Hàng chục nghìn hộ dân ở thủ phủ Tây Nguyên "khát nước"

Đặng Trung Kiên Thứ bảy, ngày 12/05/2018 08:00 AM (GMT+7)
Hàng chục nghìn hộ dân tại TP Buôn Ma Thuột, đô thị loại I, trung tâm vùng Tây Nguyên đang bị cúp nước sinh hoạt luân phiên, có nơi phải “nhịn” 4 ngày mới có nước được vài giờ. Trong khi đó, dự án cấp nước trị giá 30 triệu USD lại bị chậm tiến độ vì… một vài hộ dân.
Bình luận 0

                       img

Người dân hứng từng xô nước từ xe bồn 

Một ngày có, bốn ngày không

Cả tháng nay, hàng chục nghìn hộ dân ở TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) bị cúp nước sinh hoạt luân phiên (1 ngày có, 1 ngày không), một số khu vực có địa hình cao như xã Cư Êbur, phường Tân Lợi… thì cúp 3 – 4 ngày liên tục.

Anh Lê Văn Thành – thôn 1B, xã Cư Êbur – mệt mỏi nói: “Cúp 4 ngày liên tục, nhưng ngày có nước thì phải 22h nước mới về tới đây, chảy nhỏ giọt được vài tiếng, đến khoảng 4 – 5 giờ là cúp tiếp. Do vậy tôi phải thức trắng đêm hứng nước, chứa vào bất cứ thứ gì có thể đựng nước, từ bồn, can, thau chậu…”. Cũng ở thôn 1B, chỉ những gia đình có máy bơm thì nước mới lên được bồn, còn lại chỉ trữ nước bằng can, xô, chậu nên tiết kiệm lắm cũng chỉ được 1 – 2 ngày. 

Còn ông Trần Thế Luyến (đường Hà Huy Tập, phường Tân Lợi) cho biết, mùa khô năm nào gia đình ông cũng bị cúp nước, khiến sinh hoạt bị đảo lộn. Hết chịu nổi, vừa rồi ông phải bỏ ra gần 50 triệu đồng để khoan giếng, chủ động nguồn nước sinh hoạt. “Biết là tốn kém nhưng tôi không còn cách nào khác, mùa khô năm nào cũng căng thẳng vì thiếu nước thì chịu sao nổi?”, ông Luyến nói.

                        img

Công ty Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk chở từng xe bồn cấp nước cho người dân 

Ông Trần Văn Thiện -  Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk – cho biết, hệ thống cấp nước do đơn vị quản lý có tổng công suất thiết kế 57.000 m3/ngày đêm, trong đó khai thác nước ngầm 50.000 m3/ngày đêm. Đến thời điểm này, mực nước ngầm đã sụt giảm nghiêm trọng. “Chúng tôi có 30 giếng khoan thì 20 giếng đã cạn sạch, 10 giếng còn lại chỉ khai thác được 50% công suất. Do vậy công suất cấp nước toàn hệ thống chỉ còn 36.000m3/ngày đêm, giảm mất 20.000m3”.

Với những khu vực quá xa, nước yếu không chảy tới, công ty phải điều động xe bồn chở nước cho người dân. Nhưng giải pháp này cũng chỉ là “phủi nóng”, bởi số hộ thuộc diện này quá lớn, mỗi lần chở cách nhau cả chục ngày.

Cả thành phố chờ… vài hộ dân

Để giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho TP Buôn Ma Thuột, Công ty Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk đã triển khai dự án Nhà máy xử lý nước từ sông Sêrêpốk tại xã Ea Na, huyện Krông Ana với công suất 35.000 m3/ngày đêm, tổng vốn đầu tư 30 triệu USD.

Ông Thiện cho biết: “Theo dự kiến của chúng tôi, đây là mùa khô cuối cùng người dân TP Buôn Ma Thuột chịu đựng cảnh thiếu nước. Bởi đầu mùa khô 2018 – 2019 tới đây, cụ thể là khoảng tháng 10.2018 dự án này sẽ đi vào hoạt động”.

Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay, việc thi công đường ống dẫn nước từ sông Sêrêpốk về TP Buôn Ma Thuột đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ dân tại buôn Ea Na và thôn Ea Tung (xã Ea Na) không cho nhà thầu vận chuyển vật tư, không cho máy móc thi công lắp đặt ống nước.

Trong khi đó, đây là tuyến ống chôn ngầm dọc theo hành lang đường giao thông, không thu hồi đất. Trước tình hình trên, ngày 26.3, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản giao huyện Krông Ana phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế các vướng mắc, giải quyết theo thẩm quyền.

                        img

Ống nước chất đống dọc tỉnh lộ 2 vì một số hộ dân ngăn cản thi công 

Ngày 11.5, trao đổi với PV Dân Việt, bà H’Duyên Ksơr – Chủ tịch UBND xã Ea Na – cho biết, nguyên nhân là do người dân sợ xe chở vật liệu làm hư hỏng tuyến đường khoảng 2 km từ buôn Ea Na và thôn Tân Thắng ra tỉnh lộ 2, vấn đề này xã đã giải quyết xong.

Còn dọc tuyến tỉnh lộ 2 có tổng cộng 72 hộ thì 64 hộ đã ký biên bản đồng ý, chỉ còn 8 hộ có cây cảnh lâu năm, tường rào kiên cố nên muốn xin hỗ trợ thêm. “Đối với 8 hộ này, nhà thầu đã cam kết sẽ làm lại phần tường rào, lối vào, phần sân xi măng bị ảnh hưởng. Một số bà con đã thống nhất, chỉ còn vài hộ chưa đồng ý nên chúng tôi đang tiếp tục vận động”, bà H’Duyên nói.    

Như vậy 63 nghìn hộ dân TP Buôn Ma Thuột thiếu nước sinh hoạt và dự án cấp nước trị giá 30 triệu USD vẫn phải chờ các hộ dân này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem