"Chúng ta không coi thường những đốm lửa nhỏ, những đốm lửa nhỏ nếu gặp nắng nóng và gió lớn, dễ bốc cháy cả cánh đồng, cả cánh rừng…" - Đây là phát biểu, giờ đã trở thành châm ngôn của Thủ tướng tại một hội nghị toàn quốc về giải quyết khiếu nại tố cáo.
Phương tiện đang thi công dự án
Cũng ngày hôm đó, ông đặt câu hỏi "người dân sống bằng cái gì khi chúng ta giải phóng mặt bằng". Dẫn số liệu trong số 100 vụ khiếu kiện thì tới 95 vụ là khiếu kiện về đền bù đất đai, giải phóng mặt bằng, Thủ tướng cho rằng "chúng ta nói phát triển kinh tế là cần thiết nhưng cần nghĩ tới quyền lợi tương xứng của người dân, không giải quyết thỏa đáng, đúng mức vấn đề này thì khó phát triển bền vững".
Nhưng “chân tường” là tình thế mà người dân Hải Phòng đang phải đối mặt khi TP thực hiện dự án “đại siêu thị” Aeon Mall với 157 hộ dân mất đất được đền bù với giá phải nói là rẻ mạt.
Nhìn lại quá trình thực hiện, “đại siêu thị” được thực hiện nhanh đến bất thường. Kể từ thông báo đầu tiên của Ban thường vụ Thành ủy tháng 5.2017, chỉ 14 tháng sau, tháng 4.2018, chính quyền đã tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của dân.
Bất thường, còn ở việc liên tục có các quyết định điều chỉnh thay thế 4 dự án, 6,4ha kể cả đó là dự án trụ sở tòa án, các tuyến đường, và cả vị trí Trung tâm hành chính quận Lê Chân... để nhường đất cho đại siêu thị.
Quá nhanh, quá nguy hiểm. Một dự án thuần túy thương mại, không thông qua đấu giá QSDĐ, không đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, những hộ dân với giá đền bù “kịch khung” là 100 ngàn đồng/m2 đất ruộng - một đơn giá khiến họ choáng váng và không còn cách nào khác là đâm đơn đi kiện.
Có thể, sẽ có phồn hoa, với những lời có cánh về lợi ích, về tương lai khi đại siêu thị mọc lên, nhưng đồng nghĩa với nó chính là những “đốm lửa” trong lòng dân.
Câu chuyện sẽ không thể rốt ráo chừng nào những quyết định, cho những dự án thương mại chiếm đất của dân vẫn còn được ký ráo hoảnh không hề quan tâm đến vấn đề "người dân sống bằng cái gì khi chúng ta giải phóng mặt bằng", không cả quan tâm đến những ẩn ức trong lòng họ.
Nếu trên nói cứ nói, dưới làm cứ làm như vậy thì liệu đến khi nào chúng ta mới chấm dứt con số ám ảnh: 70% khiếu tố là về đất đai, đặc biệt là đền bù, giải phóng mặt bằng?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.