Hàn Tín được xem là bậc danh tướng kiệt xuất, bách chiến bách thắng, được người đời gọi là "binh tiên", giúp Lưu Bang lập nên nghiệp lớn nhà Hán. Thời niên thiếu, Hàn Tín chịu nhiều tủi nhục nhưng vẫn vươn lên trở nên xuất chúng ghi danh sử sách.
1.1. Hàn Tín là ai?
Hàn Tín sinh năm 230 TCN và mất năm 196 TCN, thường được gọi theo tước hiệu Hoài Âm hầu. Ông được xem là nhà cầm quân xuất sắc, "thiên hạ vô địch, bách chiến bách thắng". Ông sống vào thời Hán Sở tranh hùng và được Hán Cao Tổ Lưu Bang ngợi ca là "Nắm trong tay trăm vạn quân đã đánh là thắng, tiến công là nhất định lấy thì ta không bằng Hoài Âm hầu."
Ông cùng Trương Lương và Tiêu Hà tạo nên "Hán sơ tam kiệt" danh chấn góp công giúp Lưu Bang đánh bại Tây Sở Bá vương Hạng Vũ, lập nên triều đại nhà Hán kéo dài suốt 400 năm.
Sách sử nhà Tây Hán có ghi lại, Hàn Tín là người ở Hoài Âm thuộc Sở quốc. Ông mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nhà nghèo phải làm nghề câu cá mưu sinh. Tuy nhiên cũng có tài liệu sử học thời đó nói Hàn Tín là người có xuất thân quý tộc. Ông là người có cả tên lẫn họ. Vào thời ấy thì dân thường không có tên chỉ có họ và chỉ có giới quý tộc mới được mang đầy đủ họ tên.
Hơn nữa Hàn Tín thường xuyên đeo một thanh bảo kiếm bên mình. Đeo kiếm là tượng trưng cho thân phận quý tộc vào thời đó. Ông đã bán hết nhà cửa, chỉ xách kiếm lang thang ngoài chợ vì muốn an táng và xây cất cho mẹ một ngôi mộ khang trang trên núi cao sau khi bà mất.
Khi đi ngang qua thấy nhà ai có cơm ăn, Hàn Tín thường vào xin ăn. Đến nhà của "Hạ hương đình trưởng" - một ông quan nhỏ trong vùng mà Hàn Tín quen biết để xin ăn, được một tháng thì người vợ của vị này thấy phiền phức nên đã thổi cơm ăn trước nửa canh giờ (một tiếng đồng hồ). Khi Hàn Tín đến nhà thì bữa cơm đã xong, cơm đã hết nên ông hiểu ra và sau đó liền tuyệt giao với người này.
Tiếp đến, để kiếm miếng cơm thì ông ra sông câu cá, nhưng ăn không no do câu không được nhiều cá. Ở bờ sông lúc ấy có những phiếu mẫu (phiếu: giặt lụa, phiếu mẫu: bà lão giặt lụa) hay mang cơm theo.
Trong đó có một bà lão thấy Hàn Tín là thanh niên trẻ tuổi, cao ráo nhưng lại không có cơm ăn nên sinh lòng thương cảm, liền lấy cơm cho ông ăn. Sau này khi đã thành danh, Hàn Tín đã quay lại tìm Phiếu Mẫu này để báo ơn.
1.2. Điển tích Hàn tín chịu nhục chui háng và cái dũng của kẻ sĩ
Thưở chưa thành danh xưng bá bốn phương, có một chuyện về Hàn Tín được lưu truyền trong dân gian là việc ông đã phải "chịu nhục chui háng".
Chuyện xưa kể lại gia cảnh của Hàn Tín thủa ấy bần cùng, áo không đủ mặc, cơm không đủ no nhưng chí hướng của ông lại cao nên khi đi ra ngoài, ông thường đeo bên mình một thanh bảo kiếm.
Cũng trong thành Hoài Âm nơi Hàn Tín ở, lúc đó có con trai của một người đồ tể là kẻ vô lại, ngang ngược, thường cậy mạnh bắt nạt người khác. Một lần, hắn ra đã chặn đường Hàn Tín ở nơi đông người nhằm hạ nhục ông. Kẻ kia ngang ngược quát lớn với ông: "Ngươi đeo kiếm làm gì? Ngươi có dám sát nhân không? Nếu ngươi dám sát nhân thì thử chặt đầu của ta xem. Nếu ngươi không dám sát nhân thì ngươi hãy chui qua háng của ta mà đi".
Đột nhiên xảy ra sự khiêu khích này, không hề sợ hãi Hàn Tín đã nhìn thẳng vào mặt kẻ đó thật lâu mà thần sắc không hề thay đổi. Hàn Tín thật sự đã chui qua háng kẻ vô lại đó mà đi tiếp. Người chịu nỗi nhục lớn một cách thản nhiên đến như vậy có thể phân làm hai loại: Loại đầu tiên là người không có ý chí, chỉ biết hưởng an nhàn sống tạm bợ qua ngày; loại còn lại là người chí hướng cao, tầm nhìn rộng, co được, giãn được, nhẫn nhịn được.
Những người có khí tiết hơn người thường được gọi là "kẻ sĩ hào kiệt" hay "hào kiệt chi sĩ". Khi thấy nhục, người bình thường liền không giữ được bình tĩnh mà "rút kiếm tương đấu". Đây không phải là cái "dũng" của kẻ sĩ theo quan niệm của người xưa. Phàm trong thiên hạ, người đại dũng là người gặp nguy không kinh, cũng như khi gặp rủi ro vô cớ cũng không phẫn nộ. Có tâm đại nhẫn, có tĩnh khí mới làm nên nghiệp lớn.
Điển tích Hàn Tín chui qua háng chịu nhục vẫn còn được lưu truyền đến tận ngày nay như một tấm gương để noi theo về khả năng "nhẫn nhịn".
2. Con đường trở thành công quốc khai thần nhà Hán của Hàn Tín
Hàn Tín là vị nguyên soái đã đem tài trí của mình giúp Lưu Bang đoạt thiên hạ, đánh bại Tây Sở bá Vương Hạng Vũ. Nói về Hàn Tín, người cho đây là bậc anh hùng hiếm có, nhưng cũng xem đây là bậc cơ xảo, kẻ tự tư tự lợi. Nhưng không thể khẳng định tài năng của binh tiên Hàn Tín đã đưa ông trở thành công quốc khai thần nhà Hán với công lao to lớn.
2.1. Lòng ôm chí lớn, tài năng không gặp thời
Dưới ách thống trị của nhà Tần, Trần Thắng là người đầu tiên đứng lên khởi nghĩa chống Tần vào năm 209 TCN. Theo đó, các thế lực khác cũng thi nhau nổi dậy, trong đó có thế lực của chú cháu họ Hạng là Hạng Lương và cháu là Hạng Vũ. Hàn Tín cầm kiếm ra bờ sông Vị Thủy xin tham gia vào nghĩa quân của hai chú cháu này. Hạng Vũ thấy Hàn Tín là người cao lớn, anh tuấn uy vũ, nhưng do xuất thân thấp kém, lại mang nỗi nhục chui háng kẻ khác, cho nên bị cả hai chú cháu họ Hạng xem thường và chỉ cho làm chấp kích lang (vác kích đứng hầu).
Tại trận chiến ở Đình Đào, Hạng Lương giáp chiến với Chương Hàm nhưng đối phương cố thủ không ra. Hàn Tín nhận ra âm mưu đánh úp cướp trại của Hàm nhưng khi báo với Hạng Lương thì lại bị coi thường, đuổi đi khỏi quân ngũ.
Đúng như những gì mà Hàn Tín đã dự đoán, Chương Hàm mở cửa thành đánh úp vào buổi đêm, Hạng Lương bị chém chết. Sau đó, ông vẫn ở lại làm chấp kích lang dưới trướng Hạng Vũ. Tuy nhiên, nhiều lần Tín bày mưu cho Hạng Vũ trong các trận chiến nhưng lại không được tin dùng.
Nhiều lần như thế, ông trở nên thất vọng, chán nản với Hạng Vũ, bỏ Sở theo Hán. Thế nhưng, khoảng thời gian đầu sau khi nhập quân cho Lưu Bang thì Hàn Tín cũng không được trọng dụng, cho đến khi có mối lương duyên gặp gỡ người tri kỷ là Tiêu Hà.
2.2. Tìm thấy lối thoát trong tuyệt vọng
"Cao sơn lưu thủy, tri kỷ khó tìm", thế nhưng đối với Hàn Tín thì người ông tri kỷ nhất lại vừa là vinh, vừa có ơn nhưng lại mang oán hận mà rời xa nhân thế khó diễn đạt thành lời. Nhắc đến tri kỷ của Hàn Tín thì phải nói đến Tiêu Hà - Thừa tướng kiến lập Tiêu Hà. Cả cuộc đời của Hàn Tín thành hay bại cũng tại Tiêu Hà.
Hàn Tín đã bỏ sở theo Hán sang đầu quân cho Lưu Bang sau khi nhận thấy bản thân không được Hạng Vũ trọng dụng. Thế nhưng, Hàn Tín vẫn không được trọng dụng khi đầu quân cho Lưu Bang, cho nên chỉ giữ chức quan nhỏ, trông coi lương thảo. Bước ngoặt của Hàn Tín chỉ xảy ra sau khi gặp Tiêu Hà - người thân tín bên cạnh của Lưu Bang. Tiêu Hà đã phát hiện sở học kỳ tài của Hàn Tín sau nhiều buổi gặp mặt bàn chuyện về binh pháp hay những vấn đề liên quan khác, và ông chắc chắn rằng khó ai sánh được tài năng của Tín.
Sau nhiều ngày tại Hán Trung tiếp xúc với Tiêu Hà, nhưng vẫn không được Lưu Bang trọng dụng, Tín đành ôm nỗi thất vọng bỏ đi. Tiêu Hà nhận thức được việc để mất một kỳ tài như vậy là tổn thất lớn của nhà Hán. Do đó mà bất kể đêm hôm, Tiêu Hà đã phi ngựa đuổi theo khi nghe tin Hàn Tín bỏ doanh trại mà đi. Đây cũng chính là khởi nguồn của điển tích: "Tiêu Hà nguyệt hạ truy Hàn Tín (dưới ánh trăng, Tiêu Hà truy đuổi Hàn Tín)". Cũng bởi vì quá vội vàng cấp bách mà ông cũng không kịp cho người bẩm báo lại cho Lưu Bang, gây ra sự hiểu nhầm khiến Lưu Bang nghĩ Tiêu Hà bỏ trốn.
Bởi vì hoàn cảnh đương thời khó khăn, cuộc sống trong doanh trại lại khổ cực nên chuyện binh sĩ đào binh rất phổ biến. Lưu Bang giật mình "thất sắc" khi thấy Tiêu Hà không từ mà biệt. Ông cho rằng đến cả người thân tín bên cạnh mình như Tiêu Hà cuối cùng cũng bỏ đi thì bản thân biết phải làm sao? Nhưng sau khi Tiêu Hà đem được Hàn Tín trở lại doanh trại và thưa với Lưu Bang: "Nếu như ngài chỉ làm một Hán Trung vương, vậy thì tại hạ đem Hàn Tín về là việc dư thừa. Nhưng nếu như ngài muốn xưng bá thiên hạ, vậy Hàn Tín lại chính là một bậc tướng tài không thể không có".
Nghe theo kiến nghị của Tiêu Hà, Lưu Bang đã cho Hàn Tín nắm quyền thống soái quân đội. Kể từ đó, lịch sử nhà Hán bước sang một trang mới và viết nên truyền kỳ về một vị tướng Hàn Tín "điều binh khiển tướng, uy danh thiên cổ" góp phần kéo dài lãnh thổ nhà Hán. Tiêu Hà mang đến cho Hàn Tín cơ hội và thành tựu nên có thể nói cuộc đời của Tín thành bởi Tiêu Hà.
Lưu Bang sau khi lên ngôi hoàng đế và nắm giữ quyền lực cao nhất thì bắt đầu sinh lòng đố kỵ tài năng cũng như chiến công của Hàn Tín, đồng thời cũng lo lắng việc Tín sẽ mưu phản lại mình. Hàn Tín dù có công lao to lớn, giúp nhà Hán đánh chiếm hơn nửa giang sơn cũng như bao lần cứu thoát Lưu Bang và gia quyến thì Hàn Tín cũng không thể thoát khỏi kiếp nạn của mình.
Kết cục cuối cùng của một đại tướng là bị người tri kỷ của mình - Tiêu Hà bày kế lừa vào Trường Lạc Cung rồi bị Lã Hậu cho người giết chết. Sau cùng Tín bại bởi Tiêu Hà.
2.3. Công quốc khai thần một tay xây dựng cơ đồ nhà Hán
Trong Tam Kiệt - khai quốc công thần của nhà Hán, có thể nói rằng Hàn Tín đóng góp công lao lớn nhất. Một tay Tín đã diệt Tam Tần, bình định nước Hàn, sau đó giải vây cho Hán Vương ở Huỳnh Dương khi đánh bại quân nước Sở, cũng như chiến công vang dội của ông khi bắc phạt diệt các nước Ngụy, Triệu, Yên, Tề.
Nếu không có tài năng và bản lĩnh của Hàn Tín, quân Hán sẽ không thể vượt qua được Tần Lĩnh để tiến về phía Đông cũng như đảo bại thành thắng trước Sở quốc. Trong trận Cai Hạ, cũng chỉ vì có sự xuất hiện của Hàn Tín mà Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ phải rước đại bại.
Sau này, Tào Tháo luôn cố gắng đi tìm một vị tướng tài như Hàn Tín để bình định thiên hạ, nhưng nhân tài "ngàn năm có một" như Tín lại không xuất thế vào thời Tam quốc chiến.
Những trận đánh nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của ông được hậu thế nhớ mãi và nhắc đến, cũng như xem đó là bài học về nghệ thuật quân sự, như trận thế "bối thủy" phá Triệu, ngăn nước sông Tuy Thủy giết Long Thư - danh tướng Sở quốc.
Dân gian ghi nhận rằng có nhiều thành ngữ Trung Quốc sau này nói về binh pháp được lấy từ những chiến thuật mà Hàn Tín đã sử dụng trong các trận chiến, như Hàn Tín điểm binh, Minh tu sạn đạo, Thập diện mai phục, ám độ Trần Thương (sau này đã được biên tập lại thành một trong 36 kế của nhà binh).
Về mặt quân sự, trong tranh chấp giữa 2 thế lực Hán và Sở, có lẽ là không ngoa khi nói gần như một mình Hàn Tín là người quyết định cán cân nghiêng về phía nào. Là người giỏi binh pháp, ưu việt về mặt quân sự, nhưng trên chiến trường thì Tín lại không phải là đối thủ của Lưu Bang.
3. Kế Tứ diện Sở ca và chiến thắng trước Tây Sở Bá Vương
Hán - Sở quyết chiến trận đánh cuối cùng vào năm 202 TCN tại Cai Hạ. Lúc này binh lực của quân Hán được ước chừng nằm trong khoảng từ 70 đến 80 vạn quân; trong khi đó, quân nước Sở của Hạng Vũ chỉ có khoảng 10 vạn. Hàn Tín đã chính diện nghênh đón quân Sở với 30 vạn quân.
Quân Hán cuối cùng cũng đánh bại được quân Sở sau khi trải qua mấy lần giao tranh nhưng cũng nhận nhiều thương vong, tổn thất nghiêm trọng. Trong thế trận giằng co của đôi bên, Hàn Tín đã hạ lệnh cho binh sĩ hát bài hát đặc trưng của nước Sở, nhằm khiến binh sĩ Sở mất ý chí chiến đấu.
Nghe được tiếng hát trong đêm, Hạng Vũ và binh sĩ tinh thần hoang mang, cảm thấy tứ bề bị cô lập, sợ hãi khi nghĩ quân Hán đã chiếm lĩnh hoàn toàn được Sở địa.
Mấy đêm liền, Hạng Vũ vừa ngồi uống rượu trong quân trướng, hồi tưởng những chuyện đã qua, có Ngu Cơ xinh đẹp ở bên, có bảo mã Ô Chuy, những trận chiến từng trải qua, ông hùng hồn bi ca cũng như cho ra đời kiệt tác "Cai Hạ ca" về người anh hùng mạt lộ để lại tới tận hậu thế sau này:
Sức dời núi, khí trùm trời,
Ô Truy chùn bước bởi thời không may!
Ngựa sao chùn bước thế này?
Ngu Cơ, biết tính sao đây hỡi nàng?
Sau khi nghe Hạng Vũ hát vài lần, Ngu Cơ cũng cất tiếng hát theo. Cả hai cùng chảy nước mắt, chẳng ai dám ngẩng lên nhìn, thậm chí những binh sĩ, thân vệ hai bên cũng rơi nước mắt.
Khi bài ca kết thúc, Ngu Cơ đã rút kiếm tự vẫn để Hạng Vũ có thể trốn thoát. Nhân lúc đêm khuya, ông đã cưỡi trên chiến mã Ô Truy và dẫn 800 kỵ binh để phá vòng vây, chạy về phía Nam. Giai thoại này đã tạo nên điển tích "Bá Vương Biệt Cơ" kể về mối tình của Tây Sở Bá vương và nàng Ngu Cơ.
Cũng trong trận chiến này, điển tích Tứ diện sở ca cũng ra đời mang nghĩa bốn bề thọ địch. Dù bị dồn vào đường cùng, Hạng Vũ vẫn dũng mãnh, một mình một ngựa giết chết hơn trăm quân Hán khi phá vòng vây bị đuổi giết. Khi đứng bên dòng sông Ô Giang, Hạng Vũ đã lựa chọn tự vẫn bởi ông cảm thấy bản thân không còn mặt mũi nào đối mặt với các phụ lão Giang Đông.
Chấm dứt trận chiến Cai Hạ cũng là chấm dứt hỗn chiến thời mạt Tần, mở ra thời Hán hưng với hơn 400 năm lịch sử huy hoàng ảnh hưởng đến cả Trung Hoa ngày nay.
4. Hàn Tín và Hạng Vũ, ai giỏi hơn?
Tây Sở Hạng Vũ bá khí ngất trời , anh dũng thần võ, được mệnh danh là chiến thần nhưng cuối cùng lại phải đại bại dưới tay Hàn Tín. Nếu không có Hàn Tín, ngay đến cả Hán Trung có khi Lưu Bang cũng không thể chiếm được. Mà cho dù Lưu Bang có trong tay Hán Trung thì cũng khó lòng có thể đánh bại được Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ.
Nhà sử học nổi tiếng Dịch Trung Thiên cho rằng chỉ vì Hạng Vũ do dự thiếu quyết đoán, cho nên Hàn Tín đã chê bai Tây Sở Bá vương là người có lòng nhân của đàn bà. Nhưng chính ông lại không biết bản thân mình cũng là người như thế và Hàn Tín cũng không biết rằng phàm là đàn bà vị tất đều có lòng nhân. Tuy nhiên, người có lòng nhân của đàn bà như Hàn Tín sau cùng lại bị một người đàn bà bất nhân, là Lã Hậu, giết hại. Cuộc đời của Hoài Âm Hầu đúng với câu "Sinh tử nhất tri kỷ, tồn vong lưỡng phụ nhân"
Đồng thời, khi so sánh Hàn Tín và Hạng Vũ thì nhà sử học Dịch Trung Thiên cũng cho hay: "Hạng Vũ là kẻ không biết mình cũng không hề biết người nên đại bại. Hàn Tín là kẻ biết người nhưng lại không biết mình nên tuy có thành công, tạo nghiệp lớn nhưng cuối cùng cũng chuốc lấy thất bại vào người. Xét thấy Sở bá vương Hạng Vũ là người anh hùng triệt để, anh hùng bản sắc nên đã có cái chết oanh liệt trên dòng sông Ô Giang. Hàn Tín phải khó khăn trăm bề mới có thể trở thành người anh hùng, là anh hùng không triệt để nên ấm ức mà có cái chết tức tưởi."
5. Vị đại tướng "công cao át chủ"
Câu nói "Hán thất là do một tay Hàn Tín lấy về" được lưu truyền trong dân gian có lẽ rất chính xác.
Từ khi được Lưu Bang tin dùng, chỉ trong vòng 10 năm cầm quân thì Hàn Tín đã đích thân chinh chiến, gặt hái hết thành công này cho đến những thành công khác.
Tân Tần là từ chỉ ba thế lực do các vua chư hầu thời nhà Tần, là Ung vương - Chương Hàm, Tắc vương - Tư Mã Hân và cuối cùng là Địch vương - Đổng Ế. Hàn Tín đã dẫn quân bình định Tam Tần vào năm 206 TCN.
Dưới khả năng chỉ huy quân sự thiên bẩm đầy bản lĩnh của Hàn Tín, đội quân của ông đánh đâu thắng đó khi chinh phạt nước Hàn, diệt Ngụy, lấy Triệu, thu phục Yên quốc, đóng chiếm nước Tề và đánh bại kẻ thù lớn mạnh nhất là Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ.
Theo kế của Trương Lương, Lưu Bang bội ước mang quân đi đánh úp Hạng Vũ vào năm 202 TCN nhưng cuối cùng chỉ rước lấy đại bại. Bước vào đường cùng, Lưu Bang mới cậy nhờ Hàn Tín và Bành Việt đưa quân đến tiếp viện. Trong trận chiến ở Cai Hạ, nhờ có tài năng và bản lĩnh của Tín thì mới vây chặ,t dồn Tây Sở Bá Vương vào đường cùng, hạ gục đối thủ lớn nhất ngáng đường Lưu Bang trên con đường thống nhất Trung Hoa.
Dưới sự đề cử của vua các chư hầu và Hàn Tín cũng như các tướng lĩnh khác và người dân, Lưu Bang bước lên ngôi vị hoàng đế, xưng hiệu Hán Cao Tổ. Thế nhưng tình cảnh của Hàn Tín lại lâm vào cảnh ngày càng thê thảm khi Lưu Bang giành được ngôi báu đúng như những gì mà Khoái Triệt và Vũ Thiệp dự đoán từ trước.
Sau khi quân Hán rút về phía Bắc tới Định Đào khi trận chiến Cai Hạ kết thúc thì Lưu Bang bất ngờ xông vào doanh trại của Hàn Tín tập kích thu hết binh quyền có trong tay ông. Đồng thời, Hán Cao Tổ cũng đổi đất phong của Hàn Tín, từ đất Tề phì nhiêu, màu mỡ thành đất Sở cằn cỗi. Thêm vào đó, đất phong mới của ông cũng cách xa những vùng lãnh thổ mà một tay Hàn Tín đem về cho nhà Hán là Tề quốc, Triệu quốc và Yên quốc.
Đối diện với sự tuyệt tình đoạn nghĩa của Lưu Bang, Hàn Tín cũng không một lời oán thán, vẫn bình tĩnh nhận mệnh trở về Sở quốc - cố hương của mình.
Điều đầu tiên khi Hàn Tín trở về quê hương là đi gặp ân nhân Phiêu mẫu - bà lão năm xưa cho ông ăn cơm - và tặng nghìn lượng vàng để hậu tạ. Sau đó ông lại tìm đến nhà đình trưởng Nam Xương, trao một trăm tiền cho ông ta gọi là trả tiền cơm năm xưa. Hàn Tín cũng có đôi lời nói với đình trưởng: "Nhà ngươi làm việc tốt nhưng lại có thủy mà không có chung [ý chỉ là người làm việc có đầu mà không có cuối], chỉ có thể xem là một kẻ tiểu nhân không thấu hiểu nhân tình đại nghĩa."
Người cuối cùng Hàn Tín tìm đến là con trai của kẻ đồ tể đã bắt ông chui qua háng chịu nhục năm đó. Người thanh niên này sau khi nghe nói người bị ông ta làm nhục năm xưa chính là tân Sở Vương thì nơm nớp lo sợ, cho rằng bản thân sắp chết. Thế nhưng Hàn Tín lại không hề làm khó người thanh niên này, lại còn khen đây là kẻ tráng sĩ và phong cho chứng trung úy phụ trách trông coi trị án của Hoài Âm thành.
Sau khi giải quyết những chuyện riêng tư xưa cũ nơi đây, Hàn Tín bắt đầu cai quản lãnh địa của mình. Trước tiên, ông đã đi tuần tra thị sát đất Sở nhằm đưa ra những chính sách giải quyết các vấn đề cấp thiết của người dân sau chiến tranh. Đồng thời Hàn Tín cũng thành lập một đội quân để bảo vệ thái ấp, thành lũy. Kế hoạch và tham vọng của Hàn Tín là xây dựng một nước Sở phồn vinh, hùng mạnh và hưng thịnh.
6. Cái chết tức tưởi bi thảm của đại công thần
Sử Ký của Tư Mã Thiên đã ghi lại vài dòng về cái chết của Hàn Tín: "Năm 196 TCN, Trần Hy mưu đồ làm phản, Lưu Bang thân hành làm tướng, đem quân đi đánh. Hàn Tín lập mưu tập hợp người nhà làm phản ở kinh đô nhằm nội ứng cho Trần Hy. Nhưng lại có người môn hạ đắc tội với Hàn Tín khi ấy bị ông bỏ tù và sắp bị giết, em của người này đã báo tin cho triều đình, tố cáo Tín đang lập mưu làm phản".
Lã Hậu đã nhân cơ hội này âm thầm lên kế hoạch với Tiêu Hà đang là Tướng quốc đương triều, nhằm nhanh chóng trừ khử Hàn Tín trong lúc Lưu Bang đang dẫn quân rời kinh dẹp loạn.
Cả hai đã phao tin Hán Cao Tổ Lưu Bang đã giết được Trần Hy ngoài chiến trường, mời chư hầu vào cung ăn mừng. Hàn Tín không hề đề phòng Tiêu Hà mà đi vào cung, kết quả vì chủ quan mà ông đã bị các võ sĩ mai phục trói lại, dùng côn đánh rồi đem đi chém ở nhà treo chuông tại Trường Lạc Cung và vu cáo ông hãm hại Lã Hậu và Thái tử. Sau đó đem xương cốt, thịt cho chó ăn. Cả cuộc đời Hàn Tín đúng là thành bởi Tiêu Hà nhưng bại cũng tại Tiêu Hà.
Nhiều tài liệu sử học ghi lại, chiến thần Hàn Tín trước lúc bị hành hình không cam lòng mà thốt lên: "Ta hối hận vì không nghe mưu kế của Khoái Triệu, cho nên mới bị bọn đàn bà, con nít lừa dối. Há chẳng phải vì trời muốn thế hay sao?".
Sau đó, Lã Hậu đã hạ lệnh tru di tam tộc của Hàn Tín cũng chỉ bởi vì câu nói đó. Cái chết trong oán thán, tức tưởi đã khép lại cuộc đời của đại tướng quân "uy chấn sa trường" thời ấy. Ngày hôm đó, máu nhuộm thành Trường An, mùa đông giá rét, tuyết lớn mênh mông, âm thanh gào khóc đi kèm với tiếng gió rít của gió bắc lạnh thấu xương phiêu đãng khắp thành Trường An. Tất cả người dân khắp thành Trường An đều than khóc, không ai là không cảm thấy bi thương.
Hàn Tín chết như thế nào luôn là câu hỏi dấy lên nhiều cuộc tranh luận trong giới sử học. Nhiều người đưa ra quan điểm sau khi đã lập "đại công át chủ" thì Hàn Tín đã trở nên tự kiêu, bộc lộ dã tâm trắng trợn, từng cưỡng ép Lưu Bang phong mình làm vương; đồng thời, ông cũng lập mưu làm phản. Hán Cao Tổ ghi nhận những chiến công của đại tướng quân Hàn Tín nên đã miễn chết và chỉ giáng chức ông nhưng Hàn Tín lại không hối cải, luôn muốn cướp ngôi vương của Lưu Bang cho nên Lã Hậu và Tiêu Hà đã ngầm nhận lệnh lập mưu giết Hàn Tín.
Nhưng cũng có ý kiến phản bác minh oan cho Hàn Tín: Khi Tín cầm trong tay binh lực hùng hậu tại sao không phản, lúc Lưu Bang gặp nạn Tín cũng không phản mà phải đợi đến khi Lưu Bang trở thành Hán Cao Tổ nắm trong tay mọi quyền lực rồi mới lập mưu tạo phản?
Vụ án oan khuất của Hàn Tín đã trở thành vết đen không thể xóa nhòa đối với thanh danh của cặp Đế hậu Lưu Bang - Lữ Trĩ. Sự việc Hàn Tín bị giết đột ngột và kết thúc nhanh chóng mà không hề qua khâu luận tội, xét xử như bất cứ vụ án nào từng xảy ra khiến người đời sau phải suy nghĩ.
7. Binh pháp Hàn Tín - tinh túy binh pháp Trung Hoa
Nhờ vào tài hoa phi phàm trên lĩnh vực quân sự, tinh thục binh pháp, thao lược diệu dụng trên chiến trường cho nên những mỹ danh như "chiến thần", "tiên binh", "binh thánh" là dành cho Hàn Tín. Ông được cho là hội tụ cả văn lẫn võ, trên yên ngựa là thần soái thống lĩnh trăm quân nhưng khi cầm bút chính là Thái Đẩu.
Hàn Tín không chỉ cùng với Tiêu Hà chỉnh lý lại luật pháp trong quân trại mà còn cùng Trương Lương sắp xếp, chỉnh sửa lại những binh pháp được để lại từ thời tiên Tần. Đây cũng chính là lần chỉnh lý binh thư có quy mô lớn đầu tiên trong lịch sử phong kiến Trung Hoa.
Căn cứ vào binh pháp "Tư Mã pháp" của Tư Mã Nhương Thư - danh tướng nước Tề thời Xuân Thu, Hàn Tín phân loại các tư tưởng của binh gia. Đồng thời ông cũng đem binh pháp phân thành 4 loại: "quyền mưu, âm dương, hình thái, kỹ xảo."
"Kỷ tấu binh lục" (tổng hợp các ghi chép các bài tấu về dùng binh) của Dương Bộc - tướng lĩnh thời kỳ Hán Vũ Đế - hay những tướng lĩnh sau này khi nhận mệnh hiệu đính, chỉnh lý binh thư đều không thể thoát ly khỏi những quy chế đã được Hàn Tín thiết lập. Hậu thế coi loại phương pháp phân loại binh thư này là kinh điển. Và khi biên soạn về binh thư và lý luận binh pháp thì đều lấy nó làm chuẩn mực.
Khi bị Hán Cao Tổ Lưu Bang quản thúc, Hàn Tín đã dùng khoảng thời gian này ở nhà viết sách. Ông đã tổng kết được ba thiên binh pháp "Hàn Tín" khi đúc rút những kinh nghiệm bao năm cầm quân trên chiến trường, trải qua những trận chiến lớn nhỏ. Đồng thời Hàn Tín cũng dung hợp được vào đó những binh học thời Tiên Tần để lại. Điều này góp phần khiến cho binh thư trước thời nhà Hán được lưu giữ và truyền lại cho đời sau một cách tương đối hoàn chỉnh. Về sau, cuốn sách ba thiên binh pháp Hàn Tín này trở thành một trong mười ba gia của cuốn "Binh quyền mưu."
Ban Cố - nhà sử gia nổi tiếng Trung Quốc - giải thích rằng "Binh quyền mưu" chính là "quyền mưu giả, dĩ chính thủ quốc, dĩ kỳ dụng binh, tiên kế nhi hậu chiến, kiêm hình thế, bao âm dương, dụng kỹ xảo giả dã."
Ngụ ý mang nghĩa "người cầm quyền mưu, lấy nghiêm chính để giữ nước, lấy mưu kế để dụng binh; mưu kế trước đánh, trận sau; nắm bắt được hình thế, am hiểu âm dương, biết dùng người tài." Tinh túy thực sự của binh pháp Trung Hoa sau khi trải qua hàng ngàn năm lịch sử có lẽ là đây.
8. Được hậu thế rửa hờn trong từng áng thơ văn
Cảm thông cho nỗi oan của Hàn Tín, thương xót cho vị binh tiên toàn tài trung thành nhưng bị đối xử bạc bẽo mà chết oan khuất thì đời sau, một nhà văn Trung Quốc đã sáng tác nên truyện thơ Trọng Tương vấn Hán. Bộ truyện thơ hư cấu này đã từng được chuyển thể sang tiếng Việt bằng thơ lục bát vào đầu thế kỷ 20.
Tiền căn báo hậu kiếp thời Hán Sở tranh hùng luân hồi cho đến cuối đời Đông Hán - Tam Quốc là những nội dung cơ bản mà Trọng Tương vấn Hán nhắn tới.
Theo đó, Hàn Tín đầu thai làm Tào Tháo vào kiếp sau, Hán Hiến Đế Lưu Hiệp chính là kiếp sau của Hán Cao Tổ Lưu Bang, còn Lã Hậu đã được luân hồi chuyển kiếp làm Phục Hậu. Kiếp trước Hàn Tín bị Lưu Bang phụ bạc, Lã Hậu lập mưu giết oan, kiếp sau Tào Tháo vẫn làm bầy tôi trung thành của nhà Hán dưới trướng Hiến Đế, nhưng lại ra sức dùng quyền lực chèn ép ức hiếp Hiến Đế và Phục Hậu - Lã Hậu đầu thai, vợ của Hiến Đế. Những hành động của Tào Tháo đã làm với nhà Hán chính là luật nhân quả.
Việt Nam cũng có nhiều bài thơ viết về lòng tiếc thương cho binh tiên Hàn Tín. Đại Thi Hào Nguyễn Du có hai bài thơ, nhà thơ Lê Quý Đôn cũng viết một bài, thậm chí đến nhà vua Trần Anh Tông cũng có nhắc về Hàn Tín.
9. Sự trùng hợp trong lịch sử khi tồn tại một Hàn Tín khác cùng thời
Lịch sử luôn có những sự trùng hợp không thể ngờ tới. Cùng thời đại với binh tiên Hàn Tín cũng có một nhân vật khác cũng mang tên là Hàn Tín. Vị Hàn Tín này là con cháu nước Hàn vào thời Chiến Quốc. Các nước ở Sơn Đông tập hợp lực lượng nổi dậy chống Tần đã lấy danh nghĩa của con cháu mang huyết thống chư hầu cũ lên ngôi.
Hạng Lương là một đại thần của Sở quốc đã sai Trương Lương đi tìm Hàn Thành để lập thành Hàn Vương. Do là người cùng mang họ Hàn nên Hàn Tín nhờ đó là được làm tướng. Sau khi Hàn Thành bị Hạng Vũ giết chết, Lưu Bang đã lập Hàn Tín làm Hàn Vương để có phe cánh chống lại Hạng Vũ.
Hạng Vũ đã vây chặt Huỳnh Dương vào năm 204 TCN, khiến cho Lưu Bảng phải nhờ Kỷ Tín cải trang thành mình để chạy thoát về Thành Cao. Đồng thời ông cũng cử Hàn Tín cùng Tung Công, Chu Hà và Ngụy Báo ở lại bảo vệ thành. Sau khi biết bị Kỷ Tín lừa, Hạng Vũ giết Tín rồi triển khai đánh thành mạnh hơn nữa. Tung Công, Chu Hà đã giết chết Ngụy Báo vì sợ Báo mang tâm phản Hán lần nữa.
Sau tất cả, Hạng Vũ đã hạ được thành. Do không hàng nên Hàn Tín bị cầm tù, Chu Hà và Tung Công bị giết. Ngay lúc này, tại một nơi khác thì Đại tướng quân Hàn Tín của nhà Hán đang dẫn quân đi bình định nước Triệu.
Diệt xong Sở bá vương Hạng Vũ, Hàn Tín được Lưu Bang cải phong lên vùng xa xôi Thái Nguyên giáp địa giới Hung Nô. Cách làm này giống hệt như cách làm đối với Hoài Âm Hầu Hàn Tín. Do đó mà dẫn đến việc Tín nung nấu lòng làm phản, đưa quân Hung Nô vào đánh nhà Hán, sau đó thua chạy phải sang nương nhờ Hung Nô.
Cả hai Hàn Tín này đều là những người nổi danh trong thời Tần mạt Hán hung, đều là người theo thờ Hán Cao Tổ Lưu Bang và bị vua phụ, chết cùng trong một năm. Sự trùng hợp ngẫu nhiên này có lẽ chỉ có một không hai trong lịch sử phong kiến Trung Hoa.
Đại công thần khai quốc nhà Hán Hàn Tín là một phần không thể thiếu trong lịch sử phong kiến Trung Hoa. Danh xưng "Binh Thánh" đã đủ nói lên tài năng dụng binh cầm quân của ông khi không có trận đánh nào là không thắng, không có trận tập kích nào của quân thù mà không thể đối đầu được.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.