Hàng ngàn trẻ tự kỷ không được đến trường

Thứ sáu, ngày 06/04/2012 09:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tại Việt Nam ước tính hiện nay có hàng nghìn trẻ tự kỷ không được đến trường. Đó là nỗi đau của các bậc cha mẹ khi trẻ không có môi trường để hoà nhập.
Bình luận 0

Năm 1996, đứa con gái đầu lòng của chị Nguyễn Tuyết Hạnh (giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) ra đời. Nhưng niềm vui chẳng tày gang vì chị Hạnh sớm nhận ra con chị không hề thích mẹ ôm ấp. Cứ bú mẹ no là cháu lại ưỡn người, la hét, gào khóc cho đến khi nào mẹ đặt xuống giường mới thôi. “Càng sát lại gần, con lại càng lảng xa. Có lúc, tôi chỉ còn biết khóc” - chị Hạnh tâm sự.

img
Những đứa trẻ này đang mong được đến trường.

Nhưng vào thời điểm 1997-1998, chưa có bác sĩ nào biết về hiện tượng tự kỷ, cũng chẳng biết con chị bị làm sao. Vợ chồng chị phải tự đọc tài liệu để biết về bệnh của con, hỗ trợ cháu từng kỹ năng nhỏ. Hiện nay, cháu đã biết đọc, biết chăm sóc bản thân.

Chị Hạnh là một trong những phụ huynh đầu tiên đứng ra thành lập CLB Gia đình trẻ tự kỷ TP.Hà Nội từ năm 2002 để cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau. Tương tự, chị Nguyễn Thị Ngọc (Khương Hạ, Hà Nội) có con trai “không thích mẹ”. Lúc đó, chị Ngọc được giới thiệu đến khoa Tâm bệnh (Bệnh viện Nhi T.Ư) và được chẩn đoán “con bị tự kỷ”.

Chị Ngọc cho biết, điều chị khổ tâm nhất là không tìm được một trường học phù hợp cho con. Hiện nay, con chị đang học Trường Anbe Anhxtanh do một nhóm phụ huynh có con tự kỷ thuê địa điểm, thuê thầy cô về dạy. Số tiền mà chị Ngọc phải đóng để con không bị thất học là 5-6 triệu đồng/tháng. Nhiều chị trong CLB cũng bất bình khi xin học cho con, lãnh đạo một số trường tỏ thái độ gần như “ban ơn” mặc dù các cháu vẫn phải đóng học phí đúng chế độ, học đúng chương trình.

Ở Hà Nội và các thành phố lớn, việc học của trẻ tự kỷ còn khó khăn như vậy thì ở nông thôn, trẻ tự kỷ hầu như cam chịu thất học vì không có trường lớp dành cho mình.

Với mong muốn con mình được đi học, suốt 10 năm nay, những bậc cha mẹ của CLB trẻ tự kỷ đã gõ cửa nhiều nơi, vận động để đưa nhóm trẻ tự kỷ vào dạng khuyết tật (hưởng chính sách theo Luật Người khuyết tật). Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết trẻ tự kỷ vẫn thất học vì cha mẹ không đủ giàu để chi tiền mở trường, mở lớp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem