Hà Nội: Thông tin mới về vụ gần 600 con vịt chết nghi ăn ngô độc

Phú Lãm Thứ sáu, ngày 10/02/2017 10:35 AM (GMT+7)
Thông tin mới nhất từ Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ cho biết, địa phương đã tiến hành thu gom gần 200 xác vịt chết của gia đình ông Hợp. Sau khi, lưu giữ 3 xác vịt làm mẫu kiểm nghiệm, số còn lại đã tiến hành tiêu hủy theo quy định…
Bình luận 0

Đã tiêu hủy số vịt nhà ông Hợp

Đây là nhận định của ông Phùng Anh Tuấn – Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ. Ông Tuấn cho biết, kết quả liên ngành kiểm tra tại hộ ông Hoàng Văn Hợp (cụm 5, xã Phụng Thượng) có tổng đàn 1.900 con vịt, trong đó vịt đẻ 1.000 con, vịt hậu bị 900 con.

Hộ chăn nuôi khai báo ngày 03.02.2017 (ngày mùng 7 Tết) ông Hợp cho đàn vịt hậu bị ăn 1 xô ngô ngâm từ chiều hôm trước. Sau khi ăn khoảng 1 giờ, thấy vịt chảy dãi và giãy chết với số lượng khoảng 170 con.

img 

 Ngày 9.2, các cơ quan chức năng huyện Phúc Thọ đã tiến hành tiêu hủy số vịt chết của gia đình ông Hợp (thu từ 2 hộ xin về định cho baba ăn, nhưng chưa cho ăn cất trong tủ đông). Ảnh: Phú Lãm

Gia đình mua thuốc giải độc cho số vịt còn lại uống và sau khi uống vịt không chết nữa. Gia đình đã không báo hiện tượng vịt chết cho ban thú y xã và chính quyền địa phương mà tự  xử lý bằng cách đem số vịt chết này cho ông Bình và ông Khai– cụm 5 - Phụng Thượng để cho baba ăn. Hai hộ này chưa cho baba ăn mà vẫn lưu giữ trong tủ lạnh.

Số ngô ông Hợp mua ở đại lý (từ ngày 10.1.2017) với số lượng 1.300kg cùng chung với gia đình ông Tình (có hóa đơn). Theo ông Hợp, trong thời gian cho ăn từ ngày 10.1 đến trước ngày 3.2, vịt vẫn khỏe mạnh bình thường. Đến ngày 3.2.2017, mới có hiện tượng vịt chết với các triệu chứng sau khi ăn khoảng 30 - 60 phút: chảy dãi, giãy giụa, chết hàng loạt.

“Sau khi kiểm tra, chúng tôi đã thu gom số vịt chết từ hai hộ xin về định cho baba ăn (nhưng chưa cho ăn, cất trong tủ đông). Ngày 9.2, chúng tôi đã tiêu hủy cẩn thận, giữ lại 3 con vịt để làm mẫu. Gửi đi 2 con để giám định dịch bệnh. Nếu xác định được không có dịch bệnh thì đương nhiên là ngộ độc thức ăn”, ông Tuấn thông tin.

Khuyến cáo kiểm tra kỹ trước khi cho gia súc, gia cầm ăn

Với trường hợp gia đình ông Tình (cụm 3, xã Phụng Thượng), kết quả kiểm tra xác định tổng đàn vịt đẻ 870 con. Gia đình khai báo, ngày 25.1.2017 (28 tháng Chạp), ông Tình cho vịt ăn 3 xô ngô ngâm từ chiều hôm trước. Sau khoảng 1 giờ, thấy vịt chảy dãi và giãy chết với số lượng khoảng 400 con.

img

Cơ quan chức năng khuyến cáo người chăn nuôi, kiểm tra kỹ thức ăn trước khi cho gia súc, gia cầm ăn. Nếu thấy bất thường phải dừng lại, báo cho ban chăn nuôi thú y xã kịp thời xử lý. Ảnh: Phú Lãm

Gia đình đã không báo cho ban thú y xã và chính quyền địa phương mà tự xử lý bằng cách tiêu hủy, chôn tại vườn. Nhưng hỏi địa điểm tiêu hủy, để khai quật kiểm tra xác minh lại thông tin. Ông Tình khai báo lại là đã đóng bao tải vứt ra bãi rác Tây Ninh – xã Phụng Thượng.

Đoàn kiểm tra đã lưu ý gia đình tổng vệ sinh toàn bộ khu vực chăn nuôi, khi mua thức ăn phải có hóa đơn và hợp đồng mua bán. Đồng thời, phân tích cho hộ ông Tình hiểu, nếu gặp khó khăn trong phòng chống thiên tai, dịch bệnh, ngộ độc hoặc gia súc, gia cầm chết không rõ nguyên nhân phải khai báo với ban thú y xã và chính quyền để có phương hướng giải quyết, tháo gỡ và xử lý kịp thời. Tuyệt đối không được sử dụng xác gia súc, gia cầm chết cho động vật khác ăn gây phát tán lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến loài vật khác, hoặc làm ô nhiễm môi trường.

Ở diễn biến khác, đoàn kiểm tra chỉ đạo các bộ phận chuyên môn phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện xác minh lại thông tin số vịt chết nhà ông Tình vứt ngoài bãi rác Tây Ninh – Phụng Thượng có thật hay không để có các bước xử lý tiếp theo.

img

Trước đó, số ngô nghi vấn cũng đã được niêm phong, lấy mẫu. Ảnh: Phú Lãm

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ phân tích: Trường hợp kiểm nghiệm vịt chết có dịch bệnh, hộ ông Tình, ông Hợp sẽ bị xử lý về thú y rất nặng.

"Tôi chỉ mong không có dịch bệnh, để những hộ này từ nay về sau rút kinh nghiệm trong chăn nuôi. Nếu người dân báo cáo vịt chết mà cơ quan chức năng vào cuộc xác định do dịch bệnh sẽ tiêu hủy, trường hợp như vậy người dân sẽ được hỗ trợ. Còn do ngộ độc thức ăn, sẽ giải quyết theo những quy định pháp luật khác”, ông Tuấn nói.

Ông Tuấn thông tin thêm, địa phương đã rút kinh nghiệm, tăng cường công tác kiểm tra giám sát công tác phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, kinh doanh thức ăn, thuốc thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm; khuyến nghị nhân dân không tuyên truyền sâu rộng gây hoang mang vì đây là sự cố ngoài mong muốn.

Về công tác chuyên môn phòng chống dịch bệnh, các cơ quan chức năng huyện khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện tốt quy trình, kỹ thuật trong chăn nuôi đồng thời phải kiểm tra kỹ tình trạng thức ăn trước khi cho gia súc, gia cầm ăn, nếu thấy hiện tượng bất thường phải dừng ngay việc cho ăn và báo ban chăn nuôi thú y xã để kịp thời xử lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem