Hà Nội sẽ có 8 huyện lên quận: Có thể xảy ra "sốt đất"?
Hà Nội sẽ có 8 huyện lên quận: Có thể xảy ra "sốt đất"?
Minh Khôi
Thứ ba, ngày 27/04/2021 15:21 PM (GMT+7)
Theo lộ trình 8 huyện của Hà Nội lên quận sẽ diễn ra từ nay đến 2025 và 2030, giá nhà đất có thể tăng, nhưng khó có thể xảy ra "sốt đất" trên diện rộng.
Theo Chương trình số 04-CTr/TU về đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn vừa được Thành ủy Hà Nội ban hành, đến năm 2030, Hà Nội sẽ có thêm 8 quận.
Trong đó, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Xây dựng nông thôn mới theo hướng tiêu chí đô thị, nhất là với các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng sẽ phát triển lên quận giai đoạn 2021-2025. Các huyện Thanh Oai, Thường Tín, Mê Linh... lên quận vào giai đoạn 2026 - 2030.
Thông tin Hà Nội sẽ có 8 quận tiếp tục nhận được sự quan tâm lớn của dư luận. Bên cạnh những kỳ vọng phát triển Thủ đô trong tương lai, nhưng một số ý kiến lo ngại, thông tin trên sẽ gây ra đợt "sốt đất" trong thời tới.
Thực tế, lo ngại trên cũng có cơ sở bởi, câu chuyện giá đất tăng vọt sau thông tin quy hoạch hay lên đời các huyện không còn là câu chuyện xa lạ. Cách đây hơn 10 năm, khi tỉnh Hà Tây (cũ) sáp nhập về Hà Nội cũng đã từng tạo ra một cơn "địa chấn" về giá đất cho đến tận cuối năm 2010.
Ở giai đoạn này, giá nhà đất Hà Tây (cũ) đã tăng vọt từ mức 15-20 triệu đồng/m2 lên 140 triệu đồng/m2, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng hỗn loạn. Và kết cục sau đó vài năm, thị trường đóng băng khiến nhiều người "sống dở, chết dở" vì đã trót ôm đất ở những khu vực này.
Trở lại lo ngại với thông tin lên quận trong thời gian tới sẽ xuất hiện tiếp tình trạng "sốt đất", trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, về bản chất, việc thông tin kế hoạch phát triển Thủ đô trong tương lai luôn cần thiết. Các thông tin mang xu hướng phát triển này đều có thể làm tăng giá đất trong tương lai. Nhưng chênh lệch giá đất đó chỉ là niềm tin.
"Trong một lộ trình kế hoạch phát triển, nếu chúng ta không có đầu tư hạ tầng, đô thị nào… được triển khai thì giá đất chắc chắn lại xuống. Ngược lại, nếu chính quyền thành phố và các đơn vị đẩy nhanh việc đầu tư, có lộ trình đô thị hóa rõ ràng để đủ điều kiện lên quận… thì giá trị đất đai sẽ tăng", ông Đính nói.
Nhận định về khả năng "sốt đất" trong thời gian tới, ông Đính cho rằng, tình trạng "sốt đất" vẫn có khả năng xảy ra, nhưng nó sẽ diễn ra cục bộ ở một số nơi có yếu tố đặc biệt về đầu tư. Nhưng các loại đất đồi, đất trồng cây lâu năm, đất nông nghiệp khó tăng giá do bị kiểm soát, quản lý chặt từ cơ quan chức năng.
"Hiện nay, Hà Nội và nhiều địa phương đã vào cuộc ngăn chặn tình trạng "sốt đất". Thời gian tới, giá đất có thể tăng theo các thông tin quy hoạch, phát triển đô thị tích cực nhưng sẽ rất khó dẫn tới tình trạng "sốt đất" trên diện rộng. Giá đất sẽ tăng không cao, hợp lý hơn và tăng trong phân khúc dân cư", ông Đính nhấn mạnh.
Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, để kiểm soát được tốt "sốt đất" cũng như thu hút được nhà đầu tư tham gia vào sự phát triển đô thị chung của Thủ đô, Hà Nội cần phải duy trì được việc quản lý đất đai, thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. "Nếu không quản lý đất đai tốt, giá đất sẽ tăng vô lối, sẽ tạo ra rào cản khó thu hút nhà đầu tư bởi chi phí lớn".
Trao đổi về vấn đề này, bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, lộ trình các huyện này lên quận sẽ diễn ra từ nay đến 2025, 2030. Do đó, thị trường sẽ phải mất vài năm mới có thể phản ánh rõ rệt sự thay đổi, khác biệt ở giá bất động sản.
Để mức tăng giá bền vững, thị trường tại các địa phương cần hội tụ đầy đủ và đồng bộ các yếu tố như quy mô dân số, đầu tư cơ sở hạ tầng, quy tụ các cơ quan ban ngành...
"Nếu nhìn vào các huyện sẽ lên quận hiện nay, chúng ta có thể thấy đây là một chặng đường dài. Và điều cốt lõi tạo nên giá trị của việc lên đời các đơn vị hành chính là sự thay đổi về chất lượng sống của người dân, quy hoạch, hạ tầng, kinh tế phát triển".
Cũng theo bà Hằng, để nhìn thấy rõ sự thay đổi của các huyện này trong quá trình đô thị hóa cũng như những biến động của giá đất cần một lộ trình. Nhà đầu tư nếu muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư ngắn hạn cần hết sức cẩn trọng với các cơn sốt đất và rủi ro thanh khoản của khoản đầu tư.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.