Hậu thu hồi đất - bài học từ Sơn La

Thứ năm, ngày 14/03/2013 08:53 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với gần 62.000ha đất phải thu hồi, gần 20.000 hộ dân bị ảnh hưởng, việc thu hồi đất theo Dự án di dân tái định cư Thuỷ điện Sơn La đã thành con số kỷ lục. Nhưng điều đáng nói, hậu thu hồi đất được giải quyết rất vì dân.
Bình luận 0

Trong khi Luật Đất đai 2003 chưa có các điều khoản cụ thể quy định quyền và lợi ích của người dân bị thu hồi đất thì tại nhiều địa phương, nhiều ngành đã có các cách làm khác nhau để cùng giải quyết nỗi khổ mất đất vốn đeo đẳng người dân từ nhiều năm nay. Nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nên xem xét, bổ sung theo những cách làm hay này.

img
Người dân vùng tái định cư xã Mường Trai, Mường La, Sơn La.

Cấp đi trước thu

Với Sơn La, để thực hiện yêu cầu di dân tái định cư (TĐC) gần 13.000 hộ thì việc cấp đất tại nơi ở mới được thực hiện trước khi thu hồi đất tại nơi ở cũ. Ông Lù Bình - Trưởng ban di dân TĐC Thuỷ điện Sơn La cho biết: “Với tất cả các hộ di dân TĐC Thuỷ điện Sơn La, trước khi họ di chuyển khỏi nơi ở cũ, chúng tôi đã quy hoạch đất ở, đất sản xuất, đất rừng… cho họ tại nơi ở mới - bản TĐC.

Như vậy, có nghĩa là một bộ phận không nhỏ người dân sở tại - nơi quy hoạch TĐC - cũng bị thu hồi đất để sẻ chia với người TĐC. Chúng tôi tuyên truyền sâu, rộng; cả hệ thống chính trị vào cuộc. Ngay sau công tác tuyên truyền, vận động là việc thống kê, kiểm đếm, áp giá, thu hồi… công khai, minh bạch. Bởi thế không có sự bất đồng, phản ứng xấu từ phía người dân sở tại khi bị thu hồi

Trao đổi với chúng tôi, ông Lò Văn Bình, bản Tra-Xa Căn, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, bảo: “Dân bản tôi phải san sẻ mấy chục ha đất để đón dân TĐC Thuỷ điện Sơn La từ huyện Quỳnh Nhai chuyển đến. Đất đang trồng ngô, mía; thu nhập mỗi năm tới 50-80 triệu đồng. Phải sẻ chia ai cũng tiếc, nhưng được tuyên truyền, vận động tốt nên ai cũng hiểu rõ trách nhiệm và quyền lợi của mình. Nhiều hộ còn xung phong đăng ký diện tích sẻ chia tới 1-2ha. Những diện tích bị thu hồi đó đều được thanh toán sòng phẳng để giúp dân có điều kiện thêm vốn đầu tư mở rộng, nâng cấp sản xuất và dịch vụ, đảm bảo cuộc sống sau khi bị thu hồi đất.

Người dân bớt khổ

Ông Nguyễn Văn Lợi, nông dân (Nghệ An): Đừng “ném” tiền cho dân là xong

Tôi nghĩ rằng, Dự thảo Luật Đất đai ở phần thu hồi, hỗ trợ thu hồi đất phải thể hiện được quan điểm là hài hòa, đảm bảo lợi ích của 3 nhóm chủ thể tham gia, đó là nông dân - Nhà nước - doanh nghiệp. Không đảm bảo được điều này, tình trạng khiếu kiện, tranh chấp chắc chắn xảy ra. Với người dân, khi Nhà nước, doanh nghiệp thu hồi đất thì không nên áp dụng mệnh lệnh hành chính, cần đảm bảo bình đẳng cho người có đất. Đồng thời, cơ chế hỗ trợ, tạo việc làm cho nông dân phải được thực hiện nghiêm túc, chứ không thể thu hồi xong rồi ném một cục tiền cho dân là xem như hoàn thành.

Đó là quyết tâm của tỉnh Sơn La sau khi thực hiện việc thu hồi đất trong Dự án di dân TĐC Thuỷ điện Sơn La. Bà Tráng Thị Xuân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, phụ trách vấn đề di dân TĐC Thuỷ điện Sơn La, cho biết: Với những hộ bị ảnh hưởng trong thu hồi đất của Dự án TĐC, bao gồm cả hộ di dời và hộ nơi sở tại, tỉnh Sơn La đã dồn lực chăm lo để người dân có những điều kiện sinh sống và sản xuất tốt hơn trước khi bị thu hồi đất.

Trên thực tế, ngoài việc đầu tư xây dựng hàng ngàn dự án thành phần về cơ sở hạ tầng cho người dân chuyển đến thì nhiều công trình công cộng khác như: Điện, nước sinh hoạt, đường giao thông, thuỷ lợi, nhà văn hoá, nhà lớp học… cũng được xây dựng để đáp ứng quyền lợi chung cho cả người dân sở tại.

Xác định người dân phải rời nơi quê cha đất tổ, có thiệt thòi lớn nên tỉnh tập trung rất cao chăm lo đời sống và sản xuất cho bà con. Ngoài việc nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thanh toán, đền bù, hỗ trợ với việc thu hồi đất, Sơn La còn thực hiện nhiều biện pháp khác để bà con thêm điều kiện tốt ổn định đời sống, phát triển sản xuất: Dạy nghề, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư…

Đến với bản TĐC Tân Quỳnh, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, cảm nhận rõ những đổi thay trong cuộc sống người dân sau 7 năm định cư trên quê mới. Anh Hoàng Văn On - Trưởng bản, cho biết: “Chúng tôi chuyển về đây được hỗ trợ, đầu tư nhiều khoản lắm. Tiền hỗ trợ, đền bù từ thu hồi đất cũng được cán bộ tư vấn, hướng dẫn sử dụng cho hiệu quả. Bên cạnh việc mỗi hộ được cấp từ 1-1,2ha đất sản xuất và 400m2 đất ở, chúng tôi còn được tập huấn khuyến nông nhiều lần, được hỗ trợ học nghề, tư vấn chuyển đổi sản xuất. Bản hiện không còn hộ đói, hộ nghèo; chỉ dăm năm nữa là thành hộ khá, hộ giàu hết thôi”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem