Hiệu trưởng xấu hổ vì nhiều trường ĐH CĐ bị đem ra mua bán

Tùng Anh Thứ sáu, ngày 23/12/2016 11:07 AM (GMT+7)
“Lắm lúc tôi cảm thấy xấu hổ lắm, các trường ĐH CĐ ngoài công lập bây giờ bị mua qua bán lại rất dữ. Người ta chỉ cần bỏ ra vài tỷ là mua được cái trường. Mà mua gì? Chỉ là một cái giấy, trường lúc ấy đã be bét rồi” - GS Trần Phương hiệu trưởng trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ đau lòng khi nói về thực trạng phát triển của các trường ĐH CĐ ngoài công lập.
Bình luận 0

GS Trần Phương cho biết, các trường ĐH CĐ ngoài công lập đang hầu hết phát triển theo 2 mô hình:  Trường của các nhà đầu tư và trường phi lợi nhuận. Trong đó, mô hình trường của các nhà đầu tư (vì lợi nhuận) đang lộ rõ nhiều bất cập.

img

GS Trần Phương cho biết, ông cảm thấy xấu hổ trước thực trạng mua bán các trường ĐH CĐ ngoài công lập (Ảnh: IT)

Trong mô hình trường của các nhà đầu tư, một số nhà đầu tư bỏ vốn ra lập trường, thuê cán bộ nhân viên, tuyển sinh, thu học phí, lời ăn, lỗ chịu. Đây là loại hình theo đuổi "mục tiêu lợi nhuận", tùy theo số người góp vốn mà trường có hình dạng như doanh nghiệp gia đình, doanh nghiệp tư nhân hay công ty trách nhiệm hữu hạn.

Theo thống kê của Bộ GD ĐT, hiện nay, cả nước có 84 trường (60 trường ĐH và 24 trường CĐ) ngoài công lập với hơn 13.000 giảng viên và hơn 330.000 sinh viên (chiếm 14% sinh viên cả nước).

Với loại trường này, có một nhược điểm nhìn thấy rõ đó là, người đứng đầu là người có tiền, nhiều vốn. Họ chi phối mọi hoạt động của trường nên giữa nhà đầu tư và các nhà giáo luôn tiềm ẩn mâu thuẫn. Nhà đầu tư thì muốn tiết giảm kinh phí đào tạo để tăng lợi nhuận, còn các nhà giáo thì muốn nâng cao chất lượng đào tạo, dù phải tăng kinh phí đào tạo.

“Điều này dẫn đến thực trạng mua  - bán trường xảy ra nhiều. Trường học được coi như một “món hàng”. Thậm chí còn có hiện tượng “lật nhau” để mua. Lắm lúc tôi cảm thấy xấu hổ lắm, các trường ĐH CĐ ngoài công lập bây giờ mua qua bán lại rất dữ. Người ta chỉ cần bỏ ra vài tỷ là mua được cái trường. Mà mua gì? Chỉ là một cái giấy, trường lúc ấy đã be bét, không còn gì nữa rồi” – GS Phương nói.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nếu cứ duy trì mô hình trường vì lợi nhuận thì ĐH CĐ tư thục sẽ khó phát triển đúng mục tiêu.  Loại hình “trường phi lợi nhuận” tuy không có “vốn” nhiều nhưng lại có 2 thế mạnh là: Không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp nên tích lũy đầu tư cho cơ sở vật chất. Hai là trường của các nhà giáo nên xác định mục đích tối thượng là vì giáo dục chứ không vì lợi nhuận.

“Sự thành công của một trường ĐH không phụ thuộc vào những người có nhiều tiền, mà phụ thuộc vào những người có tâm và có tài. Giáo dục cần phải chọn các nhà giáo có tâm, có tầm đứng đầu chứ không phải người có tiền chi phối. Theo tôi, những người đứng đầu các trường ĐH phải là nhà giáo” - GS Trần Phương nói.

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD ĐT Bùi Văn Ga cho rằng,  Bộ GD ĐT luôn nhất quán trong việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tức là tăng cường các trường ĐH ngoài công lập. Bộ chủ trương trong bối cảnh hiện nay không cho thành lập các trường ĐH công lập nhưng những trường đại học tư thục có đầu tư lớn, chất lượng cao và không vì lợi nhuận vẫn được trình Thủ tướng xem xét mở.

“Bộ rất khuyến khích những nhà đầu tư chất lượng, không vì lợi nhuận. Bộ luôn xem các trường ĐH công lập và ngoài công lập bình đẳng như nhau, không có sự phân biệt đối xử nào trong tất cả các cơ chế, chính sách” – ông Ga nói.

Một số vụ mua bán trường ĐH ngoài công lập từ năm 2012 - 2015

Năm 2013, sau một thời gian nội bộ lủng củng, suy thoái vốn, trường ĐH Văn Hiến chính thức được mua bởi Công ty cổ phần phát triển Hùng Hậu với giá 100 tỷ;

Cuối năm 2013 trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn cũng được bán cho chủ đầu tư mới với giá 30 tỷ đồng; cùng năm, trường ĐH Thái Bình Dương (Khánh Hòa) cũng được chuyển nhượng sau nhiều năm tuyển sinh thất bát.

Năm 2014 trường ĐH Kinh tế tài chính Tp Hồ Chí Minh cũng được mua bởi Công ty Cp Đầu tư phát triển giáo dục Hutech với giá khoảng 200 tỷ đồng;

Năm 2015, trường ĐH quốc tế Hồng Bàng cũng được chuyển giao cho nhà đầu tư mới là Tập đoàn công nghệ và giáo dục Nguyễn Hoàng với giá 500 tỷ đồng;

Cũng trong năm này, trường ĐH Quang Trung (Bình Định) chính thức có hội đồng quản trị mới với 5 nhà đầu tư.

(PV T/h)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem