Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn.
Chủ tịch T.Ư Hội NDVN đánh giá: Nghị định số 67 được Chính phủ ban hành với các chính sách căn cơ hơn để hỗ trợ phát triển mạnh mẽ ngành đánh bắt thủy hải sản xa bờ của nước ta, cũng như dần thay đổi phương thức đánh bắt cũ, định hình phương thức đánh bắt mới hiện đại cho ngư dân, góp phần nâng cao giá trị thủy sản. Điểm mới cốt yếu, quan trọng nhất của Nghị định 67 là quy định đầy đủ, có hệ thống, đồng bộ các chính sách cơ bản nhất cho việc khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, đồng thời góp phần vào bảo vệ các vùng biển của nước ta.
Tàu vỏ thép BĐ 99004 TS của ông Nguyễn Văn Lý (huyện Phù Mỹ, Bình Định) đi biển mấy chuyến đều bị hỏng học, đến chuyến thứ 5 thì ông phải cho nằm bờ. Tàu do Cty TNHH Đại Nguyên Dương đóng. Ảnh: D.T
T.Ư Hội NDVN sẽ có văn bản gửi Chính phủ thông qua giao ban kỳ này, phản ánh với Ban Bí thư... để có chỉ đạo UBND tỉnh Bình Định phải làm rõ sự việc hàng loạt “tàu 67” hư hỏng liên tục, ngư dân không thể ra khơi, thiệt hại lớn về kinh tế”.
Ông Lại Xuân Môn
|
Đây là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm góp phần phát triển kinh tế biển, phát triển nghề khai thác hải sản hướng vươn khơi gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chủ trương đúng đắn này phù hợp với xu hướng phát triển với chiến lược giàu mạnh từ biển.
Cũng theo Chủ tịch Lại Xuân Môn: Việc hiện đại hóa tàu lớn sẽ hạn chế tàu nhỏ đánh bắt ven bờ, tận diệt hải sản. Tàu lớn có thể vươn khơi dài ngày để khai thác hải sản hiệu quả, gắn với bảo vệ quốc phòng an ninh trên biển. Rõ ràng chủ trương này có ý nghĩa lớn, ý nghĩa về chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng. Chính sách này cũng có ý nghĩa về mặt xã hội rất lớn, đó là giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho ngư dân...
Trong những ngày qua, Báo NTNN/Báo điện tử Dân Việt đã liên phản ánh về tình trạng “tàu 67” tại Bình Định, Thanh Hóa, Quảng Trị... và một số địa phương liên tục bị hư hỏng trong quá trình ra khơi đánh bắt hải sản, hiện phải nằm bờ. Nhiều cơ quan liên quan đã vào cuộc làm rõ nguyên nhân hư hỏng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Thực hiện Nghị định 67, Bộ NNPTNT đã phân bổ về các địa phương đóng mới 2.284 tàu cá. Đến nay, hơn 300 tàu đã đi vào hoạt động. Theo đánh giá, hầu hết “tàu cá 67” đã phát huy được thế mạnh tàu lớn, khai thác bước đầu có hiệu quả. Tuy nhiên sau một thời gian ngắn, đến nay tại một số nơi có tình trạng tàu phải nằm bờ vì hư hỏng, một số tàu ra khơi đánh bắt chưa hiệu quả xuất, như tại Bình Định, Phú Yên, mới đây là Thanh Hóa… Sự cố này tôi cho rằng rất nguy hiểm, nếu như những con tàu này không thể ra khơi bám biển thì giảm đi ý nghĩa về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng. Ngư dân thì bị thiệt hại lớn bởi tàu có giá trị lên tới 15-20 tỷ đồng. Đây là tài sản rất lớn của ngư dân, là cả một sự nghiệp, chưa chắc một cuộc đời con người làm được tài sản lớn như vậy.
Tôi đi giám sát thực hiện chính sách pháp luật về khai thác đánh bắt nuôi trồng chế biến gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng ở các tỉnh thành và thấy rằng, có những chuyến ngư dân đi dài ngày hàng tháng trời, có lúc được mùa được giá nhưng vẫn không lãi là bao. Tuy nhiên vì kế sinh nhai, bằng trách nhiệm và tình yêu Tổ quốc, ngư dân luôn sẵn sàng ra khơi bám biển, dù biết rằng ra khơi trong giai đoạn này có nhiều rủi ro lớn đến từ thiên tai, bão tố, tàu lạ đâm và cướp ngư cụ…
Ấy vậy mà lại có một số công ty lợi dụng chính sách này để thiết kế, đóng những con tàu 15-20 tỷ đồng nhưng không đảm bảo chất lượng, máy tàu lắp không đúng hãng gây hư hỏng, phải sửa chữa liên tục; vỏ thép bị gỉ sét… Họ đã lợi dụng chính sách để làm bừa, làm ẩu, ăn chặn của ngư dân, khiến dư luận và nhân dân bất bình lên án.
Vậy theo quan điểm của ông, cần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan như thế nào và xử lý vụ việc này ra sao?
- Qua theo dõi, kiểm tra vụ việc có thể nhận thấy các công ty đóng tàu, đơn vị giám sát, trung tâm đăng kiểm đã làm rất ẩu, thiết kế, thi công không đúng với thiết kế; lắp máy không đúng chủng loại, sắt thép không đúng thiết kế… Vì vậy không những đơn vị thi công, mà đơn vị giám định, trung tâm đăng kiểm phải chịu trách nhiệm vấn đề này trước pháp luật, phải đền bù thiệt hại cho ngư dân.
Các đơn vị đóng tàu phải khắc phục về vỏ thép, máy phụ, thiết bị khác… mà cơ quan chức năng đã chỉ rõ. Đặc biệt, Bộ NNPTNT cần xem xét kỹ lưỡng những cơ sở vi phạm, đóng những con tàu kém chất lượng như Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty Đại Nguyên Dương, đồng thời loại những cơ sở đóng tàu trên ra khỏi danh sách tham gia Nghị định 67 do thiếu trách nhiệm với ngư dân, cung cấp sản phẩm kém, dù trước đó có đủ điều kiện.
Ngoài Bình Định, gần đây nhiều địa phương khác như Thanh Hóa, Quảng Nam, Phú Yên… cũng phản ánh có tình trạng tàu vỏ thép bị gỉ sét, thường xuyên bị trục trặc. Do vậy, các cơ quan chức năng cần rà soát và kiểm tra kỹ lưỡng.
Vấn đề quan trọng và bức thiết nhất hiện nay, theo tôi là cần tập trung khắc phục những hư hỏng trên để ngư dân sớm có con tàu đạt chất lượng, an toàn ra khơi, khôi phục sản xuất.
Trước sự việc này, T.Ư Hội NDVN đã và đang vào cuộc như thế nào để bảo vệ quyền lợi, lợi ích chính đáng của ngư dân, thưa Chủ tịch?
- Thời gian qua T.Ư Hội NDVN đã chỉ đạo Hội ND tỉnh Bình Định báo cáo trước Quốc hội, chỉ đạo Hội ND Bình Định tiến hành thống kê, rà soát tình hình tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67 để gửi lên T.Ư Hội. Chúng tôi cũng đã phân công một đồng chí Phó Chủ tịch T.Ư Hội cùng các đơn vị liên quan sẵn sàng hỗ trợ ngư dân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của ngư dân. Nếu cần thiết, T.Ư Hội NDVN sẵn sàng thuê luật sư bảo vệ quyền lợi cho ngư dân trong vụ việc này.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.