Hiếm gặp: 3 trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết, có trường hợp phải thở oxy, bác sĩ cảnh báo giai đoạn nguy hiểm

Gia Khiêm Thứ tư, ngày 23/11/2022 06:12 AM (GMT+7)
Theo bác sĩ, việc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi mắc sốt xuất huyết đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội, được nhận định là rất hiếm tại Việt Nam và trên thế giới.
Bình luận 0

Hiếm gặp 3 trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết

Ngày 22/11, bác sĩ Vũ Thị Thu Nga, Trưởng khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội, cho biết, bệnh viện tiếp nhận điều trị cho 3 trẻ sơ sinh bị sốt xuất huyết. Các bệnh nhi lần lượt là bé trai 16 ngày tuổi, hai bé gái 4 ngày tuổi và 7 ngày tuổi.

Các em bé nhập viện khi dịch sốt xuất huyết đang vào cao điểm tại Hà Nội. Đây cũng là lần đầu tiên bệnh viện ghi nhận trẻ sơ sinh mắc bệnh này. Việc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi mắc sốt xuất huyết cũng được nhận định là rất hiếm tại Việt Nam và trên thế giới.

Hiếm gặp: 3 trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết, có trường hợp phải thở oxy, bác sĩ cảnh báo giai đoạn nguy hiểm - Ảnh 1.

Bác sĩ, điều dưỡng Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chăm sóc bệnh nhi Ảnh: BVCC

Theo bác sĩ Nga, trường hợp bé 4 ngày tuổi nhập viện trong tình trạng bị vàng da. Tuy nhiên, một ngày sau khi nhập viện, trẻ xuất hiện tình trạng sốt, nhiệt độ lên đến 38,5 độ C.

Sau khi thực hiện các xét nghiệm, trẻ được xác định dương tính sốt xuất huyết trên nền bệnh vàng da sơ sinh và nhiễm khuẩn sơ sinh. Sau 3 ngày điều trị, tình trạng của trẻ ổn định. Theo nguyện vọng của gia đình, trẻ được chuyển lên tuyến trên.

Trường hợp trẻ 7 ngày tuổi nhập viện vì suy hô hấp, tím tái. Sau khi nhập viện điều trị, trẻ cũng xuất hiện tình trạng sốt. Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ dương tính sốt xuất huyết. Cũng theo chia sẻ của bác sĩ Nga, đây là trường hợp trẻ sinh non tháng (tuần 37) và chỉ nặng 2,6kg nên thể trạng yếu hơn bình thường.

Trẻ được điều trị hồi sức tích cực. Tuy nhiên, 3 ngày sau khi nhập viện, trẻ bị suy hô hấp và đặc biệt có tình trạng cô đặc máu. Các bác sĩ đã phải chỉ định cho trẻ thở oxy, truyền dịch, sử dụng kháng sinh. May mắn là trẻ đáp ứng điều trị tốt và cai thở oxy, thể trạng ổn định.

Trường hợp còn lại (bé trai 16 ngày tuổi) có địa chỉ tại phường Bồ Đề, quận Long Biên. Trẻ có mẹ và bà ngoại đều bị mắc sốt xuất huyết. Sau khi nhập viện trẻ được chỉ định điều trị theo phác đồ và xuất viện sau 3 ngày điều trị.

Từ 3 trường hợp hy hữu này, bác sĩ Nga cảnh báo, trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết triệu chứng lâm sàng thường không đặc trưng nên dễ bị nhầm lẫn và bỏ sót. Ba ca bệnh ghi nhận tại viện chưa cung cấp đủ bằng chứng để bác sĩ rút ra những kết luận về diễn biến bệnh trên trẻ sơ sinh. 

Tuy nhiên, biểu hiện ở nhóm trẻ này tương tự với nhóm lớn hơn như sốt hoặc hạ nhiệt độ, sốt kéo dài 3-4 ngày; trẻ có thể bị da tái, phát ban, xuất huyết rải rác hoặc vàng da sớm; trẻ bỏ bú, bụng chướng, nôn, gan to, tiêu chảy, giảm tiểu cầu, men gan tăng... Sốt và bú kém là hai biểu hiện sớm và thường gặp.

Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh có thể đồng nhiễm sốt xuất huyết và bệnh khác, ví dụ adenovirus, viêm phế quản phổi, cúm... Lúc này, trẻ dễ trở nặng. Do đó, bác sĩ Nga khuyến cáo trẻ bị sốt xuất huyết cần được nhập viện, không tự theo dõi, điều trị tại nhà.

Từ vụ 3 trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết: Cảnh báo giai đoạn nguy hiểm

Theo ThS.BS Đặng Khánh Ly - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Đống Đa (Hà Nội), trẻ em là đối tượng có nguy cơ cao mắc sốt xuất huyết do các đặc thù về sinh hoạt và thể trạng dễ bị muỗi tấn công. Đồng thời, với sức đề kháng kém trẻ dễ bị các biến chứng nặng do bệnh gây nên. Vì vậy, cha mẹ cần lưu ý khi chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết.

"Sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau và diễn biến phức tạp. Sự khởi phát của bệnh thường khá đột ngột và diễn biến bệnh nhanh chóng từ nhẹ đến nặng qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục", bác sĩ Ly cho hay.

Hiếm gặp: 3 trẻ sơ sinh mắc sốt xuất huyết, có trường hợp phải thở oxy, bác sĩ cảnh báo giai đoạn nguy hiểm - Ảnh 2.

Khi bị sốt xuất huyết trẻ sẽ bị nổi nhiều nốt ban đỏ dưới da. Ảnh minh hoạ

Ở giai đoạn sốt (từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 4), trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục trong 4-5 ngày, kém đáp ứng với thuốc hạ sốt. Trẻ còn nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc. Trẻ lớn hơn thì đau đầu, cảm thấy chán ăn, buồn nôn, đau cơ khớp, nhức ở hai hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Đáng chú ý, sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh, thường rơi vào khoảng ngày thứ 3 - 7 sau khi mắc bệnh. Biểu hiện của sốt xuất huyết ở trẻ vào giai đoạn này có thể còn sốt hoặc đã thuyên giảm. Trẻ sẽ mệt hơn, li bì, ăn kém, tiểu ít, phát ban xuất huyết toàn thân.

Các biểu hiện xuất huyết như chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, hành kinh số lượng nhiều ồ ạt (ở trẻ gái ), xuất huyết nội tạng (đi ngoài phân đen), xuất huyết não (co giật, hôn mê). Các biểu hiện thoát dịch như dịch ổ bụng (đau bụng, chướng bụng, tức bụng), dịch màng phổi (ho tăng, tức ngực, khó thở), mạch nhanh, huyết áp tụt hoặc kẹt.

"Cha mẹ lưu ý xuất huyết không phải là biểu hiện bắt buộc của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em, bởi vì có thể trẻ tuy mang bệnh nhưng lại hoàn toàn không biểu hiện triệu chứng xuất huyết. Vì vậy, dù có hoặc không có triệu chứng xuất huyết thì bệnh vẫn có thể đã tới giai đoạn nguy hiểm. Một trong những biến chứng nguy hiểm là trẻ bị sốc, với biểu hiện gồm ba tình trạng suy giảm: giảm tri giác, giảm thân nhiệt và giảm huyết áp. Nếu không phát hiện xử trí kịp thời trẻ dễ đi vào sốc, rối loạn đông máu, suy đa tạng", bác sĩ Ly phân tích.

Sau giai đoạn nguy hiểm chừng 48 - 72 tiếng là giai đoạn phục hồi, trẻ hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, trẻ tỉnh táo hơn, đỡ mệt, ăn ngon hơn, tiểu nhiều, ban xuất huyết dưới da bay dần, đỡ và hết đau bụng. Khi xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu tăng lên nhanh, số lượng tiểu cầu dần trở về mức bình thường, nhưng thường chậm hơn so với bạch cầu.

"Quan trọng nhất trong điều trị sốt xuất huyết ở trẻ là kiểm soát nhiệt độ, không để trẻ nhỏ sốt quá cao dẫn đến co giật, trẻ lớn sốt cao thường mê sảng. Bù đủ dịch qua đường uống nếu trẻ tỉnh táo uống được, đường truyền nếu trẻ mệt không uống được. Đồng thời cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời các biến chứng của bệnh nếu có", chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, một tháng liên tiếp vừa qua Thủ đô liên tục ghi nhận hơn 1.000 ca mắc mới/tuần. Từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận hơn 13.000 ca, gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm 2021; 16 người tử vong. Nhiều cơ sở điều trị quá tải do số lượng bệnh nhân tăng nhanh từ cuối tháng 10.

Về phòng ngừa, bác sĩ cũng khuyến cáo người dân phòng chống muỗi đốt bằng cách đậy kín tất cả vật dụng chứa nước, thay rửa nơi chứa nước hàng tuần, vệ sinh định kỳ môi trường sống xung quanh. Mẹ và bé cần mặc quần áo dài tay, ngủ màn cả ngày và đêm, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi nguồn gốc tự nhiên. Khi gặp trẻ sơ sinh bị sốt trong cao điểm dịch, cơ sở y tế nên nghĩ tới sốt xuất huyết để làm xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị kịp thời.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem