Minh Khôi
Thứ hai, ngày 08/02/2021 06:30 AM (GMT+7)
Việc tăng hệ số đất sẽ gây áp lực với doanh nghiệp khi số tiền sử dụng đất tăng theo, từ đó giá nhà biến động, người chịu thiệt cuối cùng là người mua nhà, người dân...
Mới đây, chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký quyết định áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 (hệ số K) trên địa bàn thành phố trong năm 2021.
Theo đó, hệ số này làm căn cứ tính: Thu tiền sử dụng đất khi giao đất không thông qua đấu giá; thu tiền sử dụng đất khi tổ chức được công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội; xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất ở.
Cụ thể, đối với 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, hệ số K là 2,15. 3 quận gồm Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ hệ số K là 1,95. Đối với các thửa đất các quận còn lại hệ số K là 1,80.
Đối với thửa đất tại các xã khu vực giáp ranh quận; thị trấn thuộc các huyện (trừ thị trấn của các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phúc Thọ); các phường thuộc thị xã Sơn Tây: Hệ số K = 1,45.
Đối với thửa đất tại các xã còn lại thuộc các huyện; các xã của thị xã Sơn Tây; thị trấn của các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phúc Thọ: Hệ số K = 1,25.
Hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng từ ngày 01/01/2021 đến ngày 31/12/2021.
Khi hệ số K tăng thì người được hưởng lợi nhất đầu tiên là người dân khi nhận được số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng cao hơn. Trên thực tế, giá tiền bồi thường cho người dân được tính theo bảng giá đất nhân hệ số K vẫn thua xa giá trị chuyển nhượng thực tế trên thị trường.
Tuy nhiên, đã có nhiều ý kiến chuyên gia và doanh nghiệp lo ngại việc điều chỉnh hệ số K sẽ gây áp lực với doanh nghiệp khi số tiền sử dụng đất tăng theo, từ đó giá nhà biến động, người chịu thiệt cuối cùng là người mua nhà, người dân.
Ông Nguyễn Văn Đính - Phó tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho rằng hệ số K linh hoạt nhằm điều chỉnh giá đất đúng với thực tế dựa trên bảng giá đã có. Đối với những khu vực không khuyến khích phát triển các dự án như trung tâm, các quận nội đô thì hệ số K cao hơn. Đối với khu vực khuyến khích phát triển như ở các quận ven đô, ngoại thành thì hệ số K sẽ thấp hơn.
Đánh giá về hệ số K mới công bố, theo ông Đính hệ số K ở các khu vực trung tâm cao nhưng điều này là hợp lý vì hạn chế xây dựng phát triển các dự án trong trung tâm, thay vào đó phát triển cơ sở hạ tầng sẽ tốt hơn.
Ngược lại, hệ số K ở các quận ven đô, ngoại thành như Hoài Đức, Phúc Thọ… 1,80 là hơi cao sẽ không khuyến khích được doanh nghiệp phát triển các dự án, cần cân đối phù hợp hơn.
Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng việc tăng hệ số K sẽ tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp bất động sản vốn dĩ trong điều kiện bình thường đã phải chịu nhiều áp lực khác như thủ tục hành chính khó khăn, các định mức của ngành xây dựng cũng tăng.
"Giá đất chiếm tỷ trọng khá lớn trong cấu thành chi phí xây dựng một dự án. Do đó, hệ số K tăng, tiền sử dụng đất tăng sẽ áp lực lên giá bất các dự án bất động sản vì chủ đầu tư ít khi chấp nhận lợi nhuận thấp hơn hoặc làm mà không có lãi. Nhưng vấn đề là giá cao liệu thì trường có chấp nhận không là điều cần phải tính đến", ông Đính nói.
Giá nhà cao gấp 28 lần thu nhập người trẻ
Theo khảo sát từ Navigos, hiện giá nhà tại TP.HCM và Hà Nội đang cao hơn nhiều lần so với thu nhập của người dân.
Cụ thể, kết quả khảo sát cho thấy với thu nhập bình quân của sinh viên mới ra trường tại TP.HCM và Hà Nội là 72 triệu đồng một năm, trong khi giá căn hộ 2 phòng ngủ bình quân hiện đã lên đến 2 tỉ đồng. Như vậy, giá căn hộ hiện cao hơn thu nhập của người trẻ tới 28 lần.
Đối với nhân viên có kinh nghiệm lâu năm, thu nhập bình quân 120 triệu đồng một năm, thì giá căn hộ cũng cao gấp 17 lần thu nhập trung bình.
Đối với trưởng nhóm và giám sát có thu nhập trung bình 192 triệu đồng mỗi năm, thì giá căn hộ trên thị trường cao gấp 10 lần thu nhập.
Trong khi đó, cấp quản lý, trưởng phòng với thu nhập đạt 264 triệu đồng một năm, giá căn hộ trên thị trường cao gấp 7 lần thu nhập.
Các chuyên gia nhận định, trước tình trạng giá nhà đất liên tục "leo thang" và căn hộ giá rẻ biến mất trên thị trường, cơ hội để người trẻ có thể mua được nhà phải trông chờ vào chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà giá rẻ của Chính phủ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.