Hơn nghìn người phá gần 50ha rừng

Thứ sáu, ngày 19/11/2010 13:20 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Quá bức xúc trước việc tỉnh cấp đất cho doanh nghiệp trồng rừng trong khi dân không có đất sản xuất, hơn 1.000 người đã ồ ạt kéo vào phá rừng để chiếm giữ đất đai.
Bình luận 0
img
Cả nghìn người phá rừng tại tiểu khu 340a trước sự bất lực của cơ quan chức năng.

Sở NN&PTNT báo cáo sai sự thật

Theo khảo sát của UBND huyện Krông Năng (Đăk Lăk), trong số những người tham gia vụ phá rừng nói trên có khoảng 300 hộ thực sự thiếu đất sản xuất, thuộc đối tượng được cấp đất theo Quyết định 132 và Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, quỹ đất trên địa bàn huyện không còn nhiều để giải quyết cho dân. Nhưng trước đó, UBND tỉnh Đăk Lăk vẫn chấp thuận cho Công ty TNHH SXTM Lộc Phát (địa chỉ tại xã Phú Lộc, huyện Krông Năng) được khảo sát, lập dự án trồng 357ha cao su tại các tiểu khu 332, 340a, 340b và 342 do Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Krông Năng quản lý. Đây chính là lý do xảy ra tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dân, dẫn đến những vụ phá rừng manh nha từ tháng 8-2010.

Trong một báo cáo gửi UBND tỉnh Đăk Lăk, ông Nguyễn Văn Xuân - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - vẫn cho rằng, do một số đối tượng muốn tranh giành quyền sử dụng đất với Công ty Lộc Phát nên đã lôi kéo, xúi giục người dân tham gia phá rừng. Cùng với báo cáo sai sự thật này, ông Xuân còn ký văn bản cho phép Công ty Lộc Phát được xây nhà, làm vườn ươm, đưa lực lượng bảo vệ mặc sắc phục giống... kiểm lâm vào rừng khi chưa có quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh. Việc tác động trái phép vào rừng như giọt nước làm tràn chiếc ly bức xúc, dẫn đến cả nghìn người dân kéo vào rừng từ 12 đến 15-11.

Không chỉ mất rừng

Nghiêm túc kiểm điểm lãnh đạo Sở NN&PTNT vì hướng dẫn Công ty TNHH Lộc Phát triển khai trình tự, thủ tục chưa phù hợp với quy định hiện hành (ban hành công văn cho phép Công ty TNHH Lộc Phát được lập vườn ươm, dựng nhà trên đất đang khảo sát lập dự án), kết quả kiểm điểm báo cáo về UBND tỉnh.
Trích thông báo của UBND tỉnh Đăk Lăk về kết quả kiểm tra dự án trồng cao su, khoanh nuôi bảo vệ rừng của Công ty TNHH Lộc Phát

Ông Nguyễn Văn Lương - Phó Giám đốc BQLRPH Krông Năng - cho biết: "Ngày 12-11, chúng tôi thống kê có đến 88 xe công nông, 54 xe gắn máy, khoảng hơn 1.000 người tiến vào tiểu khu 340a thuộc địa giới hành chính các xã Ea Púk, Ea Dah. Họ xác định bám trụ lâu dài nên chuẩn bị đầy đủ lương thực, dựng hàng trăm lán trại trong rừng, cắm mốc chia đất cho nhau. Đến sáng 13-11, lại thêm 70 người đi trên 4 xe công nông, 23 xe gắn máy tiến vào rừng, dù trời mưa tầm tã. Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền các xã, cơ quan chức năng của huyện tuyên truyền, vận động nhưng họ vẫn không nghe, thậm chí họ còn khống chế chúng tôi. Hơn 1.000 người ngang nhiên chặt phá rừng cho đến chiều 15-11 mới rút khỏi hiện trường".

Hậu quả là 48,8ha rừng tự nhiên tại tiểu khu 340a và tiểu khu 340b bị chặt phá. Trước đó, 3 vụ phá rừng với quy mô tương tự cũng đã xảy ra từ tháng 8 đến tháng 10-2010, gây thiệt hại trên 22,6ha rừng.

Theo xác định ban đầu của cơ quan chức năng, những người phá rừng phần lớn có hộ khẩu thường trú tại các xã Ea Hồ, Ea Tam, thị trấn Krông Năng (huyện Krông Năng) và xã Ea Rông (thị xã Buôn Hồ). Trong đó, có người nguyên là phó chủ tịch UBND xã, có người nguyên là cán bộ Phòng Giáo dục huyện Krông Năng, có người đang làm trưởng thôn...

Thực tế cũng cho thấy, không lực lượng nào có thể ngăn nổi làn sóng phá rừng của cả nghìn người. Chiều 12-11, UBND tỉnh Đăk Lăk đã phải hạ nhiệt điểm nóng bằng quyết định chấm dứt chủ trương cho Công ty Lộc Phát trồng cao su trong lâm phần BQLRPH Krông Năng.

UBND huyện cũng cam kết giải quyết đất sản xuất cho người dân thiếu đất trong thời hạn 3 tháng, thay vì "giải quyết sớm nhất" như trước đây. Tuy vậy, làn sóng phá rừng có tái diễn hay không còn phụ thuộc vào việc thực hiện những cam kết nói trên.

Trước đây bà con được cấp đất theo chương trình 132, 134 của Chính phủ nhưng ít quá nên không đủ làm. Bà con biết việc phá rừng là vi phạm pháp luật, nhưng vì không có đất sản xuất, lại sợ công ty tư nhân lấy hết nên phải cùng nhau vào giữ.

Chúng tôi được biết Công ty TNHH Lộc Phát đã từng bán một dự án trồng rừng ở huyện Ea H'leo, chắc chắn nay mai họ cũng bán dự án này để kiếm lời chứ không có tâm huyết gì đâu. Đề nghị cơ quan chức năng làm rõ việc bán dự án, làm rõ việc cán bộ địa phương tham gia vào dự án lấy đất rừng trồng cao su của công ty này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem