Huyện có diện tích nhỏ nhất Hà Nội là huyện nào?

Việt Sáng Thứ hai, ngày 31/07/2023 07:03 AM (GMT+7)
Với diện tích khoảng 63,2 km2, Thanh Trì là huyện có diện tích nhỏ nhất trong 17 huyện của Hà Nội. Còn tính chung 30 quận, huyện, thị xã thì Hoàn Kiếm là quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội với diện tích tự nhiên chỉ 5,29 km2.
Bình luận 0

Huyện có diện tích nhỏ nhất Hà Nội

Theo Cổng TTĐT UBND TP Hà Nội, vào năm 2018, huyện Thanh Trì có diện tích khoảng 63,2 km2 với dân số khoảng 221.800 người.

Vì thế đây là huyện có diện tích nhỏ nhất trong 17 huyện của Hà Nội. Còn tính chung 30 quận, huyện, thị xã thì Hoàn Kiếm là quận có diện tích nhỏ nhất Hà Nội với diện tích tự nhiên chỉ 5,29 km2.

TP Hà Nội hiện có 30 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã.

Đơn vị hành chính cấp quận tại Hà Nội gồm 12 quận là Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Tây Hồ.

Cấp huyện gồm 17 huyện là Ba Vì, Chương Mỹ, Đan Phượng, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mê Linh, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thạch Thất, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín, Ứng Hòa. Cùng 1 thị xã là Sơn Tây.

Thông tin chung về huyện có diện tích nhỏ nhất Hà Nội

Theo Cổng TTĐT UBND TP Hà Nội, huyện Thanh Trì hiện có 16 đơn vị hành chính trực thuộc gồm: thị trấn Văn Điển và 15 xã: Duyên Hà, Đại Áng, Đông Mỹ, Hữu Hòa, Liên Ninh, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Tả Thanh Oai, Tam Hiệp, Tân Triều, Tứ Hiệp, Thanh Liệt, Vạn Phúc, Vĩnh Quỳnh, Yên Mỹ.

Về địa lý, Thanh Trì nằm ở vị trí cửa ngõ phía Nam của Thủ đô, phía Tây Bắc giáp quận Thanh Xuân; phía Bắc giáp quận Hoàng Mai; phía Tây giáp quận Hà Đông; phía Nam giáp huyện Thanh Oai và huyện Thường Tín; phía Đông giáp huyện Gia Lâm và huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên với sông Hồng là ranh giới tự nhiên.

Huyện Thanh Trì nằm ở hữu ngạn sông Hồng, địa thế thấp dần về phía Đông Nam theo hướng dòng chảy của sông Hồng, trên địa bàn huyện có đoạn cuối của sông Tô Lịch chảy qua nối với sông Nhuệ ở phía Tây Nam.

1547086971-15693823367572082747260-crop-15693823464391325975012.jpg

Theo Cổng TTĐT UBND TP Hà Nội, huyện Thanh Trì hiện có 16 đơn vị hành chính trực thuộc,

Lịch sử hình thành và phát triển của huyện có diện tích nhỏ nhất Hà Nội

Cổng TTĐT UBND TP Hà Nội viết rõ: Theo dấu lịch sử, từ xa xưa, vùng đất này có tên là Long Đàm (đầm Rồng). Thế kỷ X, sứ quân Nguyễn Siêu chiếm đóng Tây Phù Liệt, khai khẩn đất hoang tạo nên một thế lực quân sự mạnh và phát triển thành một trong 12 sứ quân. Đến thời thuộc Minh, không muốn dân chúng nhớ lại tên Thăng Long, chính quyền phong kiến phương Bắc đã đổi tên kinh đô nước Việt thành Đông Quan và Long Đàm cũng bị đổi theo thành Thanh Đàm (đầm nước trong) thuộc châu Phúc Yên. Sang thời Lê Thế Tông (1573 - 1599), để kiêng húy tên vua, vùng đất này được đổi tên lần nữa thành Thanh Trì và tên gọi này được sử dụng đến tận ngày nay.

Trước năm 1945, huyện Thanh Trì thuộc Phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Thời gian 1949-1954, huyện Thanh Trì và Thanh Oai nằm trong quận Văn Điển của thành phố Hà Nội do chính quyền Quốc gia Việt Nam lập ra. Năm 1956, 2 huyện này được trả về tỉnh Hà Đông và sau đó là tỉnh Hà Tây.

Ngày 20/4/1961, Quốc hội ban hành Nghị Quyết về việc mở rộng thành phố Hà Nội, theo đó, huyện Thanh Trì được sáp nhập vào Hà Nội (trừ 4 xã: Liên Ninh, Việt Hưng (Ngọc Hồi), Đại Thanh (Tả Thanh Oai), Thanh Hưng (Đại Áng) nhập vào huyện Thường Tín; 4 xã: Hữu Hòa, Kiến Hưng, Cự Khê, Mỹ Hưng nhập vào huyện Thanh Oai).

biet-thu-16395555582671293447348-1639555759146591249219.jpeg

Cổng UBND huyện Thanh Trì, huyện có diện tích nhỏ nhất Hà Nội.

Ngày 31/5/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 78-CP về việc chia các khu vực nội thành và ngoại thành của thành phố Hà Nội. Theo Quyết định thành lập huyện Thanh Trì mới trên cơ sở hợp nhất huyện Thanh Trì cũ và quận VII cũ, gồm thị trấn Văn Điển và 21 xã: Ngũ Hiệp, Tam Hiệp, Tân Triều, Thanh Liệt, Thanh Trì, Thịnh Liệt, Trần Phú, Tứ Hiệp, Vạn Phúc, Vĩnh Quỳnh, Vĩnh Tuy, Yên Mỹ, Yên Sở, Đại Kim, Định Công, Đông Mỹ, Duyên Hà, Hoàng Liệt, Hoàng Văn Thụ, Khương Đình, Lĩnh Nam.

Ngày 17/2/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 49-CP điều chỉnh địa giới một số xã, thị trấn thuộc các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Phúc Thọ và Thanh Trì thuộc thành phố Hà Nội. Theo Quyết định 4 xã: Liên Ninh, Ngọc Hồi, Đại Áng, Tả Thanh Oai của huyện Thường Tín và xã Hữu Hòa của huyện Thanh Oai thuộc tỉnh Hà Sơn Bình sáp nhập vào huyện Thanh Trì. Từ đó, huyện Thanh Trì có thị trấn Văn Điển và 26 xã.

Ngày 26/10/1990, chuyển xã Hoàng Văn Thụ về quận Hai Bà Trưng quản lý để thành lập phường Hoàng Văn Thụ, đến năm 2004 thì chuyển sang thuộc quận Hoàng Mai.

Ngày 22/11/1996, Chính phủ ban hành Nghị định 74-CP về việc thành lập quận Thanh Xuân, quận Cầu Giấy, thành lập và đổi tên một số phường thuộc thành phố Hà Nội, theo đó chuyển toàn bộ diện tích tự nhiên và nhân khẩu của xã Khương Đình, huyện Thanh Trì thuộc quận Thanh Xuân quản lý. Khi đó, huyện Thanh Trì gồm: thị trấn Văn Điển và 24 xã (Đại Áng, Đại Kim, Định Công, Đông Mỹ, Duyên Hà, Hoàng Liệt, Hữu Hòa, Liên Ninh, Lĩnh Nam, Ngọc Hồi, Ngũ Hiệp, Tả Thanh Oai, Tam Hiệp, Tân Triều, Thanh Liệt, Thanh Trì, Thịnh Liệt, Trần Phú, Tứ Hiệp, Vạn Phúc, Vĩnh Quỳnh, Vĩnh Tuy, Yên Mỹ, Yên Sở).

Ngày 6/11/2003, Chính phủ ban hành Nghị định 132/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập các quận Long Biên, Hoàng Mai, thành lập các phường trực thuộc quận Long Biên, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Theo Nghị định tách 9 xã: Đại Kim, Định Công, Hoàng Liệt, Thịnh Liệt, Yên Sở, Vĩnh Tuy, Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú và 55 ha diện tích tự nhiên của xã Tứ Hiệp cùng với 5 phường của quận Hai Bà Trưng là: Tương Mai, Tân Mai, Mai Động, Giáp Bát, Hoàng Văn Thụ để thành lập quận Hoàng Mai.

Văn hóa, di tích, danh thắng của huyện có diện tích nhỏ nhất Hà Nội

Thanh Trì có truyền thống lịch sử, văn hóa cách mạng lâu đời với 2 làng khoa bảng là làng Tả Thanh Oai - xã Tả Thanh Oai và làng Nguyệt Áng - xã Đại Áng

Huyện có nhiều danh nhân văn hóa nổi tiếng như: Đô hồ Đại vương Phạm Tu, danh nhân Chu Văn An, bảng nhãn Nguyễn Như Đổ, danh nhân Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Văn Siêu...

Huyện có 153 di tích, trong đó, có 82 di tích được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu như: Đền Bà Tía, chùa Tự Khoát, chùa Đại Lan, chùa Huỳnh Cung, đình Huỳnh Đô, đình Ngọc Hồi, chùa Ngọc Hồi, định Đại Áng, Chùa Linh Ứng, chùa Quang Ân... Đồng thời, Thanh Trì còn lưu giữ được nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc như: Múa Lân, múa Rồng, múa Sênh tiền, múa Bồng và các Lễ hội truyền thống của địa phương.

Chùa Quang Ân - xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1995

Huyện Thanh Trì vinh dự được 10 lần đón Bác về thăm. Ghi nhớ mãi lời dạy của Người, cán bộ và nhân dân Thanh Trì đang phấn đấu vươn lên đẩy mạnh sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh xứng đáng với phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho cán bộ và nhân dân huyện Thanh Trì, đó là danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2000) và Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2003).

Thu ngân sách huyện có diện tích nhỏ nhất Hà Nội

Theo số liệu báo cáo từ UBND huyện Thanh Trì, tính đến tháng 7/2023, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn tăng 13% so với cùng kỳ, thu ngân sách ước thực hiện 938,56 tỷ đồng, đạt 39,1% dự toán giao, tăng 17,2% so cùng kỳ.

Hoạt động thương mại - dịch vụ gắn với phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái tiếp tục đà tăng trưởng và đạt kết quả tốt; tổ chức thành công lễ công bố, trao bằng công nhận 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã Yên Mỹ, Đại Áng được công nhận là điểm đến du lịch trên địa bàn thành phố; tăng cường quản lý đất đai, trật tự xây dựng; quan tâm, nâng cao chất lượng công tác văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem