

0h ngày 1/8/2008, cột mốc địa phận Hà Tây được dỡ bỏ, chính thức đánh dấu ngày mở rộng địa giới hành chính. Hà Nội trở thành trở thành Thủ đô có diện tích lớn thứ 17 thế giới với hơn 3.300 km2 (gấp 3,6 lần trước đó), số dân tăng 80% từ 3,4 lên 6,2 triệu.

Qua 15 năm phát triển (từ 2008 - 2023), dân số đến nay (ước tính đến tháng 6/2023) là 8.564,5 nghìn người (gấp 1,37 lần so với thời điểm mới hợp nhất), có 30 quận, huyện, thị xã (huyện Từ Liêm tách lập thành 2 quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm) và 579 xã, phường, thị trấn (tăng 02 phường). 

Đầu tàu vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Cụ thể, kinh tế Thủ đô giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2008-2010 (theo quy mô chưa thay đổi) đạt 9,68%/năm. Giai đoạn 2011 - 2022 (theo quy mô GRDP điều chỉnh) GRDP tăng bình quân 6,67%/năm.

Hà Nội sau 15 năm mở rộng  - Ảnh 1.

Đêm 31/7/2008 cột mốc Hà Tây được thay thế bằng Hà Nội. Ảnh tư liệu THHN

Du lịch được chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.

Lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng phát triển lành mạnh. Hệ thống các tổ chức tín dụng của TP. Hà Nội tiếp tục được sắp xếp, cơ cấu lại.

Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hơn 58 tỷ USD (gấp 1,93 lần so với năm 2008). Lạm phát được kiểm soát tốt; thực hiện quản lý, điều hành hiệu quả giá cả theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; chỉ số giá tiêu dùng giảm từ mức 18% năm 2011 còn 3,4% năm 2022, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế vĩ mô cả nước.

Thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn từ 2008 đến nay đều hoàn thành và vượt dự toán thu được Trung ương giao. Giai đoạn 2008-2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô huy động gần 4,04 triệu tỷ đồng, tăng hàng năm 11,04%.

TP. Hà Nội triển khai nhiều giải pháp, đã thu hút mới trên 4,5 nghìn dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD; các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội,...

Ngoài ra, Hà Nội nhiều năm liền dẫn đầu cả nước về quy mô, mạng lưới trường lớp, chất lượng giáo dục mũi nhọn, về số học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp có đóng góp quan trọng vào nguồn nhân lực chất lượng cao. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Lĩnh vực khoa học và công nghệ được quan tâm đầu tư phát triển, ngày càng có nhiều kết quả nghiên cứu được chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn, đem lại hiệu quả trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, góp nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế. Từ năm 2016, Hà Nội luôn đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố về chỉ số công nghiệp công nghệ thông tin.

Hà Nội sau 15 năm mở rộng  - Ảnh 2.

Phối cảnh một phần dự án đường Vành đai 4 - vùng thủ đô vừa được khởi công.

An sinh xã hội được đảm bảo, phúc lợi xã hội và chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.

Hiện nay, TP. Hà Nội đang nhanh tiến độ thực hiện lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065,... Thực hiện đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội...

Các khu đô thị mới được xây dựng đồng bộ, văn minh, tạo nên không gian đô thị hiện đại của Thủ đô. Công tác khắc phục tình trạng ô nhiễm, bảo đảm vệ sinh môi trường có chuyển biến; tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt khu vực nội thành, chất thải y tế đạt 100%; tiếp tục thực hiện kế hoạch di dời các cơ sở công nghiệp không phù hợp quy hoạch, cơ sở ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị.

Tình hình chính trị ổn định, an ninh - quốc phòng được tăng cường; công tác đối ngoại và hợp tác phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế được mở rộng

Hoàn thành quy hoạch Thủ đô

Những năm tiếp theo, Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đơn vị liên quan thực hiện tổng kết, đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và báo cáo Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô.

Cùng với đó, phát huy vị trí là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước; huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế về văn hóa, khoa học và công nghệ, nguồn nhân lực, đất đai, tài sản công cùng các tiềm năng, lợi thế khác để phát triển kinh tế nhanh, bền vững....

Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện, nhất là giáo dục đại trà; nâng cao dân trí, chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử đi đôi với đào tạo năng lực nhận thức, tư duy đổi mới, sáng tạo cho người học, xây dựng "thế hệ trẻ sáng tạo".

Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển Thủ đô hiện đại, văn minh. Thu hút nguồn lực phát triển khoa học và công nghệ Thủ đô. Thúc đẩy đầu tư, phát triển hạ tầng số làm nền tảng cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, đến năm 2030 ngang bằng và có khả năng cạnh tranh với các nước tiên tiến trong khu vực, một số lĩnh vực tiếp cận các nước phát triển trên thế giới. Nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở ngày càng phát triển, hiện đại, hướng tới mục tiêu chăm sóc toàn diện, nâng cao sức khỏe Nhân dân, gắn với phát triển du lịch chăm sóc sức khỏe.

Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, tiến tới bao phủ toàn dân, mở rộng đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách, chủ động bố trí nguồn lực và tăng tối đa khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội của người dân, nhất là y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở...

Hà Nội còn đặt mục tiêu hoàn thành và triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (điều chỉnh) đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được phê duyệt.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng. Phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường vành đai 4 và xây dựng đường vành đai 5 trước năm 2027. Đầu tư, xây dựng phát triển đô thị, hoàn chỉnh mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô.

Hà Nội sau 15 năm mở rộng  - Ảnh 3.

Cầu Đông Trù nối sang huyện Đông Anh - sắp trở thành quận mới của Hà Nội. Ảnh: Phương Hồng.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ Thành phố ngày càng vững chắc.

Đẩy mạnh hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, các danh hiệu "Thành phố vì hòa bình", "Thành phố sáng tạo", để bản sắc Hà Nội trở thành nguồn lực quý giá, tạo lợi thế cạnh tranh, thúc đẩy sự thịnh vượng, nâng cao uy tín, vị thế Thủ đô. Phát huy tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước", phát huy thế mạnh của từng địa phương để cùng hợp tác phát triển trong tất cả các lĩnh vực.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem